Nghị quyết 39/2014/NQ-HĐND thông qua Đề án Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020

Số hiệu 39/2014/NQ-HĐND
Ngày ban hành 18/05/2014
Ngày có hiệu lực 26/05/2014
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Vũ Hồng Bắc
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39 /2014/NQ-HĐND

Thái Nguyên, ngày 18 tháng 5 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHOÁ XII, KỲ HỌP THỨ 9 (KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc;

Căn cứ Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”;

Xét Tờ trình số 14/TTr-UBND ngày 28/3/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc đề nghị thông qua Đề án Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Đối tượng, địa bàn thực hiện Đề án

a) Đối tượng: Các dân tộc thiểu số của tỉnh Thái Nguyên, ưu tiên cho bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số ít người, các dân tộc không có điều kiện tự bảo vệ và phát huy di sản văn hoá của dân tộc mình.

b) Địa bàn: Trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung tại các huyện miền núi của tỉnh gồm: Định Hoá, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương, ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc các huyện trên.

2. Mục tiêu tổng quát

Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc Thái Nguyên; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy cơ bị mai một, biến đổi văn hoá, phát huy vai trò các chủ thể văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, khuyến khích sáng tạo các giá trị văn hoá mới, góp phần làm giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hoá giữa các địa phương; tăng cường sự đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao; tăng cường công tác thông tin truyền thông, xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số, ưu tiên sử dụng ngôn ngữ, chữ viết dân tộc (nếu có).

3. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 1 (2014 - 2015)

- Tổ chức kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể tại các huyện Phú Bình, Phổ Yên, Sông Công và thành phố Thái Nguyên;

- Mỗi năm đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận từ 02 di sản văn hoá phi vật thể trở lên của các dân tộc thiểu số là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia;

- Tăng 15% nhà văn hóa xóm, bản trong các huyện thuộc phạm vi Đề án (chưa có và chưa đạt chuẩn) được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, làm mới (tương đương 226 nhà văn hóa), nâng tổng số nhà văn hóa đạt chuẩn lên 22% (tương đương với 343 nhà văn hóa) đáp ứng tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Trong đó có 30 - 40% số xóm, bản có nhà văn hóa tự chủ chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tự thực hiện;

- Các huyện, thành phố, thị xã trong phạm vi thực hiện Đề án tập trung chỉ đạo hệ thống chính trị triển khai thực hiện có hiệu quả “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ”; phấn đấu đạt các chỉ tiêu về gia đình, làng, bản, cơ quan văn hoá đạt chuẩn bằng mức bình quân chung toàn tỉnh nhất là các làng, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn;

- Các huyện, thành phố, thị xã trong phạm vi thực hiện Đề án được hỗ trợ phát triển ít nhất 01 nghề truyền thống; hỗ trợ phát triển dân ca, dân vũ hoặc hoạt động du lịch đặc trưng góp phần xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội.

b) Giai đoạn 2 (2016 - 2020)

- Mỗi năm đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận từ 03 di sản văn hoá phi vật thể trở lên của các dân tộc thiểu số là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia;

- Tăng 547 nhà văn hóa xóm, bản trong các huyện, thành phố, thị xã thuộc phạm vi Đề án được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, làm mới, nâng tổng số nhà văn hóa đạt chuẩn lên 54,87% (tương đương với 890 nhà văn hóa) đáp ứng tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trong đó có 50 - 60% số xóm, bản có nhà văn hóa tự chủ chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tự thực hiện;

[...]