Nghị quyết 88/NQ-HĐND kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 do tỉnh Hải Dương ban hành

Số hiệu 88/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2023
Ngày có hiệu lực 08/12/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Lê Văn Hiệu
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/NQ-HĐND

Hải Dương, ngày 08 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 VÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
KHOÁ XVII, KỲ HỌP THỨ 19

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Xét Báo cáo số 216/BC-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch năm 2024; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh, với một số nội dung cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

1. Kết quả đạt được

Kế hoạch năm 2023 được thực hiện trong bối cảnh kinh tế trong nước chịu nhiều tác động bởi tình hình thế giới với những diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình trong nước, trong tỉnh chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài, hậu quả của đại dịch Covid-19 và những khó khăn, vướng mắc và hạn chế, yếu kém trong nội tại. Nhiều bất cập trong quy định của pháp luật đã và đang được nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi có tác động, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, đã thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kế hoạch đề ra, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có một số kết quả nổi bật sau:

1.1. Thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,16% (đứng thứ 13 cả nước và thứ 6 trong Vùng Đồng bằng sông Hồng), quy mô kinh tế ước đạt 184.123 tỷ đồng (đứng thứ 11 cả nước); năm 2023 dự kiến có 13/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đã đề ra.

1.2. Hoàn thành lập quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

1.3. Các hoạt động xúc tiến đầu tư được quan tâm chỉ đạo thực hiện; thu hút đầu tư tăng vượt bậc về vốn đăng ký, trong đó thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1 tỷ 136 triệu USD (gấp 3,1 lần năm 2022).

1.4. Nhiều khó khăn, vướng mắc tồn tại kéo dài trong các lĩnh vực nghiệm thu, quyết toán các khu dân cư, khu đô thị mới, giải phóng mặt bằng một số công trình, triển khai kế hoạch đầu tư công... đã được quyết liệt chỉ đạo và từng bước được tháo gỡ.

1.5. Lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đã ban hành chính sách thu hút đầu tư, cơ chế hỗ trợ và quyết định ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành y tế, giáo dục. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn của tỉnh tiếp tục được khẳng định. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; chỉ đạo tổ chức thành công các lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, Festival Chí Linh Hải Dương. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công và công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng cao.

1.6. Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương tiếp tục được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đã tổ chức thành công cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh và cấp Quân khu trên địa bàn tỉnh.

2. Hạn chế, yếu kém

2.1. Việc triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 hiệu quả chưa cao; công tác chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch còn hạn chế; việc tích hợp đa giá trị trong nông nghiệp mới chỉ bước đầu được thực hiện. Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phát triển còn chậm; năng lực sản xuất mới tăng thêm không nhiều; một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, chưa phát huy hết công suất, phải ngừng, tạm dừng hoặc cắt giảm sản lượng. Một số hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đạt kết quả chưa cao; xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn.

2.2. Có 2/16 khoản thu (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương và thuế bảo vệ môi trường) chưa đạt dự toán; nguồn thu của tỉnh còn phụ thuộc vào hoạt động của một số doanh nghiệp lớn, một số khoản thu ngân sách cấp huyện, cấp xã đạt thấp. Chính sách kích cầu đầu tư, tiêu dùng chưa tạo sự khai thông các nguồn lực trong xã hội để đẩy mạnh phát triển tín dụng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

2.3. Huy động nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng còn khó khăn; cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu, nhất là ở một số khu vực đông dân cư, khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, nông thôn còn thiếu. Chậm triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội và các dự án bất động sản. Tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm nguồn nước và rác thải chưa được xử lý kịp thời.

2.4. Tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu thuốc, nhân lực, trang thiết bị y tế chưa được khắc phục kịp thời; công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân chưa đạt yêu cầu đề ra. Những bất cập trong giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục chậm được giải quyết; thực hiện không đầy đủ, ban hành không kịp thời các chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và môi trường.

2.5. Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, hành lang an toàn giao thông, đê điều, thủy lợi và xả thải trái phép còn xảy ra ở nhiều nơi; vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, tỷ lệ tội phạm chưa thành niên tăng, một số loại hình tội phạm mới, phi truyền thống tiềm ẩn nguy hại cho xã hội.

2.6. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư còn nhiều điểm nghẽn, thiếu tính ổn định. Việc triển khai các dự án thành phần trong Đề án xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh còn lúng túng, gặp nhiều vướng mắc.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

1. Mục tiêu

1.1. Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tạo sự phát triển bứt phá; quyết liệt thực hiện các mục tiêu và các khâu đột phá để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tiềm năng khoa học, công nghệ.

1.2. Thúc đẩy và đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