Nghị quyết 64/NQ-HĐND năm 2012 về kết quả giám sát công tác giao đất rừng và quản lý, sử dụng đất rừng đối với các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức; công tác quản lý, thực hiện các dự án đầu tư - kinh doanh hạ tầng đô thị và một số chủ trương, biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý các dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Số hiệu | 64/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 11/07/2012 |
Ngày có hiệu lực | 21/07/2012 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Ninh |
Người ký | Nguyễn Đức Long |
Lĩnh vực | Bất động sản |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 64 /NQ-HĐND |
Quảng Ninh, ngày 11 tháng 7 năm 2012 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XII - KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005;
Sau khi xem xét các Báo cáo số 143/BC-HĐND ngày 07/7/2012 của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát công tác giao đất rừng và quản lý, sử dụng đất rừng đối với các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn tỉnh; Báo cáo số 40/BC-HĐND ngày 04/7/2012 của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh về kết quả giám sát công tác quản lý, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng đô thị và ý kiến thảo luận của các Đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. HĐND tán thành với báo cáo kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát công tác giao đất rừng và quản lý, sử dụng đất rừng đối với các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn tỉnh; báo cáo của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh về kết quả giám sát công tác quản lý, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh, với những đánh giá về ưu điểm, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các kiến nghị, giải pháp khắc phục, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:
1. Về công tác quản lý, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng đô thị:
Những năm qua, trong bối cảnh điều kiện nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, đòi hỏi phải huy động vốn đầu tư xã hội. Việc sử dụng nguồn lực từ quỹ đất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua các phương thức kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới là một chủ trương lớn của tỉnh được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện sớm từ năm 1995 đã tạo ra một bước đột phá về phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, kịp thời đáp ứng yêu cầu về nhà ở, đất ở cho nhân dân; thông qua đó, cải thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, môi trường đô thị; điều kiện sinh hoạt của dân cư. Bộ mặt các đô thị thay đổi đáng kể, các đô thị được quy hoạch mở rộng về không gian, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, bước đầu tạo ra các khu dân cư, khu đô thị du lịch, thương mại, góp phần làm thay đổi diện mạo, cảnh quan đô thị của tỉnh. Trong đó, một số khu dân cư, khu đô thị du lịch có quy mô lớn và cơ sở hạ tầng đầu tư khá hoàn chỉnh, đồng bộ, đã tạo ra nguồn thu từ quyền sử dụng đất lớn cho ngân sách, đóng góp quan trọng vào quá trình tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống người dân tại đô thị, tạo đà để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Tuy nhiên, công tác quản lý, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần khắc phục như:
Mặc dù đã được lựa chọn, thẩm định trước khi phê duyệt nhưng chất lượng của một số dự án và năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế. Chưa dự báo tốt cung cầu để điều tiết hoạt động đầu tư dẫn đến vượt nguồn cung cục bộ về đất ở một số khu vực. Cơ chế, chính sách đền bù hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng cũng còn những bất cập nên nhiều dự án gặp vướng mắc, một số chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và dẫn đến một số vụ việc khiếu kiện của dân phức tạp kéo dài. Hầu hết các dự án đều thực hiện chậm so với tiến độ được phê duyệt, trong đó một số chủ đầu tư được giao nhiều dự án nên không đủ năng lực thực hiện dứt điểm. Quy hoạch chi tiết xây dựng của các dự án còn mang tính đơn lẻ thiếu tính đồng bộ tổng thể và dự báo phát triển, còn chồng lấn diện tích, bất cập trong đấu nối hạ tầng kỹ thuật. Một số dự án đã điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, làm cho mật độ xây dựng tăng cao, diện tích đất cơ sở dịch vụ, công cộng giảm đi so với quy hoạch ban đầu và không chủ động làm thủ tục xác định lại nghĩa vụ tài chính với nhà nước để thực hiện. Nhiều chủ đầu tư chậm nộp tiền sử dụng đất, một số dự án nợ đọng tiền sử dụng đất kéo dài nhiều năm. Công tác quản lý, giám sát thi công chưa chặt chẽ nên có dự án lấn chiếm vượt diện tích được giao; hầu hết các dự án lấn biển chưa thực hiện đúng quy trình thi công, gây trồi đẩy bùn, đất ra biển và các cửa sông, ảnh hưởng tới môi trường Vịnh Hạ Long. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý của tỉnh (Quyết định số 4052/2005/QĐ-UBND) đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng còn chậm...
