HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 60/NQ-HĐND
|
Vĩnh Long,
ngày 07 tháng 7 năm 2017
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ VÀ DU LỊCH TỈNH
VĨNH LONG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
KHOÁ IX, KỲ HỌP THỨ 05
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 29 tháng 6
năm 2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6
năm 2014 của Hội nghị lần thứ IX Ban chấp hành Trung ương đảng khoá XI về xây dựng
và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững;
Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng
01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi
nhọn;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07
tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11
tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản
lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng
5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển văn hoá đến
năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30
tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch
Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 195/QĐ-TTg ngày 16 tháng
02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng
01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du
lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11
tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển
hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng
2030;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31
tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định,
phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Xét Tờ trình số 109/TTr-UBND ngày 15 tháng 6
năm 2017 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Quy hoạch phát triển văn
hoá và du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm
tra của Ban Văn hoá - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại
biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất
thông qua Quy hoạch phát triển Văn hoá và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020,
tầm nhìn đến năm 2030, cụ thể như sau:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CỦA
QUY HOẠCH
1. Quan điểm
Xây dựng quy hoạch lĩnh vực văn
hoá dựa trên quan điểm của Đảng về văn hoá tại Nghị quyết Trung ương 5 khoá
VIII và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ IX
Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con
người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và từ đặc trưng văn
hoá của tỉnh Vĩnh Long để định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá.
Xây dựng quy hoạch lĩnh vực du lịch
dựa trên quan điểm của Đảng và Nhà nước thể hiện trong Nghị quyết số 08-NQ/TW
ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 06 tháng 11 năm 2015 của
Tỉnh uỷ Vĩnh Long về phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến
năm 2030.
2. Mục tiêu
a) Về cơ
cấu tổ chức, cán bộ của ngành văn hoá và du lịch
Kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng
đội ngũ cán bộ ngành văn hoá và du lịch đủ về số lượng; có cơ cấu trình độ,
ngành nghề hợp lý. Cán bộ ngành văn hoá và du lịch phải có đủ khả năng giải quyết
các vấn đề thực tiễn; khả năng thích nghi nhanh chóng với môi trường không ngừng
biến đổi; có sức khỏe tốt và năng lực đáp ứng yêu cầu công việc, góp phần đưa
văn hoá và du lịch trở thành nhân tố thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã
hội của tỉnh Vĩnh Long.
b) Về lĩnh vực văn hoá
Tập trung thực hiện các nội dung chủ yếu sau:
Quan tâm thực hiện phong trào
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” một cách thiết thực, hiệu quả;
chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch;
xây dựng các thiết chế, cơ sở vật chất về văn hoá, cơ quan văn hoá; hoạt động
kinh doanh cung ứng hàng hoá, dịch vụ văn hoá; hoạt động nghiên cứu khoa học; hợp
tác quốc tế và ngoại giao văn hoá; đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá.
c) Về lĩnh vực
du lịch
Tập trung thực hiện các nội dung chủ yếu sau:
Quan tâm đến các nguồn lực phát
triển du lịch; khai thác tài nguyên du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá và
xúc tiến du lịch; xây dựng các tuyến điểm du lịch và phát triển không gian du lịch;
thực hiện các chỉ tiêu phát triển du lịch; hợp tác đầu tư du lịch.
II. DANH MỤC VÀ
NHU CẦU TỔNG VỐN ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM
1. Danh mục các dự án đầu tư trọng
điểm
- Về văn hoá dự kiến: 24 dự án trọng điểm về văn hoá.
- Về du lịch dự kiến: 13 dự án ưu
tiên đầu tư.
2. Nhu cầu tổng vốn đầu tư các dự
án trọng điểm
a) Đầu tư trọng điểm về văn hoá:
Tổng vốn đầu tư ước tính 3.930 triệu
đồng, phân kỳ thực hiện cụ thể như sau:
- Giai đoạn 2017 - 2020, dự kiến
nhu cầu vốn là 480 triệu đồng;
- Giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến
nhu cầu vốn là 3.450 triệu đồng.
b) Dự án đầu tư trọng điểm về du lịch:
Tổng vốn đầu tư ước tính: 2.263 tỷ
đồng. Trong đó, cơ cấu tổng nguồn vốn bao gồm: nguồn xã hội hoá và kêu gọi đầu
tư khoảng 69,3% và ngân sách nhà nước khoảng 30,7%. Dự kiến phân kỳ thực hiện cụ
thể như sau:
- Giai đoạn 2017-2020: 703 tỷ đồng;
- Giai đoạn 2021-2030: 1.560 tỷ đồng.
