HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
35/2011/NQ-HĐND
|
Phú Thọ, ngày
12 tháng 12 năm 2011
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH PHÚ THỌ
GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHOÁ XVII, KỲ HỌP THỨ BA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm
2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm
2009;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm
2006;
Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24
tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về
giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07
tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm
2008 của Chính phủ về sửa đổi một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày
07 tháng 9 năm 2006;
Căn cứ Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg ngày 14
tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số 4251/TTr-UBND
ngày 21 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về Quy hoạch phát
triển Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020, Báo cáo thẩm tra
của Ban Văn hoá - Xã hội và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành thông qua Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo
tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội
dung sau:
I - QUAN ĐIỂM
- Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo cần
phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Quy hoạch
phát triển nguồn nhân lực tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020;
- Phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng đồng
bộ, toàn diện, chuẩn hóa và hiện đại, gắn giáo dục với đào tạo; phát triển giáo
dục và đào tạo phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã
hội và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá;
- Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm thực hiện
mục tiêu nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; góp
phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm
vụ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
- Đẩy mạnh xã hội hoá, mở rộng quan hệ hợp tác
khu vực và quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
II - MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
trên cơ sở chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; phát triển mạng lưới, quy mô hợp
lý, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần
xây dựng con người trong xã hội hiện đại có văn hóa, đạo đức, lối sống lành mạnh,
có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, năng lực sáng tạo và hội nhập.
2. Các mục tiêu cụ thể
a) Về giáo dục mầm non
- Năm 2015: 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu
giáo, được học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non mới; trên 95% trẻ
em 3 - 4 tuổi đến trường mầm non; 20% trẻ em dưới 3 tuổi ra nhà trẻ; giảm tỷ lệ
suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non xuống dưới 7%; 50% trường mầm
non đạt chuẩn quốc gia.
- Năm 2020: Có 30% trẻ em dưới 3 tuổi ra nhà trẻ;
70% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
b) Về giáo dục tiểu học
- Năm 2015: Duy trì 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1;
trên 98% trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, trên 90% học sinh học 2
buổi/ngày; 80% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia;
- Năm 2020: 100% học sinh học 2 buổi/ngày; 90%
trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ
tuổi mức 2.
c) Về giáo dục trung học cơ sở
- Duy trì kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ
sở, đảm bảo 91% dân số trong độ tuổi (từ 15 - 18 tuổi) tốt nghiệp trung học cơ
sở;
- Năm 2015: Tỷ lệ nhập học theo dân số trong độ
tuổi (từ 11 - 14 tuổi) đạt khoảng 96%; có 50% số trường trung học cơ sở đạt chuẩn
quốc gia.
- Năm 2020: Tỷ lệ nhập học theo dân số trong độ
tuổi (từ 11 - 14 tuổi) đạt 100%; 80% số trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc
gia.
d) Về giáo dục trung học phổ thông
- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông
vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đạt từ 50 - 65%.
- Duy trì kết quả học sinh vào đại học, cao đẳng
và học sinh giỏi quốc gia hàng năm của tỉnh trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn
đầu cả nước;
- Năm 2015: Tỷ lệ nhập học trung học phổ thông
và tương đương so với dân số trong độ tuổi (từ 15 - 17 tuổi) đạt trên 70%; có
40% số trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; có 20% học sinh học ở các
trường ngoài công lập.
- Năm 2020: Tỷ lệ nhập học trung học phổ thông
và tương đương so với dân số độ tuổi (từ 15 - 17 tuổi) đạt trên 75%; có 70% số
trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; có 25% học sinh học ở các trường
ngoài công lập.
e) Giáo dục thường xuyên
Đến 2015: 100% cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện
được học tập, bồi dưỡng cập nhật kiến thức về lý luận, pháp luật, kinh tế - xã
hội; 99% dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ.
g) Giáo dục nghề nghiệp và đại học
- Tăng qui mô tuyển sinh học nghề từ 8 -
12%/năm;
- Năm 2015: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%;
trong đó: đào tạo nghề 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ngành nông, lâm, ngư
nghiệp là 23,5%; ngành công nghiệp, xây dựng 36%; các ngành dịch vụ 40,5%;
- Năm 2020: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%,
trong đó: đào tạo nghề đạt 54,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ngành nông, lâm,
ngư nghiệp là 21,8%, ngành công nghiệp, xây dựng là 39%, các ngành dịch vụ là
39,2%.
