Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị quyết 59/2011/QH12 về kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XII do Quốc hội ban hành

Số hiệu 59/2011/QH12
Ngày ban hành 29/03/2011
Ngày có hiệu lực 29/03/2011
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Phú Trọng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Nghị quyết số: 59/2011/QH12

 Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

KỲ HỌP THỨ CHÍN, QUỐC HỘI KHOÁ XII

(Từ ngày 21 đến ngày 29 tháng 3 năm 2011)

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan hữu quan và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

I. VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

1. Quốc hội cơ bản tán thành báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2010 và việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011.

Năm 2010, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, mục tiêu tổng quát và 16 trong 21 chỉ tiêu chủ yếu đạt kế hoạch đề ra, trong đó một số chỉ tiêu đạt kết quả cao như tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thu ngân sách nhà nước... Tuy nhiên, trong hai tháng cuối năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát tăng ở mức cao; lãi suất, tỷ giá biến động mạnh; thị trường vàng, ngoại tệ diễn biến phức tạp, làm tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, tác động không tốt đến tâm lý xã hội.

Trước tình hình đó, Chính phủ, các ngành, các cấp, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả bước đầu trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội trong những tháng đầu năm 2011.

2. Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội:

- Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành, quản lý và phối hợp của các cơ quan nhà nước, các cấp, các ngành bảo đảm thực hiện đồng bộ, hợp lý, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo định hướng đã đề ra trong Kết luận số 02-KL/TW ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 2 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý kịp thời những phát sinh mới bất lợi về kinh tế - xã hội trong quá trình thực hiện để bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách giải pháp cho phù hợp.

- Cắt giảm hợp lý đầu tư công; quản lý chặt chẽ các khoản chi có nguồn gốc ngân sách; nghiêm chỉnh thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, các khoản chi khác không cấp thiết, giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP.

- Thực hiện các biện pháp quyết liệt giảm nhập siêu cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hạn chế tối đa nhập khẩu những thiết bị, vật tư, hàng hóa đã sản xuất được trong nước.

- Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hạn chế thấp nhất những rào cản, tác động bất lợi đối với đầu tư, sản xuất kinh doanh.

- Kiên quyết thiết lập và thực hiện các biện pháp hữu hiệu quản lý thị trường chính thức về vàng và ngoại tệ theo quy định của pháp luật hiện hành. Áp dụng mạnh mẽ các biện pháp quản lý thị trường, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả tình trạng buôn lậu vàng, ngoại tệ, xăng dầu, gian lận thương mại, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

- Khẩn trương thực hiện định hướng, xác định rõ lộ trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là cơ cấu lại việc phân bổ các nguồn lực cho các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế một cách hợp lý, hoàn thiện cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư; đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; công khai, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước.

- Triển khai có hiệu quả các chương trình bảo đảm an sinh xã hội, trong đó quan tâm biện pháp hỗ trợ các hộ mới thoát nghèo, cận nghèo. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc chính sách đối với người có công, chính sách trợ cấp xã hội. Mở rộng quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng dạy nghề. Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, các vùng đô thị hóa và thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

- Thực hiện hệ thống giải pháp đồng bộ, kiên quyết để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, vi phạm pháp luật và tội phạm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, vùng biên giới, biển đảo.

- Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực cho các cơ sở nghiên cứu, dự báo về thiên tai, biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống.

3. Quốc hội nhất trí với phương án phân bổ 3.500 tỷ đồng đầu tư trở lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo Tờ trình của Chính phủ. Trong quá trình triển khai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng quy trình thủ tục, sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả cao; tăng cường thanh tra, kiểm tra nguồn vốn đầu tư này, bảo đảm đúng quy định của Luật đầu tư và Luật ngân sách nhà nước.

II. VỀ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NHIỆM KỲ KHÓA XII

Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo công tác cả nhiệm kỳ của Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội trình; các báo cáo nhiệm kỳ của các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng thời nhấn mạnh:

1. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội khóa XII đã kế thừa, phát huy những thành quả, bài học kinh nghiệm của Quốc hội các khoá trước luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ cả về tổ chức và phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn vào những thành tựu chung của đất nước. Hoạt động lập pháp có nhiều tiến bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng, đổi mới, phát triển và bảo vệ đất nước, góp phần thể chế hóa kịp thời, đúng đắn đường lối của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước. Hoạt động giám sát được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả thiết thực, tập trung vào những vấn đề bức xúc được cử tri và nhân dân quan tâm. Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và dự án, công trình quan trọng quốc gia ngày càng có chất lượng hơn, bám sát và cơ bản đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Bộ máy tham mưu, giúp việc được củng cố, kiện toàn từng bước ổn định, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao. Phương thức, chế độ làm việc có nhiều cải tiến theo hướng khoa học, nền nếp hơn, phát huy dân chủ, tăng tính chủ động, sáng tạo.

Chủ tịch nước đã thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Hoạt động của Chủ tịch nước đã thể hiện rõ vai trò của người đứng đầu Nhà nước trong đối nội, đối ngoại, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác về nhiều mặt giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; tạo được mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội…; thực hiện tốt các nhiệm vụ quyền hạn khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã kế thừa những thành quả và kinh nghiệm quý báu của hơn 20 năm đổi mới, khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, triển khai thực hiện có kết quả các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phản ứng tương đối kịp thời, chỉ đạo quyết liệt trước những vấn đề cấp bách, bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng Chính phủ có nhiều cố gắng thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ được giao, về cơ bản đã hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, bảo đảm hoạt động của Chính phủ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại trong tình hình mới. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước; cải cách tư pháp được chú trọng và đẩy mạnh; tính công khai, dân chủ trong hoạt động xét xử có chuyển biến tích cực; việc thực hiện quyền công tố và kiểm sát tư pháp được thực thi tốt hơn.

2. Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp xác đáng của đại biểu Quốc hội để nâng cao hiệu quả hoạt động; đồng thời quan tâm một số vấn đề sau đây:

[...]