III. CÁC NHÓM
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp chung
a) Giải pháp quản lý nhà nước
- Tăng cường nguồn nhân lực và cơ
sở vật chất cho hoạt động văn hoá.
+ Đội ngũ cán bộ văn hoá từ tỉnh đến
cấp cơ sở phải được chuẩn hoá, được thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn. Ban hành
tiêu chuẩn và cơ chế bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu lĩnh vực văn
hoá. Đồng thời ban hành chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi văn nghệ sỹ có
quá trình cống hiến, có nhiều tác phẩm tốt, ảnh hưởng tích cực trong xã hội, kiện
toàn từng bước để có được đội ngũ cán bộ, công chức và chuyên gia đầu ngành
trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật vững vàng chính trị, tinh thông nghề nghiệp,
chất lượng cao.
+ Nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây dựng
đồng bộ hệ thống thiết chế văn hoá công cộng và xây mới một số nhà hát, rạp chiếu
phim, trung tâm triển lãm văn hoá - nghệ thuật, bảo tàng, thư viện... có chất
lượng cao theo tinh thần đầu tư cho văn hoá, văn học, nghệ thuật để tạo sức đột
phá cho phát triển du lịch, phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội và định hướng
giáo dục chính trị, thẩm mỹ của tỉnh.
- Tăng cường nguồn nhân lực và cơ
sở vật chất cho hoạt động du lịch.
+ Ổn định và phát triển nguồn nhân
lực có tính bền vững đối với du lịch bao gồm các nhà quản lý, các cán bộ tay
nghề cao được đào tạo cả chính quy và ngắn hạn sau đó tập huấn nâng dần trình độ
đến mức kiện toàn đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.
+ Đầu tư xây dựng các hạ tầng liên
quan đến du lịch bao gồm đường sá cầu cống, bến cảng, bến xe… gắn với nhu cầu
đào tạo cán bộ quản lý có trình độ cao.
+ Có chính sách thu hút nhân tài
làm việc tại các cơ quan nhà nước về du lịch.
+ Phối hợp với các cơ sở đào tạo
nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ: Thuyết minh viên, hướng dẫn
viên và nghiệp vụ du lịch khác,... cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc tại
các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch.
+ Đầu tư kinh phí cho việc đào tạo,
bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động và cộng đồng dân cư tại các khu, điểm du lịch.
b) Giải pháp huy động vốn đầu tư
- Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư
phát triển du lịch từ ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn
vốn huy động hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thiết
chế văn hoá, thể thao, tôn tạo các di tích văn hoá, lịch sử, các làng nghề, các
dự án phục vụ phát triển du lịch.
- Nguồn vốn ngân sách Nhà nước được
đầu tư đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm để ổn định thiết chế văn hoá, kích thích
phát triển du lịch. Tập trung ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng tại các trọng
điểm phát triển du lịch, các khu du lịch tổng hợp, khu du lịch chuyên đề, các
điểm du lịch tiềm năng ở các vùng sâu, vùng xa.
- Đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư
phát triển văn hoá du lịch bao gồm các nguồn vốn đầu tư của Trung ương tập
trung cho các chương trình mục tiêu, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh tập
trung cho hoạt động sự nghiệp, các dự án xây dựng cơ bản kết hợp đẩy mạnh và
huy động nguồn vốn xã hội hoá vào các công trình văn hoá, du lịch của tỉnh Vĩnh
Long.
- Đẩy mạnh xã hội hoá phát triển
văn hoá, du lịch. Thực hiện xã hội hoá đầu tư bảo vệ, tôn tạo di tích, danh
thắng, các lễ hội, hoạt động văn hoá dân gian, các làng nghề… vừa bảo tồn tốt,
vừa phát huy phục vụ phát triển du lịch.
