Nghị quyết 38/2005/NQ-HĐND phê chuẩn đề án phát triển Giao thông nông thôn giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Số hiệu | 38/2005/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 05/08/2005 |
Ngày có hiệu lực | 15/08/2005 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lạng Sơn |
Người ký | Hoàng Công Hoàn |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/2005/NQ-HĐND |
Lạng Sơn, ngày 5 tháng 8 năm 2005 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
KHOÁ XIV KỲ HỌP THỨ TƯ
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Sau khi xem xét Tờ trình số 26/TTr-UBND ngày 20/7/2005 của UBND tỉnh về việc phê chuẩn Đề án phát triển Giao thông nông thôn giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê chuẩn Đề án phát triển Giao thông nông thôn giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, với các nội dung chính sau đây:
1. Mục tiêu tổng quát:
Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, giao thông vận tải của tỉnh Lạng Sơn đã được điều chỉnh bổ sung và quy hoạch phát triển giao thông vận tải của các huyện, thành phố giai đoạn 2005 - 2010. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư mở rộng, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, nhanh chóng khắc phục tình trạng xuống cấp, từng bước nâng cao chất lượng của hệ thống đường giao thông nông thôn, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ sản xuất, đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh, xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn các huyện, thành phố, Đề án khoán quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường tỉnh, huyện để áp dụng thống nhất trên toàn tỉnh.
b) Phấn đấu đến cuối năm 2010 đạt:
- 90% số xã (186/207) có đường ô tô đến trung tâm xã đi được 4 mùa;
- Nâng tỷ lệ mặt đường tỉnh, huyện được nhựa hóa từ 35,18% lên 60% (bình quân mỗi năm thực hiện 71,2km);
- Nâng tỷ lệ mặt đường các loại trên địa bàn xã được xây dựng từ 10,24% lên 45,9% (Bình quân mỗi năm xây dựng 150 km mặt đường các loại, chủ yếu nhà nước hỗ trợ xi măng để xây dựng mặt đường xã)
c) Hoàn thành việc khai thông 2 tuyến đường ô tô liên huyện: Hữu Liên - Lân Cà (Hữu Lũng - Bắc Sơn) và Hoà Bình - Bình La - Gia Miễn (Văn Quan - Bình Gia - Văn Lãng);
d) Xây dựng được 2 cầu lớn vượt sông ở vị trí trọng yếu (Yên Bình, Hoà Lạc, huyện Hữu Lũng);
3- Một số giải pháp chủ yếu:
a) Tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp đầu tư xây dựng và quản lý duy tu:
- Đối với các tuyến đường tỉnh, huyện do nhà nước đầu tư xây dựng; những tuyến quan trọng thì tỉnh quản lý và duy tu, những tuyến còn lại giao cho huyện quản lý và duy tu (theo quyết định phân cấp quản lý của Tỉnh đã có); tiếp tục điều chỉnh việc khoán quản lý, đường huyện cho hộ dân hoặc nhóm hộ dân quản lý và duy tu theo quy định chung, thống nhất trên toàn tỉnh.
- Đối với các tuyến đường xã, thôn, bản, ngõ xóm do nhân dân tự đầu tư xây dựng là chính, Nhà nước hỗ trợ một phần vật tư kỹ thuật chủ yếu như xi măng, sắt, thép, ống cống... và do dân tự quản lý, duy tu sửa chữa thường xuyên.
b) Huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn:
- Để đạt được các mục tiêu về phát triển giao thông nông thôn, tổng nhu cầu vốn đầu tư là: 650 tỷ đồng, bình quân 130 tỷ đồng/ năm; dự kiến huy động từ các nguồn sau:
+ Nguồn vốn ngân sách nhà nước: 350 tỷ đồng, bình quân 70 tỷ đồng/ năm;
+ Nguồn vốn vay, tài trợ: 270 tỷ đồng, bình quân 54 tỷ đồng/ năm;
+ Huy động nhân dân đóng góp bằng tiền: 30 tỷ đồng, bình quân 6 tỷ đồng/ năm (chưa kể huy động lao động công ích hàng năm);
- Trong cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm cần ưu tiên vốn đầu tư cho giao thông nông thôn, lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu khác trên địa bàn.
- Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của các Bộ, ngành trung ương, vốn vay, tài trợ của nước ngoài.