Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2025 do tỉnh Tây Ninh ban hành

Số hiệu 22/2021/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2021
Ngày có hiệu lực 20/12/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Nguyễn Thành Tâm
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2021/NQ-HĐND

Tây Ninh, ngày 09 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2022, NĂM ĐẦU THỜI KỲ ỔN ĐỊNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ ban hành;

Xét Tờ trình số 4179/TTr-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc ban hành Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị quyết này quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương (sau đây viết tắt là NSĐP) áp dụng cho năm ngân sách 2022 năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước (sau đây viết tắt là NSNN) giai đoạn 2022 - 2025 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội.

2. Đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách mới, thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách tại Nghị quyết này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh; huyện, thị xã, thành phố (sau đây viết tắt là huyện); xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là xã).

2. Cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan đến lập, phân bổ, chấp hành dự toán chi ngân sách nhà nước.

Điều 3. Dự phòng ngân sách

Dự phòng NSĐP của các cấp ngân sách là 2% tổng chi NSĐP.

Trên cơ sở dự toán chi cân đối NSĐP, căn cứ tình hình thực tế, các cấp ngân sách chủ động bố trí dự phòng NSĐP bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 4. Nguyên tắc, tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên

1. Việc xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN phải góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2022 - 2025 theo các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và của tỉnh; đảm bảo lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương theo quy định và mức tiền lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng. Thể hiện tiêu chí ưu tiên phân bổ đối với khối Đảng, cơ quan Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và một số cơ quan quản lý hành chính nhà nước có hoạt động đặc thù thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

2. Phù hợp với khả năng cân đối NSNN năm 2022, kế hoạch tài chính giai đoạn 2022-2025. Thúc đẩy cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, thực hiện sắp xếp bộ máy quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, phấn đấu giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước, sắp xếp bộ máy quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, tinh giản biên chế, thực hiện cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng Sở, ban, ngành và địa phương.

3. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cải cách hành chính nâng cao chất lượng dịch vụ công, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước; góp phần đổi mới quản lý tài chính đối với khu vực sự nghiệp công để giảm mức hỗ trợ trực tiếp cho đơn vị sự nghiệp công lập, tăng nguồn bảo đảm chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận các dịch vụ sự nghiệp công, khuyến khích xã hội hoá, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

4. Tăng cường tính chủ động, gắn với chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách chi ngân sách nhà nước.

5. Tiêu chí phân bổ ngân sách phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, kiểm tra và giám sát; bảo đảm công bằng, công khai và minh bạch.

6. Ngoài thực hiện các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên quy định từ khoản 1 đến khoản 5 điều này; cấp huyện, cấp xã tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí sau:

a) Định mức phân bổ chi thường xuyên của NSĐP được xây dựng cho các lĩnh vực chi theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, đảm bảo chi lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ và mức tiền lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng, hoạt động của cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách được nhà nước ban hành đến 31/8/2021. Từ năm ngân sách 2022, khi Trung ương hoặc Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành hoặc điều chỉnh tăng mức các chính sách an sinh xã hội, chính sách làm tăng chi ngân sách sau thời điểm 31/8/2021, các địa phương sử dụng các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương theo quy định để thực hiện; trường hợp còn khó khăn thì ngân sách cấp tỉnh sẽ hỗ trợ. Trường hợp địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh hoặc sự cố nghiêm trọng, thì địa phương phải chủ động sử dụng dự toán NSĐP, bao gồm cả dự phòng,… theo quy định, để khắc phục; trường hợp vượt quá khả năng cân đối của NSĐP, ngân sách cấp tỉnh sẽ hỗ trợ cho NSĐP.

b) Trường hợp dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản vốn trong nước (không bao gồm chi đầu tư phát triển từ nguồn thu tiền sử dụng đất) và dự toán chi thường xuyên NSĐP tính theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức năm 2022 thấp hơn dự toán năm 2021 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định, Ủy ban nhân dân tỉnh giao trong phạm vi nguyên tắc quy định tại điểm a khoản này và các tiêu chí phân bổ tại Chương II sẽ được hỗ trợ để không thấp hơn. Đối với số hỗ trợ cân đối chi NSĐP, Hội đồng nhân dân cấp huyện được chủ động bố trí cơ cấu chi NSĐP năm 2022 theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển.

[...]