- Nghiên cứu, ban hành chính sách
khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động các hoạt động văn hoá có
thu, các dịch vụ du lịch dưới các hình thức khác nhau. Tiếp tục hoàn chỉnh cơ
chế quản lý đầu tư, tạo môi trường thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch,
đơn giản hoá các thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư để
thu hút các nhà đầu tư.
c) Giải pháp bảo vệ môi trường
Môi trường văn hoá và du lịch được
quan tâm đồng bộ. Không vì phát triển du lịch mà ảnh hưởng đến môi trường văn
hoá, xã hội, tự nhiên. Có chính sách giám sát, chế tài đối với tất cả các cơ sở
lưu trú, ẩm thực, đưa đón chuyên chở khách trên bộ, dưới sông… nhằm ngăn ngừa
tình trạng xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường sinh thái, ảnh hưởng mỹ quan
cảnh quan…
2. Giải pháp cụ thể
- Tăng cường tác động qua lại, gắn
kết giữa văn hoá và cộng đồng với phát triển du lịch, cần coi trọng những
tác động của các dự án đầu tư du lịch vào môi trường, vào đời sống cộng đồng.
- Tạo điều kiện thuận lợi để cộng
đồng tích cực tham gia vào quá trình giám sát thực hiện quy hoạch phát triển du
lịch gắn với môi trường văn hoá cộng đồng. Từ đó, nâng cao nhận thức và trách
nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ các giá trị tự nhiên, văn hoá truyền thống tốt
đẹp của dân tộc.
- Chú trọng việc xây dựng cơ chế,
chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương để đảm bảo một phần từ thu nhập du
lịch sẽ hỗ trợ cho công tác bảo tồn, phát triển tài nguyên môi trường, du lịch.
- Tăng cường nhận thức giá trị và
cơ hội phát triển du lịch từ tài nguyên di sản văn hoá cho cộng đồng, đồng thời
xây dựng định hướng đúng trong Quy hoạch với giải pháp tăng cường tác động qua
lại giữa văn hoá và cộng đồng với phát triển du lịch, phù hợp trên nguyên
tắc vừa bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc trong văn hoá truyền thống, vừa
đáp ứng được các nhu cầu của du khách.
a) Lĩnh vực hoạt động văn hoá
- Phát triển nguồn nhân lực: Có kế
hoạch đào tạo, hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện bộ máy tổ
chức quản lý văn hoá, có chính sách ưu đãi ngộ, thu hút nhân lực văn hoá có chất
lượng và kịp thời phát hiện những tài năng nghệ thuật trẻ của địa phương.
- Huy động vốn và công tác xã hội
hoá: Tạo điều kiện tốt cho công tác xã hội hoá, tích cực thu hút đầu tư trong
lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật.
- Cơ chế chính sách sử dụng tài
nguyên đất và đầu tư cơ sở vật chất: Quan tâm xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi
về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hoá cơ sở.
- Giải pháp về vốn đầu tư: Đảm bảo
tỷ trọng chi ngân sách cho văn hoá, bố trí ngân sách tăng dần đều các năm, đẩy
mạnh xã hội hoá nhằm huy động nguồn vốn trong nhân dân.
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và
bảo vệ môi trường: Nâng cao tính ứng dụng của các đề tài, dự án trong công tác
quản lý và tổ chức nghiên cứu khoa học; phát triển sự nghiệp văn hoá gắn với bảo
vệ môi trường, bảo tồn di sản, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao đời sống
cơ sở của nhân dân.
- Hợp tác giữa các ban ngành và hợp
tác quốc tế: Nghiên cứu đề xuất các mô hình/chương trình hợp tác, phối hợp giữa
các đơn vị trong ngành với các ngành trong và ngoài tỉnh.
- Cơ chế chính sách hỗ trợ phát
triển lĩnh vực văn hoá: Có chính sách đãi ngộ, khuyến khích những người tham
gia hoạt động văn hoá, nghệ thuật; triển khai thực hiện những nội dung, chỉ
tiêu của quy hoạch, đồng thời cập nhật, cụ thể hoá và từng bước điều chỉnh phù
hợp các phát sinh, diễn biến mới.
b) Lĩnh vực hoạt động du lịch
- Phát triển du lịch trên cơ sở
quy hoạch: Sau khi quy hoạch được duyệt, cần có biện pháp rà soát lại quy hoạch
của các ngành, các địa phương để đảm bảo định hướng phát triển du lịch cho phù
hợp.