2. Về công tác giao đất rừng và quản lý, sử dụng đất rừng:
Nhìn chung việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp có sự chuyển biến tích cực, các cơ quan quản lý Nhà nước đã chủ động trong công tác quản lý về rừng và đất rừng như: rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng để bảo đảm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được bảo vệ ở những vị trí cần thiết, tăng diện tích rừng sản xuất, hài hoà mục tiêu bảo tồn và phát triển; xây dựng và triển khai tốt kế hoạch, chương trình trồng rừng để tăng độ che phủ rừng; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm cơ sở để quản lý và tạo điều kiện cho các chủ rừng phát triển sản xuất kinh doanh; làm tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, ban hành chính sách của địa phương trong bảo vệ và phát triển rừng...; Các đơn vị, cá nhân trực tiếp sử dụng đất rừng (công ty lâm nghiệp, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân) được giao đất đã tổ chức đầu tư trồng rừng theo hướng sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện cụ thể, gắn với việc bảo vệ rừng, góp phần đa dạng hóa nghề rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng còn có những hạn chế cần khắc phục như: việc quy hoạch 3 loại rừng còn bất cập, chưa sát thực tế; hồ sơ giao đất trước đây có độ chính xác thấp, có nơi chồng lấn, gây tranh chấp; tiến độ đo đạc bản đồ địa chính đất lâm nghiệp còn chậm so với các địa phương khác trong toàn quốc. Do vậy ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc quản lý của chính quyền cơ sở còn chưa chặt chẽ dẫn đến lấn chiếm; việc theo dõi rà soát biến động đất lâm nghiệp, kiểm tra, xử lý, thu hồi các dự án đầu tư kém hiệu quả trên đất rừng chưa được kịp thời, kiên quyết; chưa tích cực tiến hành rà soát quỹ đất đã giao cho các tổ chức, doanh nghiệp và đất chưa sử dụng để thu hồi giao lại cho các địa phương quản lý, lập phương án giải quyết cụ thể; do nhiều nguyên nhân, hiện có một bộ phận dân lao động, sinh sống trên khu vực đất rừng thiếu đất sản xuất; chưa đánh giá được chất lượng, trữ lượng rừng khi giao đất, giao rừng cho các chủ rừng nhất là rừng tự nhiên và rừng phòng hộ để bàn giao vốn rừng, xác định rõ trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật...
