Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 55/NQ-HĐND năm 2023 kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 55/NQ-HĐND
Ngày ban hành 14/12/2023
Ngày có hiệu lực 12/12/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Phạm Văn Hậu
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/NQ-HĐND

Ninh Thuận, ngày 14 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA XI KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Trên cơ sở xem xét báo cáo của UBND tỉnh, các cơ quan hữu quan, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

I. Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng tạo tiền đề để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, kế hoạch 05 năm về kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh có những thuận lợi, khó khăn như dự báo nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là kinh tế thế giới phục hồi chậm, một số nền kinh tế lớn suy giảm, áp lực lạm phát lớn, lãi suất tăng; thị trường thu hẹp, sức mua, đơn hàng giảm mạnh; lãi suất tín dụng trong nước tuy đã giảm nhưng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế; cơ chế, chính sách phát triển năng lượng chậm ban hành, tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, trách nhiệm, nỗ lực cao của các cấp, các ngành, cùng với sự tin tưởng, đồng tình, ủng hộ cao của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ quan trọng, hiệu quả của Trung ương, tình hình kinh tế-xã hội năm 2023 chuyển biến tích cực và tăng khá trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng GRDP tăng 9,40%, xếp thứ 09/63 tỉnh thành cả nước và thứ 02/14 các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/18 chỉ tiêu, trong đó: về kinh tế 06/09 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch1; về xã hội có 05/06 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch2; về môi trường có 03/03 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch3. Các lĩnh vực xây dựng, thương mại, du lịch, năng lượng, công nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá; kinh tế nông nghiệp và nông thôn duy trì ổn định, tăng trưởng khá, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất tiếp tục phát huy; một số sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo đang phục hồi, năng lực sản xuất mới phát huy hiệu quả. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh; quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường được tăng cường; giá đất, điều chỉnh giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất ở một số dự án được tập trung tháo gỡ; các dự án trọng điểm, động lực được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ; môi trường đầu tư được cải thiện rõ nét; cải cách hành chính hiệu quả hơn; chuyển đổi số đạt kết quả tích cực. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo được thực hiện tốt hơn. Tổ chức thành công Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Lễ hội Nho -Vang Ninh Thuận năm 2023. Công tác quân sự, quốc phòng được bảo đảm, giao quân an toàn, đạt chỉ tiêu; công tác diễn tập KVPT cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã năm 2023 được tổ chức an toàn, đạt kết quả tốt; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định; công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí được quan tâm triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.

II. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2024

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu tổng quát: Tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung thực hiện 3 đột phá: đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng; hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các trọng điểm phát triển; khơi thông nguồn lực đất đai. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nâng chất lượng nguồn nhân lực, y tế, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch năm 2024: Phấn đấu đạt các chỉ tiêu

- Kinh tế: (1) Tốc độ tăng trưởng GRDP từ 11-12%; (2) GRDP bình quân đầu người đạt từ 101-102 triệu đồng/người; (3) Cơ cấu kinh tế: Nông lâm thủy sản chiếm 25-26%; công nghiệp - xây dựng chiếm 41-42%; dịch vụ 32-33%; (4) Thu ngân sách trên địa bàn khoảng 4.000 tỷ đồng4; (5) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 22.900 tỷ đồng; (6) Tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP 39-40%; (7) Tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP 42%; (8) Năng suất lao động khoảng 8-9%; (9) Tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP 12%

- Xã hội: (1) Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 1,5 - 2%, riêng huyện Bác Ái giảm ít nhất 4%; (2) Có 2-3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 03 - 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; (3) Tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 64-65%; (4) Số lao động được đào tạo nghề đạt 9.500 người; (5) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67-68%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 31%; (6) Có 98,5% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

- Môi trường: (1) Tỷ lệ che phủ rừng là 48,14%; (2) Tỷ lệ số hộ dân nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh đạt 99,7% và hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Bộ Y tế là 100%; (3) Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn 100%.

