Nghị quyết 38/2014/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 38/2014/NQ-HĐND
Ngày ban hành 25/12/2014
Ngày có hiệu lực 26/12/2014
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Đức Thanh
Lĩnh vực Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2014/NQ-HĐND

Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 25 tháng 12 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHOÁ IX KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Trên cơ sở xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các cơ quan hữu quan và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

I. Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội trong nước còn nhiều khó khăn, trong đó có tác động của việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tình hình kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi và chuyển biến tích cực, đúng hướng, tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu, lạm phát được kiểm soát, nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh còn nhiều khó khăn, nợ công tăng nhanh, nợ xấu còn cao, xử lý chậm, an ninh tài chính tiền tệ chưa vững chắc. Tình hình trong tỉnh, sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng khá; bên cạnh đó tình hình nắng hạn kéo dài, dịch bệnh trong chăn nuôi, trật tự xã hội có thời điểm diễn biến phức tạp tại một số dự án đầu tư, hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn đã tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhưng dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ tỉnh, cùng với tinh thần vượt khó, phát huy nội lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục ổn định và chuyển biến khá tích cực, hoàn thành đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tổng sản phẩm nội tỉnh tăng khá, ước tăng 12,4%; GDP bình quân đầu người đạt 26,8 triệu đồng; nổi bật là thu ngân sách vượt kế hoạch, đạt 1.700 tỷ đồng, đạt 113,3% dự toán năm; quy mô sản xuất các ngành, lĩnh vực đều tăng, sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng khá, nhiều năng lực sản xuất mới tăng thêm; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt một số kết quả bước đầu; các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời, công tác chăm lo cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách được quan tâm tốt hơn; quy mô giáo dục được duy trì và chất lượng được nâng lên; công tác phòng chống dịch bệnh được chủ động và có hiệu quả; trật tự an toàn xã hội đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững.

Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số khó khăn, hạn chế đó là: tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại; giá trị kim ngạch xuất khẩu không đạt kế hoạch; tiến độ triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới còn chậm, kết quả đạt được còn thấp; nguồn lực đầu tư tiếp tục khó khăn, một số công trình, dự án đầu tư quan trọng đang đẩy nhanh tiến độ nhưng khó khăn về nguồn vốn; tiến độ triển khai một số dự án đầu tư các thành phần kinh tế chậm chuyển biến; hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; chất lượng giáo dục ở miền núi, vùng sâu còn thấp, chất lượng khám chữa bệnh có mặt còn hạn chế, ý thức người dân trong phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa cao; kết quả giảm nghèo không đạt kế hoạch; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm; một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn còn xảy ra; tình hình trật tự xã hội có thời điểm diễn biến phức tạp tại một số địa bàn.

II. Về mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2015

1. Mục tiêu tổng quát: tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Huy động tốt nhất các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; bảo vệ tài nguyên môi trường; cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh để phát triển bền vững, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu năm 2015 và hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch năm 2015

- Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 11 - 12%, GDP bình quân đầu người đạt 31,2 triệu đồng. Tăng trưởng các ngành: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5 - 6%, công nghiệp - xây dựng tăng 18 - 19%, dịch vụ tăng 11 - 12%;

- Cơ cấu kinh tế: nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 36 - 37%, công nghiệp - xây dựng chiếm 24 - 25%, dịch vụ chiếm 38 - 39%;

- Thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.800 tỷ đồng (tăng 5,9% so với năm 2014);

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 75 triệu USD (tăng 36,4%);

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 8.760 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2014);

- Mức giảm tỷ lệ sinh 0,2%0; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi 0,8%; tỷ lệ tham gia BHYT chiếm 70% dân số;

- Giải quyết việc làm mới cho 15,5 ngàn lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,8% - 2%; đào tạo nghề cho 8.100 người, trong đó dạy nghề cho lao động nông thôn 2.600 người.

- Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 87%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 70%;

- Nâng độ che phủ rừng đạt 45%.

III. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất các ngành, lĩnh vực, triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế; triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp; duy trì đối thoại với doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn về thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng, đầu tư, môi trường, thuế, hải quan để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư, tăng năng lực sản xuất mới, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015. Thực hiện đạt mức cao các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015), góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhanh chóng cụ thể hoá các định hướng chủ trương, giải pháp của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.

2. Huy động tốt nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nhất là triển khai kịp thời Luật Đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Đa dạng hoá nguồn vốn tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tích cực, chủ động hơn trong tiếp cận và huy động các nguồn vốn ODA; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện có hiệu quả chương trình nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2015, tạo thuận lợi tốt nhất đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư từ các thành phần kinh tế. Đồng thời rà soát, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án đầu tư chậm tiến độ. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng đô thị đầu tư theo phương thức xây dựng - chuyển giao (BT); thực hiện cơ chế hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả lồng ghép vốn góp phần đẩy nhanh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh xã hội hoá lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương trong triển khai các dự án trọng điểm Quốc gia trên địa bàn tỉnh như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27. Tạo điều kiện, phối hợp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần phục vụ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh.

3. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tiếp tục kiện toàn cải cách, đổi mới tổ chức hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao năng lực tham mưu đề xuất và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính.

4. Tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Trước hết, đáp ứng nhu cầu cho phát triển các ngành kinh tế trụ cột và hội nhập quốc tế, trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đi đôi với thực hiện có hiệu quả chính sách tăng cường thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao. Có giải pháp đồng bộ trong triển khai các chương trình, đề án đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước đầu tư thành lập cơ sở đào tạo tại tỉnh.

[...]