Nghị quyết 22/NQ-HĐND năm 2023 về đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đến năm 2025 và những năm tiếp theo do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 22/NQ-HĐND
Ngày ban hành 25/07/2023
Ngày có hiệu lực 21/07/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Phạm Văn Hậu
Lĩnh vực Thương mại,Lao động - Tiền lương

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/NQ-HĐND

Ninh Thuận, ngày 25 tháng 7 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG, NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG, SỨC CẠNH TRANH CỦA NỀN KINH TẾ ĐẾN NĂM 2025 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA XI KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025;

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 31 tháng 5 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo;

Xét Tờ trình số 78/TTr-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đến năm 2025 và những năm tiếp theo với những nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.

2. Các chỉ tiêu phát triển

- Giai đoạn 2021 - 2025: Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 10-11%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng các ngành: nông, lâm, thủy sản 3-4%/năm; công nghiệp-xây dựng 17-18%/năm; dịch vụ 10-11%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 100-105 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn các thành phần kinh tế và dân cư chiếm khoảng 82-83%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm đạt 10-11%.

- Đến năm 2025: Quy mô nền kinh tế tăng 1,9 lần so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt 113-115 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm, thủy sản chiếm 18-19%; công nghiệp-xây dựng chiếm 42-43%; dịch vụ 39-40%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 33%. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 44-45%; tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh.

3. Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

3.1. Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội; trọng tâm là hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực

- Tổng kết thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023 để báo cáo Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp tình hình mới, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách chênh lệch so với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

- Triển khai Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh.

- Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút, đẩy nhanh tiến độ xúc tiến thu hút đầu tư vào các ngành trụ cột, đột phá, lĩnh vực tỉnh có lợi thế như: kinh tế biển, năng lượng sạch, du lịch, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạ tầng các Khu Công nghiệp Du Long và Phước Nam; các Cụm Công nghiệp Quảng Sơn, Hiếu Thiện, Phước Minh 1 và Phước Minh 2. Thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các Khu, Cụm Công nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lấp đầy đạt trên 50%.

- Đổi mới công tác đào tạo, phát triển nhanh nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; phát triển Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận hướng đến mục tiêu hình thành trường đại học đa ngành sau năm 2030, trước mắt tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh; ưu tiên đầu tư phát triển nhanh Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận thành cơ sở đào tạo trọng điểm của khu vực, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn ASEAN. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo; tăng cường liên kết đào tạo theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn của các nước trong khu vực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

- Triển khai chương trình phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với UBND tỉnh về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2023-2030; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào các lĩnh vực của sản xuất và đời sống. Lựa chọn, tập trung phát triển công nghệ mới, các đề tài, dự án phù hợp với định hướng phát triển của Tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh.

- Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối, nhất là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đường giao thông liên vùng từ Cảng tổng hợp Cà Ná lên khu vực Nam Tây Nguyên; Đường giao thông nối cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ 1; Hồ chứa nước Sông Than; Hệ thống thủy lợi Sông Cái - Tân Mỹ; Bến 1B Cảng tổng hợp Cà Ná; trình phê duyệt và triển khai đầu tư dự án đầu tư Cảng hàng không Thành Sơn theo hình thức PPP; hạ tầng truyền tải điện...

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh, tạo môi trường thu hút đầu tư mạnh mẽ vào tỉnh gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phấn đấu thu hút vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 khoảng 1 - 1,5 tỷ USD.

3.2. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số

a) Cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ

- Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025 diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đạt trên 1.000 ha; công nhận 3-5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tập trung triển khai chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống có chất lượng cao của cả nước. Hoàn thành Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000), Quy hoạch chi tiết (1/500) các vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao An Hải, Nhơn Hải và Sơn Hải và tổ chức xúc tiến đầu tư. Tổ chức sắp xếp lại các cơ sở sản xuất giống thủy sản vào trong khu quy hoạch theo lộ trình, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế và kế hoạch sử dụng đất. Đến năm 2025, ngành nông-lâm nghiệp chiếm 44-45%; thủy sản chiếm 55-56% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

[...]