Nghị quyết 34/NQ-HĐND năm 2017 về thông qua Đề án Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 34/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2017
Ngày có hiệu lực 08/12/2017
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Văn Thành
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/NQ-HĐND

Hải Phòng, ngày 08 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Xét Tờ trình số 190/TTr-UBND ngày 27/10/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc xin ý kiến thông qua Đề án Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (có Đề án, bảng biểu kèm theo) với những nội dung chính sau:

1. Quan điểm phát triển

- Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế mạnh, cửa chính ra biển và là vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ;

- Đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu;

- Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng theo hướng đô thị cảng biển xanh, thông minh, kiến trúc đặc sắc, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ;

- Thực hiện tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên thể chế, nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến và phát huy yếu tố con người;

- Xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố và đất nước;

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan, đảm bảo khai thác và sử dụng lâu dài các nguồn tài nguyên và giữ vững cân bằng sinh thái, chủ động thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường;

- Kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và ổn định xã hội. Xây dựng Hải Phòng thành một pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng - an ninh, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao, xã hội công bằng, văn minh.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng thành phố trở thành thành phố Cảng xanh, thông minh, hiện đại với tốc độ tăng trưởng kinh tế đột phá; là trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có năng lực cạnh tranh cao;

- Là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; bước đầu phát triển kinh tế tri thức; kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; là trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học công nghệ của vùng Duyên hải Bắc bộ;

- Có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và hiện đại, cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I trước năm 2020 và đạt các tiêu chí chủ yếu của đô thị đặc biệt vào năm 2025; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc và hành lang kinh tế Việt Nam-Trung Quốc; kết nối mạnh mẽ với thế giới, khu vực và các địa phương khác trong cả nước, là đầu tàu động lực có sức lan toả của vùng Bắc bộ về phát triển kinh tế - xã hội;

- An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao; môi trường được bảo vệ tốt, tiến tới tạo dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; một pháo đài vững chắc về quốc phòng - an ninh.

2.2. Các mục tiêu cụ thể

Các mục tiêu cụ thể được thể hiện trong Phụ lục I.

3. Các nhiệm vụ trọng yếu và các khâu đột phá

- Các nhiệm vụ trọng yếu: Phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững, trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với bảo vệ môi trường; phát triển đô thị Hải Phòng theo hướng đô thị cảng xanh, thông minh, hiện đại và bền vững về sinh thái có kiến trúc và hạ tầng đặc thù; phát triển văn hóa xã hội mang bản sắc riêng của Hải Phòng; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.

- Các khâu đột phá: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế; xây dựng và phát triển đô thị Hải Phòng theo hướng đô thị Cảng xanh, thông minh, hiện đại; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tính kết nối, phát huy vị thế là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc; kết hợp hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với yêu cầu phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ động hội nhập quốc tế.

[...]