Nghị Quyết 39/NQ-HĐND năm 2017 về Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 39/NQ-HĐND
Ngày ban hành 07/12/2017
Ngày có hiệu lực 07/12/2017
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Nguyễn Ngọc Quang
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/NQ-HĐND

Quảng Nam, ngày 07 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN CÂY DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2018 – 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực sản phẩm chủ yếu;

Xét Tờ trình số 6589/TTr-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị thông qua quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 68/BC-HĐND ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1.

I. Mục tiêu tổng quát

Bảo tồn và phát triển bền vững một số loài cây dược liệu quý phù hợp với điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; từng bước xây dựng các vùng cây dược liệu phát triển ổn định, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích và góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa; đưa ngành nghề trồng cây dược liệu tại các vùng quy hoạch trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông lâm nghiệp, góp phần nâng cao sinh kế, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân tham gia bảo tồn, phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

II. Mục tiêu cụ thể

1. Giai đoạn 2018 - 2025

a) Phấn đấu đến năm 2025 bảo tồn, phát triển và ổn định vùng nguyên liệu 09 loài cây dược liệu (Đảng sâm, Ba kích tím, Sa nhân, Đương quy, Giảo cổ lam, Lan kim tuyến, Nghệ, Cà gai leo và Đinh lăng) với diện tích cây dược liệu đạt 39.505 ha; trong đó trồng mới là 37.034 ha và 2.471 ha hiện có; cụ thể:

- Tiểu vùng núi cao: Trồng mới 31.931ha, diện tích hiện có 2.042 ha.

- Tiểu vùng trung du: Trồng mới 3.900 ha, diện tích hiện có 292 ha.

- Tiểu vùng đồng bằng: Trồng mới 1.203ha, diện tích hiện có 137 ha.

Trong đó 60% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO).

b) Thiết lập hệ thống Vườn bảo tồn và phát triển dược liệu Quốc gia, vườn ươm và vườn trồng bảo tồn chủ động kết hợp sản xuất giống cây dược liệu.

c) Hình thành các sản phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của 09 loài cây dược liệu.

2. Giai đoạn 2026 - 2030

a) Tiếp tục phát triển trồng mới thêm 24.690 ha 09 loài cây dược liệu theo các tiểu vùng; cụ thể:

- Tiểu vùng núi cao: 21.233 ha.

- Tiểu vùng trung du: 2.620 ha.

- Tiểu vùng đồng bằng: 837 ha.

Phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO).

b) Tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp các hệ thống Vườn bảo tồn và phát triển dược liệu Quốc gia, vườn ươm, vườn trồng bảo tồn chủ động kết hợp sản xuất giống.

[...]