Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 41/NQ-HĐND năm 2023 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 41/NQ-HĐND
Ngày ban hành 25/07/2023
Ngày có hiệu lực 21/07/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Phạm Văn Hậu
Lĩnh vực Giáo dục

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/NQ-HĐND

Ninh Thuận, ngày 25 tháng 7 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA XI KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 18/BC-ĐGS ngày 06/7/2023 của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục tại cơ sở giáo dục thuộc tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2018-2022” và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục tại cơ sở giáo dục thuộc tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2018-2022

HĐND tỉnh cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 18/BC-ĐGS ngày 06/7/2023 của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục tại cơ sở giáo dục thuộc tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2018 - 2022 với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu sau đây:

1. Việc triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo được thực hiện kịp thời, đồng bộ, đúng quy định pháp luật; các cơ sở giáo dục và đào tạo đã tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chính sách, pháp luật về giáo dục; quy mô trường, lớp học trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập; công tác rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thực hiện theo lộ trình, từng bước được tăng cường theo hướng chuẩn hóa; công tác xã hội hóa giáo dục, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo được quan tâm; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học được củng cố, kiện toàn về số lượng và chất lượng; chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực; chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên và học sinh thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Công tác đào tạo và quản lý giáo dục nghề nghiệp được quan tâm chỉ đạo; các chính sách về đào tạo nghề được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.

2. Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

Chưa kịp thời quy định cụ thể sĩ số học sinh/lớp cho phù hợp, dẫn đến kết quả tuyển sinh thực tế vào các lớp đầu cấp của một số trường cao hoặc thấp hơn so với kế hoạch. Việc duy trì trường đạt chuẩn quốc gia, công nhận mới một số mặt còn hạn chế. Biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên còn thiếu ở các cấp học theo định mức quy định; đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh chất lượng giáo dục; việc thực hiện hợp đồng tạm thời giáo viên ảnh hưởng đến tiền lương, chế độ, chính sách quy định; đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp chưa được đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo để thực hiện theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp đạt thấp; tình trạng học sinh phổ thông bỏ học ở 3 cấp hàng năm vẫn còn diễn ra, nhất là học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu về phòng học và đồ dùng học tập thiết yếu; việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, thực hiện đấu thầu một số nơi còn sai phạm; cơ sở trường lớp sau khi sáp nhập, hợp nhất chưa được quản lý chặt chẽ, để hư hỏng, mất cắp, thất thoát, gây lãng phí tài sản công. Thực hiện chỉ tiêu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 trường chất lượng cao và xây dựng từ 1-2 trường THPT chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ chưa đạt; cơ sở giáo dục học sinh khuyết tật còn hạn chế, bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề còn bất cập chưa đáp ứng yêu cầu; Đề án nâng cấp Trường trung cấp y tế lên Trường Cao đẳng y tế đang triển khai nhưng còn chậm, ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh và hoạt động của nhà trường theo quy định.

3. Về nguyên nhân hạn chế: Bên cạnh nguyên nhân khách quan do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn; một số cơ chế, chính sách thường xuyên thay đổi. HĐND tỉnh nhấn mạnh các nguyên nhân chủ quan, đó là: (1) Một số sở, ban, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm, có giải pháp ưu tiên thích đáng cho giáo dục và đào tạo; (2) nguồn lực và kinh phí đầu tư cho giáo dục đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu; việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phòng học chủ yếu và thiết bị dạy học thiết yếu chưa đảm bảo; một số nơi chưa quan tâm quy hoạch sử dụng đất cho giáo dục đào tạo theo yêu cầu phát triển; (3) Công tác tự chủ nâng chất lượng các trường học và thực hiện xã hội hóa giáo dục đào tạo một số ngành, địa phương chưa quan tâm đẩy mạnh.

Điều 2. Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian đến

1. Đối với HĐND tỉnh

1.1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách pháp luật về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

1.2. Đôn đốc, chỉ đạo rà soát điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển giáo dục đào tạo, bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương; Ban hành chính sách đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ trường học, thu hút xã hội hóa giáo dục.

1.3. Tăng cường chỉ đạo hoạt động khảo sát, giám sát, nhằm đẩy mạnh việc tổ chức điều hành, thực hiện các nghị quyết và các cơ chế, chính sách có liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

1.4. Ban hành chính sách, giải pháp đảm bảo thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, thu hồi số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là lĩnh vực giáo dục đào tạo.

2. Đối với UBND tỉnh

2.1. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục, nhất là cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện các văn bản Trung ương cho phù hợp tình hình địa phương; chỉ đạo công tác phổ biến, quán triệt các quy định pháp luật, chủ trương của Trung ương, của tỉnh về giáo dục và đào tạo đến đội ngũ cán bộ quản lý ở cơ sở.

2.2. Rà soát, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án về giáo dục và đào tạo đã ban hành để kịp thời điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.

2.3. Chỉ đạo tăng cường các giải pháp, nhằm thực hiện đạt chuẩn quốc gia trường mầm non và đạt chỉ tiêu 65% trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.

2.4. Chỉ đạo rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh (ưu tiên các cơ sở giáo dục có đủ diện tích đạt tiêu chí trường học đạt chuẩn quốc gia theo quy định). Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các trường học cần xác định cụ thể địa điểm, vị trí, diện tích cần mở rộng, xây mới cho từng cấp học, địa phương.

2.5. Chỉ đạo quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy và học theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học đã trang bị cho các trường, đảm bảo hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư (đặc biệt là các bể bơi). Xây dựng kế hoạch cụ thể đảm bảo việc đầu tư, quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các trường học, cấp học trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu sử dụng, khắc phục tình trạng thiết bị được trang bị có sự thừa thiếu cục bộ.

2.6. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng chất lượng giáo viên đạt chuẩn; nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (nhất là đội ngũ giáo viên dạy các môn tích hợp) nhằm đáp ứng các tiêu chí theo quy định và đảm nhận giảng dạy hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

[...]