Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 32/2013/NQ-HĐND về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội

Số hiệu 32/2013/NQ-HĐND
Ngày ban hành 06/12/2013
Ngày có hiệu lực 16/12/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Ngô Thị Doãn Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2013/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

NÂNG CAO HIỆU LỰC HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 8

(Từ ngày 02/12 đến ngày 06/12/2013)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005;

Xét Tờ trình số 07/TTr-HĐND ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố về giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố, ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Tờ trình của Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội với những nội dung chủ yếu sau:

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân tại kỳ họp:

1.1. Nâng cao chất lượng giám sát các báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân trình tại kỳ họp:

Cơ quan soạn thảo chuẩn bị đầy đủ, chất lượng báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, đảm bảo tuân thủ trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với các đề án, đồ án quan trọng liên quan đến cơ chế, chính sách, quy hoạch, chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, cơ quan soạn thảo gửi tài liệu đến các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố để thẩm tra.

Các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng thẩm tra; báo cáo thẩm tra tập trung phân tích, thể hiện rõ chính kiến về những vấn đề tán thành, không tán thành, những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh, những vấn đề còn ý kiến khác nhau trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, quyết định. Xây dựng cơ chế mời chuyên gia tư vấn những nội dung chuyên sâu, tham khảo các báo cáo phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc về những nội dung liên quan đến thẩm tra.

Chủ tọa kỳ họp điều hành các phiên họp tại hội trường theo hướng rút ngắn thời gian trình bày báo cáo, tăng thời gian thảo luận; phát huy trí tuệ đại biểu, tập trung xem xét, thảo luận những nội dung, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau; yêu cầu cơ quan soạn thảo thực hiện trách nhiệm giải trình đối với những vấn đề đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố quan tâm, qua thảo luận còn ý kiến khác nhau hoặc trong nội dung cáo báo cáo thẩm tra yêu cầu giải trình làm rõ.

1.2. Nâng cao chất lượng giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân Thành phố, nghị quyết của Hội đồng nhân dân quận, huyện, thị xã:

Văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân Thành phố, nghị quyết của Hội đồng nhân dân quận, huyện, thị xã ban hành phải được gửi kịp thời, đầy đủ đến Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố để giám sát.

Các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố tăng cường giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ban theo dõi, phụ trách. Khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân Thành phố, nghị quyết của Hội đồng nhân dân quận, huyện, thị xã có dấu hiệu vi phạm Hiến pháp, Luật, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết Hội đồng nhân dân Thành phố, các Ban chủ động trao đổi với cơ quan ban hành để tiến hành sửa đổi và thực hiện các biện pháp cần thiết khác để khắc phục, đồng thời báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố. Trường hợp cơ quan ban hành văn bản không thực hiện, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, quyết định tại kỳ họp.

1.3. Nâng cao chất lượng chất vấn, trả lời chất vấn:

Tại các kỳ họp, Hội đồng nhân dân Thành phố dành ít nhất 01 ngày để thảo luận báo cáo kết quả thực hiện kết luận chất vấn, tái chất vấn của các kỳ họp trước và thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn.

Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố tổng hợp, chuyển câu hỏi chất vấn của đại biểu đến Ủy ban nhân dân Thành phố để chuẩn bị văn bản trả lời đầy đủ các câu hỏi chất vấn và phân công người trả lời chất vấn. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố lựa chọn một số vấn đề bức xúc, dư luận, cử tri, đại biểu Hội đồng nhân dân quan tâm báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố đưa ra chất vấn trực tiếp tại kỳ họp.

Tại phiên chất vấn, Hội đồng nhân dân Thành phố thực hiện chất vấn theo từng nhóm vấn đề, theo hướng đối thoại, tranh luận, tái chất vấn làm rõ từng vấn đề; đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, ngắn gọn. Người được Ủy ban nhân dân Thành phố phân công trả lời chất vấn, trả lời trực tiếp vào nội dung câu hỏi chất vấn, thời gian hỏi và trả lời theo yêu cầu của Chủ tọa.

Căn cứ kết quả trả lời chất vấn, yêu cầu của đại biểu, Chủ tọa kết luận chất vấn hoặc đề nghị Hội đồng nhân dân Thành phố ra nghị quyết về chất vấn, về trách nhiệm của người trả lời chất vấn, việc thực hiện lời hứa trước Hội đồng nhân dân Thành phố. Kết luận chất vấn của Chủ tọa, nghị quyết chất vấn của Hội đồng nhân dân Thành phố được gửi đến Ủy ban nhân dân Thành phố, các cơ quan liên quan để thực hiện.

Ủy ban nhân dân Thành phố, các tổ chức và cá nhân liên quan, tăng cường trách nhiệm, xem xét, giải quyết đầy đủ, kịp thời những vấn đề đã được đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố chất vấn tại kỳ họp, tổng hợp báo cáo giải quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố tiếp theo.

Tùy theo tình hình và khi đại biểu Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố đề nghị, Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức chất vấn, trả lời chất vấn giữa hai kỳ họp. Thời gian chất vấn, nội dung chất vấn được Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố thông báo trước tới Ủy ban nhân dân Thành phố và các cơ quan liên quan để chuẩn bị:

1.4. Nâng cao chất lượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm:

Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố tăng cường phối hợp với Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố trong công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố giữa hai kỳ họp:

Tăng cường và nâng cao chất lượng các cuộc giám sát chuyên đề, giám sát theo vụ việc của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề bức xúc dư luận, cử tri, nhân dân quan tâm.

[...]