III - NỘI DUNG QUY HOẠCH
1. Quy hoạch về quy mô và mạng lưới giáo dục
và đào tạo
a) Giáo dục mầm non
- Năm 2015: Trẻ em dưới 3 tuổi ra nhà trẻ đạt
khoảng 13 nghìn, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp khoảng 65 nghìn; có 315 trường
mầm non.
- Năm 2020: Trẻ em dưới 3 tuổi ra nhà trẻ đạt
khoảng 20 nghìn, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp khoảng 66 nghìn; có 339 trường
mầm non.
b) Giáo dục tiểu học
- Năm 2015: Tổng số đạt khoảng 104,4 nghìn học
sinh; có 306 trường;
- Năm 2020: Tổng số đạt khoảng 111,2 nghìn học
sinh; có 310 trường.
c) Giáo dục trung học cơ sở
- Năm 2015: Tổng số đạt khoảng 73,1 nghìn học
sinh; có 260 trường, trong đó có 13 trường chất lượng cao;
- Năm 2020: Tổng số đạt khoảng 85,9 nghìn học
sinh; có 265 trường.
d) Giáo dục trung học phô thông
- Năm 2015: Tổng số đạt khoảng 37,8 nghìn học
sinh, trong đó: Quy mô các trường ngoài công lập khoảng 7,6 nghìn học sinh; có
48 trường, trong đó có 13 trường ngoài công lập (có 01 trường ở phía Nam thành
phố Việt Trì);
- Năm 2020: Tổng số đạt khoảng 41,8 nghìn học
sinh, trong đó: Quy mô các trường ngoài công lập khoảng 10,5 nghìn học sinh; có
50 trường, trong đó có 15 trường ngoài công lập.
e) Giáo dục thường xuyên
- Năm 2015: Tổng số học sinh, học viên tham gia
vào các chương trình giáo dục thường xuyên và bồi dưỡng nghiệp vụ đạt khoảng
15,2 nghìn người; 01 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cấp tỉnh; có 14
trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp;
giữ vững 100% số xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.
- Năm 2020: Tổng số học sinh, học viên tham gia
vào các chương trình giáo dục thường xuyên và bồi dưỡng nghiệp vụ đạt khoảng
15,6 nghìn người.
g) Giáo dục nghề nghiệp và đại học
- Năm 2015: Quy mô đào tạo trung bình của giáo dục
nghề nghiệp và đại học khoảng 179,2 nghìn người; mạng lưới các cơ sở giáo dục
nghề nghiệp và đại học là 63 cơ sở;
- Năm 2020: Quy mô đào tạo trung bình của giáo dục
nghề nghiệp và đại học khoảng 283,5 nghìn người; mạng lưới các cơ sở giáo dục
nghề nghiệp và đại học là 66 cơ sở; nâng cấp 03 trung tâm dạy nghề lên thành
trường trung cấp nghề, 04 trường trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp
thành trường cao đẳng và trường cao đẳng nghề, 04 trường cao đẳng thành trường
đại học.
2. Quy hoạch đội ngũ giáo viên, cán bộ quản
lý và nhân viên các cơ sở giáo dục và đào tạo
a) Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân
viên giáo dục mầm non
- Năm 2015: Đội ngũ cô nuôi dạy trẻ đạt 1.500
giáo viên; tỷ lệ trẻ nhà trẻ/giáo viên là 8,5 cháu/cô; giáo viên mẫu giáo đạt
4.340; tỷ lệ học sinh mẫu giáo/giáo viên là 15 cháu/cô; tỷ lệ giáo viên mầm non
đạt chuẩn 100%; tỷ lệ giáo viên trên chuẩn khoảng 50%; cán bộ quản lý đạt bình
quân 2,5 người/trường; nhân viên đạt bình quân 2 người/trường.
