Nghị quyết 57/2013/QH13 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 do Quốc hội ban hành

Số hiệu 57/2013/QH13
Ngày ban hành 12/11/2013
Ngày có hiệu lực 12/11/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 57/2013/QH13

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2014

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11;

Sau khi xem xét Báo cáo số 428/BC-CP ngày 22 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; Báo cáo thẩm tra số 1613/BC - UBTCNS13 ngày 22 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Báo cáo tiếp thu, giải trình số 554/BC-UBTVQH13 ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện NSNN năm 2013, dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2014

Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 782.700 tỷ đồng (bảy trăm tám mươi hai nghìn, bảy trăm tỷ đồng);

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.006.700 tỷ đồng (một triệu, không trăm linh sáu nghìn, bảy trăm tỷ đồng);

Mức bội chi ngân sách nhà nước là 224.000 tỷ đồng (hai trăm hai mươi bốn nghìn tỷ đồng), tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

(Kèm theo các phụ lục số 1, 2, 3, 4 và 5).

Điều 2. Giao Chính phủ

1. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, cơ cấu lại thu, chi ngân sách, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Bội chi ngân sách chủ yếu được sử dụng cho đầu tư phát triển và dành một phần để trả nợ. Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước và sự nghiệp công; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ chế khoán chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc; cắt, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác; không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn.

2. Trình Quốc hội xem xét, thông qua các dự án luật: Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật đầu tư công; chuyển một số loại phí, lệ phí sang giá dịch vụ phù hợp với cơ chế thị trường; rà soát lại chính sách thu ngân sách nhà nước, điều chỉnh bảo đảm phù hợp với lộ trình giảm thuế đã cam kết theo các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương, không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu, tăng chi ngân sách nhà nước ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước và an ninh tài chính quốc gia.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế; giảm nợ đọng thuế.

3. Thu vào ngân sách nhà nước 75% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2014; số tiền còn lại (25%) để lại cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hướng dẫn thực hiện Điều 32 của Luật dầu khí (sửa đổi) về cơ chế thu từ lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia và tiền đọc tài liệu; sửa đổi cơ chế điều hành giá khí phù hợp với cơ chế thị trường, tính toán để thu vào ngân sách nhà nước khoản tiền chênh lệch giá khí.

4. Thực hiện thu ngân sách nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2014 cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước do Bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Chính phủ hướng dẫn cơ chế thu, phân bổ và quản lý sử dụng có hiệu quả.

Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thu vào ngân sách nhà nước cổ tức của Nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần của Nhà nước để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

5. Trong năm 2014, tiếp tục thực hiện miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội.

6. Đánh giá chính xác, tăng cường kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm an toàn nợ công, trả nợ đúng cam kết, giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Từng bước xử lý dứt điểm các khoản mà ngân sách nhà nước còn nợ.

7. Tiếp tục thực hiện 16 chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, lồng ghép và thu gọn mục tiêu, giảm chi sự nghiệp, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng vốn hiệu quả; khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quá trình triển khai qua 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (2011 - 2013).

Điều 3. Giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật./.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 12 tháng 11 năm 2013./.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Sinh Hùng

[...]