Nghị quyết 62/2011/NQ-HĐND về chương trình hành động thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011–2015

Số hiệu 62/2011/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/12/2011
Ngày có hiệu lực 20/12/2011
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Lê Vĩnh Tân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/2011/NQ-HĐND

Đồng Tháp, ngày 10 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN NĂM 2011-2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bình đẳng giới ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bình đẳng giới;

Căn cứ Quyết định số 2351/2010/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình hành động số 116-CTr/TU ngày 04 tháng 7 năm 2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Sau khi xem xét Tờ trình số 42 /TTr-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011-2015. Cụ thể như sau:

1. Mục tiêu phấn đấu:

Nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức để thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới; từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng cao vai trò vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực còn bất bình đẳng hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới cao. Phấn đấu đến năm 2015, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của Tỉnh nhà.

a) Mục tiêu 1. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị:

Phấn đấu đến nhiệm kỳ 2016-2020 tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các cấp ủy Đảng đạt từ 18% trở lên, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đạt từ 25% trở lên. Đến năm 2015, đạt 35% các cơ quan cấp tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ; có 45% các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ (nếu tỷ lệ nữ ở cơ quan, tổ chức có từ 30% trở lên).

b) Mục tiêu 2. Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động:

Phấn đấu hàng năm tỷ lệ lao động nữ được giải quyết việc làm đạt 48% trong tổng số lao động được giải quyết việc làm; tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề (từ trung cấp trở lên) chiếm 25% trong tổng số người được đào tạo nghề hàng năm; 100% phụ nữ thuộc diện hộ nghèo có nhu cầu, có phương án sản xuất được vay vốn tín dụng.

c) Mục tiêu 3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, nhằm từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo:

Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi đạt 94%, tỷ lệ nữ có trình độ thạc sĩ đạt 30% trong tổng số người được đào tạo thạc sĩ, có 10% nữ đạt học vị tiến sĩ trong tổng số người có học vị tiến sĩ của Tỉnh, giảm tỷ lệ trẻ em nữ bỏ học ở bậc trung học xuống dưới 3%.

d) Mục tiêu 4. Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, y tế:

Phấn đấu giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống dưới 23/100.000 trẻ đẻ sống, tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt 40%, giảm tỷ lệ phụ nữ phá thai xuống dưới 40/100 trẻ đẻ sống.

đ) Mục tiêu 5. Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin:

Đến năm 2015 giảm 70% các sản phẩm văn hóa, thông tin mang định kiến giới. Tăng thời lượng phát thanh, truyền hình của Đài Phát thanh Truyền hình, 100% đài phát thanh, truyền hình, báo có chuyên mục, chuyên trang nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.

e) Mục tiêu 6. Bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới:

Đảm bảo việc tiếp cận và bình đẳng giữa nam và nữ trong việc hưởng thụ văn hóa, thể thao; Đến năm 2015: có 100% số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện, 25% số nạn nhân được tư vấn về pháp lý và 50% nạn nhân của bạo lực gia đình được hỗ trợ, chăm sóc sức khoẻ; 45% người gây bạo lực gia đình được phát hiện, được giáo dục tư vấn tại các câu lạc bộ, trung tâm phòng, chống bạo lực gia đình; 100% số nạn nhân bị buôn bán được phát hiện, trở về thông qua trao trả hoặc giải cứu và 100% số nạn nhân trở về được hưởng các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

g) Mục tiêu 7. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bình đẳng giới:

Đến năm 2015 có 85% các văn bản quy phạm mới ban hành có vấn đề liên quan đến giới hoặc bất bình đẳng giới được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; bố trí đủ cán bộ, công chức làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; hình thành đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ ở cấp cơ sở; 100% cán bộ, công chức làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành được bồi dưỡng tập huấn; 100% các xã, phường, thị trấn và cấp huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp Tỉnh thành lập Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ.

2. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

a) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác bình đẳng giới. Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bình đẳng giới, nhất là đối với cán bộ quản lý nhà nước ở các cấp.

[...]