- Năm 2020: Đội ngũ cô nuôi dạy trẻ đạt 2.400
giáo viên; tỷ lệ trẻ nhà trẻ/giáo viên là 8 cháu/cô; giáo viên mẫu giáo đạt
4.900; tỷ lệ học sinh mẫu giáo/cô là 13,5 cháu/cô; tỷ lệ giáo viên trên chuẩn
khoảng 80%; nhân viên trường học đạt bình quân 3 người/trường.
b) Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân
viên giáo dục tiểu học
- Năm 2015: Quy mô giáo viên đạt 6.306 người;
100% giáo viên đạt chuẩn trở lên (trong đó khoảng 80% đạt trên chuẩn); cán bộ
quản lý đạt bình quân 2,5 người/trường; nhân viên đạt bình quân 2,5 người/trường;
- Năm 2020: Quy mô giáo viên đạt 6.600 giáo viên
(đảm bảo đủ 1,5 giáo viên/lớp để dạy 2 buổi/ngày); tỷ lệ giáo viên trên chuẩn khoảng
90%; nhân viên bình quân 3,5 người/trường.
c) Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân
viên giáo dục trung học cơ sở
- Năm 2015: Quy mô giáo viên đạt 5.532 người;
100% giáo viên đạt chuẩn trở lên (trong đó khoảng 60% đạt trên chuẩn); cán bộ
quản lý đạt bình quân 2,4 người/trường; nhân viên đạt bình quân 3,5 người/trường;
- Năm 2020: Quy mô giáo viên đạt 6.763 người;
khoảng 70% số giáo viên đạt trên chuẩn; cán bộ quản lý đạt bình quân 2,5 người/trường;
nhân viên đạt bình quân 5 người/trường.
d) Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân
viên giáo dục trung học phổ thông
- Năm 2015: Quy mô giáo viên đạt 2.208 người
(trong đó giáo viên biên chế trường công lập đạt 1.769 giáo viên); tỷ lệ giáo
viên đạt chuẩn 100% (trong đó khoảng 10% giáo viên đạt trên chuẩn, riêng trường
THPT Chuyên Hùng Vương đạt khoảng 50%); cán bộ quản lý đạt bình quân 3,5 người/trường;
nhân viên đạt bình quân 5 người/trường;
- Năm 2020: Quy mô giáo viên đạt 2.586 người
(trong đó giáo viên biên chế trường công lập đạt 1.999 giáo viên); tỷ lệ giáo
viên trên chuẩn khoảng 20%, (Trường THPT Chuyên Hùng Vương có khoảng 70% giáo
viên đạt trên chuẩn, trong đó có khoảng 2% tiến sỹ); nhân viên đạt bình quân
6,5 người/trường.
e) Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân
viên các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp,
kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp
- Năm 2015: Khoảng 35 học sinh, học viên/giáo
viên;
- Năm 2020: Khoảng 28 học sinh, học viên/giáo
viên;
- Cán bộ quản lý bình quân đạt 3 người/trung
tâm; nhân viên bình quân đạt 5 người/trung tâm.
g) Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân
viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học
- Năm 2015: Quy mô giáo viên, giảng viên của các
cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học đạt 4.110 người;
- Năm 2020: Quy mô giáo viên, giảng viên của các
cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học đạt 5.640 người; tỷ lệ giáo viên có trình
độ thạc sỹ khoảng 35% ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, khoảng 40% giảng
viên ở trường cao đẳng (có khoảng 5% tiến sỹ), khoảng 80% giảng viên trường đại
học (có khoảng 25% tiến sỹ).