3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Để thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2024, Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất 11 nhóm nhiệm vụ và 08 nhóm giải pháp chủ yếu tại Báo cáo số 337/BC-UBND ngày 07/12/2023 của UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

a) Về kinh tế: Chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình để xây dựng kịch bản, giải pháp điều hành phù hợp, kịp thời thích ứng với những biến đổi. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và của nền kinh tế. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng; hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực trọng điểm, đột phá, còn dư địa gắn phát triển các động lực tăng trưởng mới.

- Nông lâm nghiệp và thủy sản: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh, liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu các sản phẩm lợi thế. Nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng cao hàm lượng khoa học, công nghệ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng 1.300 ha theo hướng hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm nước; phấn đấu diện tích đất nông nghiệp công nghệ cao tăng thêm 200-220 ha. Giá trị sản xuất trên diện tích đất chủ động nước đạt 148 triệu đồng/ha; tỷ lệ đất sản xuất chủ động nước tưới đạt 62,4%. Triển khai hiệu quả Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao, tăng tỷ trọng các vật nuôi có lợi thế. Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững; bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên rừng, biển và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Vườn Quốc gia Núi Chúa.

Tiếp tục xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước; phát triển nuôi biển công nghệ cao vùng nước sâu. Đẩy mạnh cơ cấu lại nghề khai thác hải sản; khuyến khích phát triển khai thác hải sản vùng khơi theo hướng hiện đại gắn với chống IUU và bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển. Đẩy nhanh tiến độ và nâng chất lượng tiêu chí nông thôn mới theo hướng bền vững, hiệu quả. Phấn đấu giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản tăng 4-5%/năm.

- Công nghiệp - xây dựng: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp, nhất là năng lượng, cảng biển, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp mới. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến theo chiều sâu, các ngành sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ. Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và thu hút, nâng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Quan tâm hỗ trợ phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch. Phấn đấu giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng 17-18%/năm.

Tiếp tục triển khai hiệu quả nghị quyết phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước, gắn với triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; đẩy nhanh tiến độ hòa lưới điện 120 MW dự án năng lượng chuyển tiếp 5; lựa chọn nhà đầu tư sớm khởi công dự án LNG Cà Ná và các dự án năng lượng 6; chú trọng thu hút đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng, tổ hợp công nghệ xanh và hoá chất sau muối, nhà máy sản xuất hydrogen,…

Triển khai có hiệu quả nghị quyết về phát triển kinh tế đô thị, xây dựng Phan Rang-Tháp Chàm thành thành phố thông minh. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đồ án quy hoạch xây dựng. Triển khai các chương trình, đề án phát triển nhà ở, đô thị, khu dân cư, kinh tế đô thị; đẩy nhanh tiến độ một số khu đô thị mới, khu dân cư 7; phát triển mạnh thị trường bất động sản; thực hiện tốt chính sách nhà ở xã hội. Phấn đấu giá trị gia tăng ngành xây dựng tăng 23-24% năm.

- Các ngành dịch vụ: Tiếp tục phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tận dụng cơ hội, dư địa tăng trưởng các ngành du lịch, dịch vụ, thương mại điện tử, logistics... gắn với đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số. Tận dụng các cơ chế, chính sách của Hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu, nhất là các sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Thực hiện có hiệu quả Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng nâng chất lượng dịch vụ; đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, liên kết, hợp tác để thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch trọng điểm, quy mô lớn, đẳng cấp cao; quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch. Triển khai có hiệu quả các chương trình, sự kiện năm 2024 và Đề án phát triển kinh tế ban đêm. Phấn đấu thu hút 3,2 triệu lượt khách du lịch; giá trị gia tăng ngành dịch vụ tăng 09-10%.

- Phát triển các thành phần kinh tế: Tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước. Hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo... Đổi mới xúc tiến đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.

- Triển khai chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý nợ công; thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách, nhất là thu từ đất đai, bán đấu giá tài sản công, chống thất thu gắn với tạo nguồn thu mới. Nâng hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên cho nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Nâng chất lượng hoạt động ngân hàng, hỗ trợ hiệu quả phục hồi sản xuất kinh doanh. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện cải cách tiền lương.

[...]