Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 48/NQ-HĐND năm 2018 về phát triển kinh tế - xã hội xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2019-2025

Số hiệu 48/NQ-HĐND
Ngày ban hành 06/12/2018
Ngày có hiệu lực 06/12/2018
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Nguyễn Ngọc Quang
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/NQ-HĐND

Quảng Nam, ngày 06 tháng 12 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN KẾT HỢP VỚI TĂNG CƯỜNG VÀ CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG, AN NINH, ĐỐI NGOẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM, GIAI ĐOẠN 2019 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

Xét Tờ trình số 219/TTr-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2019 - 2025; Báo cáo thẩm tra số 79/BC-HĐND ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến thảo luận của đại biểu tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án Phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2019 - 2025 với nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu tổng quát

Phát triển bền vững kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân các xã biên giới đất liền; góp phần tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng tuyến biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

II. Mục tiêu cụ thể

1. Mục tiêu đến năm 2020

a) Ổn định đời sống Nhân dân các xã biên giới, không còn hộ dân ở nhà tạm, trung bình mỗi năm giảm tối thiểu khoảng 230 hộ nghèo, tương ứng mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tối thiểu khoảng 4%/năm. Hoàn thành quy hoạch sắp xếp dân cư biên giới, cơ bản bố trí ổn định dân cư các xã trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2019 - 2020, sắp xếp, ổn định dân cư cho 1.002 hộ tại địa bàn các xã biên giới đất liền, trong đó huyện Nam Giang 370 hộ, huyện Tây Giang 632 hộ.

b) Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu thêm 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bảo đảm bình quân các xã biên giới đất liền đạt tối thiểu 10 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí; 100% số xã biên giới đất liền đạt các tiêu chí nông thôn mới về hệ thống chính trị, văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo.

c) Hoàn thành quy hoạch hệ thống các công trình bảo vệ biên giới.

d) Tăng cường xây dựng hệ thống chính trị các xã biên giới đất liền, bảo đảm mỗi thôn đều có chi bộ đảng vững mạnh.

2. Mục tiêu đến năm 2025

a) Hoàn thành bố trí ổn định dân cư biên giới theo quy hoạch, bảo đảm điều kiện sản xuất và sinh hoạt an toàn, hiệu quả cho người dân. Giai đoạn 2021 - 2025, sắp xếp, ổn định dân cư cho 1.288 hộ tại địa bàn các xã biên giới đất liền, trong đó huyện Nam Giang 445 hộ, huyện Tây Giang 843 hộ.

b) Trung bình mỗi năm giảm tối thiểu khoảng 170 hộ nghèo, tương ứng mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tối thiểu khoảng 3%/năm.

c) 50% số thôn, xã biên giới đất liền đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 15 tiêu chí/xã; 100% số xã biên giới đất liền đạt tiêu chí nông thôn mới về nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.

d) Cứng hóa bề mặt, nâng cao chất lượng hệ thống đường từ trung tâm xã tới thôn và các tuyến đường ra cửa khẩu, bảo đảm giao thông thuận lợi. Hoàn thành xây dựng và cải tạo, nâng cấp các công trình trọng điểm bảo vệ biên giới, nhất là đường tuần tra và đường vành đai biên giới.

III. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Tăng cường giáo dục, thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền gắn với củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, hiểu biết về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ cán bộ cơ sở, Nhân dân các xã biên giới đất liền về phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức quốc gia, quốc giới và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của người dân, đề cao cảnh giác trước âm mưu, luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch và phản động. Củng cố và tăng cường vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên tuyến biên giới. Triển khai các phong trào thi đua xây dựng các xã biên giới đất liền vững mạnh đến từng thôn, xã biên giới bằng nhiều hình thức phong phú và hiệu quả.

b) Huy động nguồn lực toàn xã hội tham gia đầu tư, trợ giúp đồng bào các xã biên giới đất liền. Thực hiện có hiệu quả công tác kết nghĩa với các xã, các huyện khu vực miền núi, trong đó phân công các huyện, thị xã, thành phố khu vực đồng bằng kết nghĩa hỗ trợ, giúp đỡ các xã biên giới đất liền bằng những hành động thiết thực, hiệu quả, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển gắn với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh biên giới vững chắc.

2. Tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội gắn với đầu tư đồng bộ khu kinh tế cửa khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương, thu hút doanh nghiệp vào phát triển khu vực các xã biên giới đất liền

a) Thực hiện lồng ghép các nguồn lực đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, chính sách của trung ương, của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền, trong đó chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng về giao thông gắn với sản xuất và quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội. Ưu tiên thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, phát triển trồng rừng gỗ lớn, tập trung bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh diện tích rừng hiện có. Thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Quy hoạch, phát triển các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như: đinh lăng, ba kích, đẳng sâm, sa nhân, sâm Ngọc Linh,... ; phục hồi, phát triển diện tích cây ăn quả bản địa, từng bước đưa những giống cây ăn quả mới, năng suất cao thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu vào sản xuất, hướng tới xây dựng sản phẩm có thương hiệu khu vực miền núi. Phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, thực hiện chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ thả rông sang chăn nuôi tập trung, làm chuồng trại gắn với trồng cỏ, dự trữ thức ăn để phát triển mạnh chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê và heo bản địa), gia cầm có giá trị kinh tế cao.

b) Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, mở rộng các hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân. Xác định quy mô sản xuất của từng loại cây và sản phẩm trên từng địa bàn cụ thể, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, liên kết với doanh nghiệp nhằm bảo đảm tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, góp phần sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, con vật nuôi. Tập trung xây dựng một số dự án trọng điểm, như: cải tạo giống để trồng rừng sản xuất; trồng dược liệu dưới tán rừng; phát triển chăn nuôi; phát triển du lịch gắn với các sản phẩm làng nghề. Xây dựng, phát triển nông thôn theo hướng đa ngành nghề, dịch vụ, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới.

[...]