Điều 2. Để khắc phục những tồn tại hạn chế đã nêu trong báo cáo kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh và Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh; tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tiếp thu và tập trung tổ chức chỉ đạo thực hiện các kiến nghị đã được đề cập trong các báo cáo kết quả giám sát, đồng thời các cấp, các ngành trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ cần thống nhất thực hiện một số chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
1. Đối với công tác quản lý các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng và các dự án, công trình khác có sử dụng đất:
a) UBND các cấp tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, bao gồm cả các dự án mới được chấp thuận chủ trương, cho nghiên cứu quy hoạch; các dự án đã phê duyệt nhưng chưa triển khai và các dự án đang thực hiện dở dang để báo cáo các cấp có thẩm quyền trong quý III năm 2012 và đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm và phù hợp với pháp luật hiện hành. Tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên cơ sở luật pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, đồng thời kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án vi phạm, các dự án treo, dự án chậm tiến độ theo quy định của pháp luật, nhưng bảo đảm giải quyết hài hòa lợi ích của nhân dân, của nhà nước và của nhà đầu tư. Kiên quyết lập lại trật tự về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để khai thác tối đa nguồn lực từ quỹ đất theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm phát triển quỹ đất của cấp huyện, tỉnh để đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn của Nhà nước và bán đấu giá thu tiền về cho ngân sách của nhà nước; khẩn trương tiến hành xem xét việc thành lập trung tâm đấu giá và trung tâm giải phóng mặt bằng mang tính chất chuyên nghiệp để tổ chức thực hiện có hiệu quả việc giải phóng mặt bằng và bán đấu giá quỹ đất. Trước mắt xem xét, có biện pháp giải quyết dứt điểm ngay đối với các dự án đã được UBND tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra trên địa bàn thành phố Hạ Long cần phải xử lý theo pháp luật và tiến hành đúc rút kinh nghiệm để triển khai trên toàn tỉnh. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền tiến hành rà soát, xử lý nghiêm túc theo pháp luật và báo cáo trước nhân dân thông qua phương tiện đại chúng và qua các kỳ họp HĐND các cấp một cách rõ ràng, cụ thể và có tính thuyết phục cao.
b) Tiếp tục thực hiện chủ trương hạn chế tối đa việc phát triển quỹ đất đô thị bằng hình thức lấn biển, không san đồi lấp biển. Đối với các dự án đã và đang thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để bảo đảm thực hiện theo đúng quy hoạch tổng thể, thiết kế kỹ thuật và báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của luật pháp.
c) UBND các cấp và các cơ quan hữu quan theo chức năng, thẩm quyền tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị của các dự án đã được phê duyệt và định hướng bổ sung quy hoạch mới trên địa bàn, nhất là ở các khu vực ven bờ biển. Quản lý chặt chẽ, bảo đảm không cấp phép xây dựng các công trình trái với quy hoạch; kiểm tra cụ thể, có biện pháp xử lý, kiên quyết tháo dỡ các công trình đã xây dựng trái phép hoặc các công trình xây dựng cấp phép không hợp pháp. Đồng thời rà soát và xem xét bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị theo hướng bảo đảm không gian sinh hoạt chung các công trình văn hoá, giáo dục, y tế cho cộng đồng và cảnh quan kiến trúc đồng bộ, hiện đại, đảm bảo môi trường bền vững, xanh, sạch đẹp, đặc biệt là khu trung tâm du lịch Bãi Cháy và một số khu vực đô thị ven biển khác. Đối với những công trình ven bờ biển đã được cấp phép, đã xây dựng nhưng đến nay không phù hợp với chủ trương phương án quy hoạch mới (nhất là tại khu vực ven Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long), UBND các cấp cần khẩn trương có lộ trình phù hợp và biện pháp, kế hoạch giải quyết quyết liệt trên cơ sở cân bằng lợi ích hợp pháp của các chủ đầu tư, lợi ích của đông đảo cộng đồng nhân dân, của nhà nước theo quy định của luật pháp. UBND tỉnh rà soát phân cấp quản lý cho các địa phương theo luật pháp. Việc rà soát, thu hồi các dự án treo, dự án có tính đầu cơ, dự án các chủ đầu tư không có đủ khả năng triển khai trong thời hạn theo quy định của pháp luật để các địa phương chủ động thu hồi theo luật pháp và quy định hiện hành nhằm tăng nguồn lực từ đất. Song song với việc rà soát thu hồi là quy định trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến việc buông lỏng và quản lý thiếu chặt chẽ có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ở các cấp và cương quyết không cho xây dựng các công trình có độ cao làm khuất tầm nhìn của người đi bộ ra Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.
d) UBND các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các dự án đang triển khai thi công, các công trình khởi công, xây dựng mới, sửa chữa... phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo luật định; chấn chỉnh, khắc phục ngay các vi phạm gây ảnh hưởng đến môi trường đô thị và môi trường Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. UBND các cấp tập trung chỉ đạo phấn đấu đến hết năm 2013, toàn bộ nước thải từ các công trình, khu đô thị của các dự án phải được xử lý bảo đảm tiêu chuẩn quy định trước khi xả ra khu vực ven bờ biển để bảo vệ môi trường, cảnh quan di sản thiên nhiên kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long, góp phần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững trong những năm tới.
