Nghị quyết 55/2006/NQ-HĐND về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2006-2010

Số hiệu 55/2006/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/12/2006
Ngày có hiệu lực 18/12/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Phạm Minh Toản
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/2006/NQ-HĐND

Quảng Ngãi, ngày 12 tháng 12 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2006-2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHOÁ X - KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 36/2006/NQ-HĐND ngày 15/5/2006 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2006-2010;

Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 3343/TTr-UBND ngày 28/11/2006 của UBND tỉnh trình tại kỳ họp, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, ý kiến của Đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2006- 2010, với những nội dung chính như sau:

I. Mục tiêu, chỉ tiêu phát triển công nghiệp đến năm 2010

1. Mục tiêu:

- Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng hiện đại hoá; gắn phát triển các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp với Khu kinh tế Dung Quất, tạo ra bước phát triển nhảy vọt để công nghiệp thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn có tính đột phá và chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh. Phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển nông nghiệp và dịch vụ, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2010 Quảng Ngãi trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển.

- Huy động tối đa mọi nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và thành phần kinh tế để thu hút đầu tư; hợp tác quốc tế, hợp tác liên tỉnh, liên vùng tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.

- Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mà sản phẩm có thị trường ổn định, có lợi thế so sánh, hiệu quả kinh tế cao, thu hút được nhiều lao động, phát triển các ngành công nghiệp đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: lọc hoá dầu, hoá chất, luyện kim, cơ khí, đóng tàu, chế biến nông-lâm-thuỷ sản, hàng tiêu dùng và may mặc, vật liệu xây dựng và khai thác mỏ, phục hồi và phát triển một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghiệp của tỉnh nhất là Khu kinh tế Dung Quất.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu :

- Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 41%/năm (công nghiệp – xây dựng là 32- 33%/ năm).

- Tỷ trọng công nghiệp trong GDP toàn tỉnh đến năm 2010 đạt 54% (công nghiệp – xây dựng là 62-63 %).

- Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2010 là 16.800 tỷ.

II. Nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp Quảng Ngãi giai đoạn 2006-2010

1. Phát triển công nghiệp theo ngành:

a. Công nghiệp lọc hóa dầu và hoá chất :

Phát triển công nghiệp lọc hóa dầu và hoá chất cùng với ngành công nghiệp cơ khí và luyện kim, xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn, quyết định sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh và các ngành khác.

b. Công nghiệp cơ khí, luyện kim và đóng tàu:

Phát triển công nghiệp cơ khí đáp ứng nhu cầu đa dạng hoá sản phẩm phục vụ nông nghiệp, xây dựng. Phát triển công nghiệp đóng tàu phục vụ vận tải hàng hoá, đánh bắt và xuất khẩu.

c. Công nghiệp chế biến nông-lâm-thuỷ sản:

Xác định ngành công nghiệp chế biến là ngành công nghiệp cơ bản của tỉnh, gắn với giải quyết việc làm cho đại bộ phận nông dân trong sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến.

Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến đường và sau đường; thuỷ sản, súc sản; lâm sản...

d. Công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng :

Phát triển công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng, phục vụ kịp thời cho xây dựng các Khu công nghiệp, nhất là Khu kinh tế Dung Quất, hạ tầng kỹ thuật, các công trình thuộc các ngành kinh tế của tỉnh và các vùng lân cận.

[...]