- Cơ chế chính sách và huy động
các nguồn vốn đầu tư: Tỉnh cần quan tâm ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư
vào các điểm, khu du lịch; tập trung đầu tư từ ngân sách nhà nước theo hướng có
trọng tâm, trọng điểm để thu hút các nguồn vốn khác đầu tư vào du lịch.
- Đa dạng hoá, nâng cao chất lượng
sản phẩm du lịch: Không ngừng sáng tạo, đa dạng hoá chất lượng sản phẩm du lịch,
coi trọng chất lượng, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch:
Tích cực tổ chức, tăng cường tham gia các hội chợ du lịch, triển lãm, hội nghị,
hội thảo về du lịch để học hỏi, xây dựng mô hình du lịch phù hợp thực tế địa
phương.
- Xây dựng thị trường, sản phẩm du
lịch: Từng bước hoàn thiện xây dựng chiến lược thị trường, sản phẩm với các giải
pháp cho từng nhóm đối tượng, từng phân khúc thị trường cụ thể. Đặc biệt, chú
trọng các thị trường có tiềm năng và tính ổn định cao.
- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực
du lịch: Bồi dưỡng chuyên môn, năng lực, kỹ năng quản lý nhà nước và quản lý
kinh doanh cho các doanh nghiệp về du lịch thông qua tập huấn, tọa đàm. Điều
tra, phân loại, đánh giá trình độ của nhân lực ngành du lịch, phổ cập kiến thức
văn hoá du lịch cho cộng đồng.
- Hợp tác, liên kết phát triển: Phối
hợp, hợp tác liên ngành, liên vùng trong phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển
trong xây dựng chương trình du lịch, quảng bá, xúc tiến hình ảnh, liên kết đào
tạo, phát triển sản phẩm du lịch và nguồn nhân lực du lịch.
- Tuyên truyền, giáo dục cộng đồng
về phát triển du lịch: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức đúng
đắn về du lịch cho cộng đồng. Giữ vững ổn định, an ninh trật tự và an toàn xã hội
tạo những điểm đến an toàn, hấp dẫn trên địa bàn tỉnh.
- Bảo vệ môi trường sinh thái tài
nguyên và môi trường du lịch để phát triển du lịch bền vững.
- Tăng cường công tác đảm bảo an
ninh và an toàn trong du lịch: Phối hợp các ngành để đảm bảo an toàn cho du
khách.
- Tổ chức quản lý: Triển khai thực
hiện các văn bản quy định về du lịch, kiểm tra, thanh tra du lịch, quản lý lực
lượng hướng dẫn viên,… để khuyến khích, mở rộng phát triển du lịch; bồi dưỡng,
nâng cao trình độ cán bộ quản lý du lịch.
- Thực hiện các nội dung mang tính
chủ đạo: Từng bước xây dựng Vĩnh Long thành “điểm đến nụ cười”, “điểm đến vệ
sinh, sạch, an toàn thực phẩm”. Triển khai thực hiện kế hoạch ban hành tại Quyết
định số 1976/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện
Nghị quyết 01-NQ/TU, chú trọng 04 khu quy hoạch du lịch đã được xác định là:
Huyện Long Hồ, thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh và huyện Vũng Liêm.
- Một số giải pháp phát triển:
Chia thành 08 nhóm giải pháp về tiếp thị, quảng bá, tạo bộ nhận dạng thương hiệu;
sản phẩm du lịch mới, kể cả các sản phẩm hiện đại; hạ tầng giao thông; hạ tầng
du lịch; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; quản trị công và hợp
tác; giải pháp về các dự án khác.
Điều 2. Điều
khoản thi hành
1. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh hoàn
chỉnh và phê duyệt Quy hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết này.
2. Giao
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng
nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu
Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu
Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ
đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc
thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân
dân tỉnh Vĩnh Long Khoá IX, Kỳ họp lần thứ 05 thông qua ngày 07 tháng 7 năm
2017 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.