3. Quy hoạch cơ sở vật chất - kỹ thuật của
các cơ sở giáo dục và đào tạo
a) Đối với giáo dục mầm non và phổ thông
Giai đoạn 2011 - 2015
Thực hiện kiên cố hoá phòng học mầm non đạt 85%,
tiểu học đạt 90%, trung học cơ sở đạt 95% và trung học phổ thông đạt 100%; 50%
số trường mầm non có đủ khối phòng phục vụ học tập, khối phòng tổ chức ăn ngủ
cho học sinh, khối phòng hành chính quản trị và hệ thống các công trình phụ trợ
đạt chuẩn quy định; 80% số trường tiểu học, 50% số trường trung học cơ sở và
40% số trường trung học phổ thông có đủ phòng học bộ môn, phòng thư viện, khối
phòng phục vụ học tập, khối phòng hành chính quản trị và hệ thống các công
trình phụ trợ đạt chuẩn quy định;
- Có đủ chỗ ở ký túc xá và các công trình phụ trợ
phục vụ cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; nhà ở công vụ
và các công trình phụ trợ cho giáo viên các trường khu vực miền núi, vùng sâu;
- 100% các trường có công trình nước sạch và vệ
sinh phù hợp tiêu chuẩn;
- 100% trường có đủ diện tích đất tối thiểu theo
quy định;
- 100% các thư viện có và duy trì đủ số lượng
sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo theo quy định thư viện đạt chuẩn;
- 100% số trường phổ thông có đủ bộ thiết bị dạy
học tối thiểu; 100% số trường mầm non có đủ đồ dùng - đồ chơi - thiết bị dạy học
tối thiểu cho lớp mầm non 5 tuổi và 50% số trường có đủ đồ dùng - đồ chơi - thiết
bị cho nhóm trẻ và các lớp mẫu giáo 3 – 4 tuổi;
- 50% số trường mầm non có sân chơi có đủ đồ
chơi; 80% số trường tiểu học, 50% số trường trung học cơ sở và 40% số trường
trung học phổ thông có đủ thiết bị phòng học bộ môn đạt chuẩn quy định;
- 70% số trường mầm non, 80% số trường tiểu học
và 100% số trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông được kết nối và
sử dụng Internet;
Giai đoạn 2016 – 2020
- Thực hiện kiên cố hoá phòng học cho tất cả các
trường, lớp học của các cấp học;
- 75% số trường mầm non có đủ khối phòng phục vụ
học tập, khối phòng tổ chức ăn ngủ, khối phòng hành chính quản trị và hệ thống
các công trình phụ trợ đạt chuẩn;
- 90% số trường tiểu học, 80% số trường trung học
cơ sở và 70% số trường trung học phổ thông có đủ phòng học bộ môn, phòng thư viện,
khối phòng phục vụ học tập, hành chính quản trị và các công trình phụ trợ đạt
chuẩn;
- Có đủ nhà ký túc xá kiên cố và các công trình
phụ trợ phục vụ cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú;
- 100% các thư viện trường học đạt chuẩn;
- 100% các trường phổ thông có đủ bộ thiết bị dạy
học tối thiểu; 100% các trường mầm non có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học
tối thiểu cho các nhóm trẻ và lớp mẫu giáo;
- 75% số trường mầm non có sân chơi có đủ đồ
chơi; 90% số trường tiểu học; 80% số trường trung học cơ sở và 70% số trường
trung học phổ thông có đủ thiết bị phòng học bộ môn đạt chuẩn quy định;
- 100% số trường mầm non và phổ thông được kết nối
Internet; 90 trường tiểu học, 100% trường trung học cơ sở và trường trung học
phổ thông có website;
b) Đối với giáo dục nghề nghiệp và đại học
- Các cơ sở dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp,
cao đẳng thuộc diện được nâng cấp, thành lập mới cần điều chỉnh, bổ sung hoặc
xây dựng đề án quy hoạch tổng thể phát triển trường hoàn thành chậm nhất vào cuối
năm 2012;
- Căn cứ quy hoạch phát triển được duyệt, tỉnh
thực hiện bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước, khuyến khích các cơ sở vay vốn
ưu đãi để đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật.