đ) Cùng với việc chuyển giao nhiệm vụ theo dõi, giám sát thi công các dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng trên địa bàn tỉnh từ Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng công trình trọng điểm tỉnh về Ủy ban nhân dân cấp huyện các địa phương theo Quyết định số 1443/QĐ-UBND ngày 13/6/2012, UBND tỉnh sớm sửa đổi, bổ sung đồng bộ các quy định của tỉnh để tăng cường quản lý đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng đô thị và đầu tư dự án có sử dụng đất. Bảo đảm khai thác sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả; tăng cường công khai, minh bạch trong các khâu quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, giao đất, cho thuê đất, định giá đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất... theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Triển khai việc lập, trình HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư số 03/2009/TT-BKH ngày 16/4/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất. Đối với những dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, trước hết nghiên cứu theo hướng giao cho UBND cấp huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư tổ chức triển khai, thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đấu giá quyền sử dụng đất để tăng hiệu quả đầu tư và tăng thu ngân sách cho địa phương.
e) Song song với việc chấn chỉnh thu hồi điều chỉnh các dự án thực hiện chưa đúng quy hoạch cần tăng cường phát triển các dự án và kèm theo là đề xuất các cơ chế chính sách ưu đãi cụ thể cho từng dự án. Đồng thời phối hợp với Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của tỉnh (IPA Quảng Ninh) thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực thực sự đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh và các địa phương.
f) Hội đồng nhân dân các cấp cần xây dựng kế hoạch, cơ chế giám sát, kiểm tra thường xuyên, trực tiếp về việc phát triển các dự án hạ tầng và nhất là việc phát huy nguồn lực từ đất theo Nghị quyết này và có các biện pháp phù hợp báo cáo trước nhân dân.
2. Đối với công tác quản lý, sử dụng rừng và đất rừng:
a) Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, thể chế hóa các cơ chế, chính sách, quy định của Trung ương thành các quy định cụ thể của tỉnh như: các chính sách hỗ trợ sản xuất lâm nghiệp (giống, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ vay vốn...); về tổ chức và quản lý các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, dịch vụ môi trường rừng; quy định chặt chẽ về cấp chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp ở những nơi xung yếu về an ninh quốc phòng; quy định về giao, cho thuê rừng, gắn với giao, cho thuê đất lâm nghiệp; quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao, nhận khoán bảo vệ rừng và đất rừng; quy chế về khai thác lâm sản và kiểm tra, bảo đảm nguồn gốc lâm sản hợp pháp...
b) UBND tỉnh chỉ đạo các cấp xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch 3 loại rừng bảo đảm phù hợp với yêu cầu quản lý và thực tế đất rừng. Tổ chức rà soát, kiểm tra cụ thể việc sử dụng đất rừng của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết thu hồi những diện tích đất rừng đã giao nhưng sử dụng sai quy định, kém hiệu quả; cùng với quỹ đất lâm nghiệp do địa phương đang quản lý, quỹ đất trước đây là rừng phòng hộ nay chuyển sang rừng sản xuất để có phương án khai thác hợp lý, phát huy nguồn lực từ rừng và đất rừng phục vụ cho lợi ích của nhân dân, ưu tiên giao đất rừng cho người dân địa phương sống phụ thuộc vào nghề rừng nhằm phát triển sản xuất, đảm bảo ổn định lâu dài nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa và người dân chỉ biết sống dựa vào rừng.