IV - CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản
lý của Nhà nước, sự tham gia của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức
chính trị xã hội đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo
- Các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường tuyên
truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò quan trọng của
giáo dục và đào tạo đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thường
xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát việc xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch,
đề án phát triển giáo dục và đào tạo;
- Tổ chức thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP
(ngày 24/12/2010) của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV
(ngày 19/10/2011) về Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Ủy
ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Phòng
Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp xã. Tiếp tục thực hiện phân cấp quản
lý, giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục trong quản lý tài chính, quản lý
nhân sự, tổ chức quá trình dạy học. Đổi mới công tác xây dựng và giao kế hoạch
giáo dục, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực. Ban hành các chính sách phù hợp
trong từng thời kỳ nhằm khuyến khích phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục
và đào tạo;
- Xác định việc thực hiện đổi mới quản lý giáo dục
và đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục
và đào tạo;
- Tăng cường sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc,
các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể, hội khuyến học cơ sở, các
dòng họ khuyến học,... trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
2. Thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy
học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quan tâm giáo dục nhân cách; tăng
cường công tác kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo
- Tăng cường áp dụng đổi mới chương trình giáo dục
các cấp học; Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức tốt các hoạt động
giáo dục trong và ngoài nhà trường. Chú trọng các hoạt động lồng ghép, tích hợp
các nội dung giáo dục nhằm phát triển thể chất và kỹ năng sống cho học sinh;
Quan tâm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu;
- Đổi mới, tiếp cận và vận dụng có hiệu quả các
phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào
tạo; coi trọng chất lượng, tránh hình thức; tự đánh giá và được đánh giá ngoài
theo hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục; tăng cường sự giám sát của cộng đồng
trong hoạt động giáo dục.
- Tăng cường hợp tác, liên kết với các cơ sở đào
tạo trong và ngoài nước; phát triển các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ
năng cho người học để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu
phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động
trong nước và khu vực.
3. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý
và nhân viên các cơ sở giáo dục và đào tạo
- Thực hiện các chương trình bồi dưỡng cho cán bộ
quản lý giáo dục các cấp; khuyến khích giáo viên và cán bộ quản lý học tập nâng
cao trình độ, ưu tiên đào tạo trên chuẩn; quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên
và cán bộ quản lý giáo dục ở các cơ sở giáo dục miền núi, vùng khó khăn, địa
bàn giáo dục chưa phát triển.
- Khuyến khích và tăng cường trao đổi kinh nghiệm
trong công tác giảng dạy quản lý; ưu tiên tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản
lý giáo dục, giảng viên các cơ sở đào tạo nhân lực có trình độ đào tạo theo quy
định; đảm bảo đủ điều kiện giáo viên/giảng viên để thành lập, nâng cấp các cơ sở
giáo dục nghề nghiệp và đại học.
4. Phát triển mạng lưới, tăng cường đầu tư cơ
sở vật chất - kỹ thuật cho giáo dục và đào tạo
- Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục theo hướng
chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hoá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện,
tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập thường xuyên; xây dựng trường
trung học cơ sở chất lượng cao tại các huyện, thị, thành và lớp chất lượng cao
tại một số trường trung học cơ sở; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị,
giáo viên phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng
khiếu;
- Sắp xếp hợp lý mạng lưới các trường trung học
phổ thông tư thục theo hướng cân đối giữa phía Bắc và phía Nam thành phố Việt
Trì; hỗ trợ, định hướng phát triển quy mô đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo
ngoài công lập; xem xét bố trí phát triển các trường ngoài công lập một cách hợp
lý, gắn với phát triển dân cư, kinh tế - xã hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát
đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập, chấm dứt hoạt động đối với
những cơ sở không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng hoặc hoạt động không hiệu quả,
không đúng mục đích. Quản lý chặt chẽ các nguồn lực của nhà nước hỗ trợ cho các
cơ sở giáo dục và đào tạo trong việc thực hiện chính sách xã hội hoá, thực hiện
thu hồi đối với các cơ sở sử dụng nguồn lực hỗ trợ không đúng mục đích;
- Thực hiện thí điểm mô hình trường trung học cơ
sở liên xã hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học đối với các trường tiểu học
và trung học cơ sở có quy mô quá nhỏ để rút kinh nghiệm, đánh giá và đề xuất
phương án triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh;
- Hoàn thành mục tiêu xây dựng cơ sở vật chất -
kỹ thuật đối với các cấp học; quan tâm ưu tiên đầu tư cho các trường thuộc vùng
khó khăn; đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các trường xây dựng trường đạt chuẩn
quốc gia theo kế hoạch; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học được mở rộng
quy mô hoặc nâng cấp để đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực.
5. Tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục
- Thực hiện mở rộng chế độ tự chủ, tự chịu trách
nhiệm trong các cơ sở giáo dục và đào tạo gắn với đổi mới cơ chế tài chính nhằm
tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Xây dựng cơ chế quản
lý, giám sát đối với các nguồn đầu tư của xã hội cho giáo dục và đào tạo;
- Nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã
hội - nghề nghiệp, các đoàn thể, hội khuyến học cơ sở, dòng họ khuyến học,...
trong việc thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, tiến tới xây dựng xã hội học
tập. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích cá nhân, các tổ chức xã hội về phát
triển mạng lưới, đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho giáo dục và đào tạo. Tiếp
tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển các cơ sở
giáo dục và đào tạo ngoài công lập. Khuyến khích doanh nghiệp mở các cơ sở giáo
dục nghề nghiệp để tăng cường khả năng tự cung ứng nhân lực và góp phần cung ứng
nhân lực cho thị trường lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao thuộc ngành
nghề mũi nhọn;
- Thành lập quỹ hỗ trợ đào tạo do các tổ chức,
cá nhân, các doanh nghiệp đóng góp.
Có quy định cho các cơ sở giáo dục công lập hợp
tác, liên kết với doanh nghiệp, cá nhân trong việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ
thuật trường học.
6. Nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công
nghệ trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu - Xây dựng cơ chế phối hợp để mở rộng
các hình thức, nội dung liên kết giữa đào tạo - nghiên cứu khoa học - sản xuất
- dịch vụ nhằm tăng điều kiện thực hành, thực tập và nâng cao chất lượng, hiệu
quả đào tạo của các trường;
- Đẩy mạnh và khuyến khích hoạt động nghiên cứu
khoa học trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các cơ sở giáo dục
nghề nghiệp và đại học; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học với các cơ sở
giáo dục và đào tạo trong nước và quốc tế; quan tâm ứng dụng các đề tài khoa học,
giải pháp công nghệ vào lĩnh vực sản xuất;
- Có chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa
học và thu hút các nhà khoa học tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các cơ
sở đào tạo; tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với nhu cầu xã hội
thông qua hình thành liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học với
doanh nghiệp.
7. Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về
giáo dục và đào tạo
- Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển giáo
dục và đào tạo thông qua các hoạt động thăm quan, học tập trao đổi kinh nghiệm,
hội thảo và các dự án đầu tư, phát triển;
- Khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo của
tỉnh hợp tác với các cơ sở đào tạo nước ngoài để nâng cao năng lực quản lý,
phát triển các chương trình đào tạo; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ,
đào tạo bồi dưỡng giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và liên doanh,
liên kết đào tạo nhân lực có chất lượng cao.
8. Đảm bảo nguồn lực thực hiện quy hoạch
a) Tổng chi cho giáo dục và đào tạo giai đoạn
2011 - 2020: 52.234 tỷ đồng, trong đó:
- Chi thường xuyên: 34.189 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 65,5%
- Chi đầu tư: 18.045 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 34,5%,
gồm:
+ Đầu tư từ nguồn xây dựng cơ bản: 1.287 tỷ đồng;
+ Đầu tư từ các trình, dự án (của TW và tỉnh):
16.758 tỷ đồng. b) Cơ cấu nguồn vốn:
- Chi thường xuyên: 100% ngân sách địa phương.
- Chi đầu tư:
+ Ngân sách Trung ương: Chiếm 60%.
+ Ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã): Chiếm
25%.
+ Huy động (tiền, hiện vật, ngày công quy đổi):
Chiếm 15%.
c) Phân kỳ thực hiện:
- Tổng số giai đoạn 2011 - 2015: 19.711 tỷ đồng,
chiếm 37,7%.
- Tổng số giai đoạn 2015 - 2020: 32.523 tỷ đồng,
chiếm 62,3%.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực
hiện Nghị quyết;
- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội
đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực
hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá
XVII, kỳ họp thứ Ba thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2011.
|
HỦ TỊCH
Nguyễn Doãn Khánh
|