Nghị quyết 218/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2024

Số hiệu 218/NQ-CP
Ngày ban hành 12/11/2024
Ngày có hiệu lực 12/11/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 218/NQ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 10 NĂM 2024

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ, ý kiến các đại biểu dự họp và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2024, tổ chức vào ngày 09 tháng 11 năm 2024.

QUYẾT NGHỊ:

I. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 năm 2024 và 10 tháng năm 2024

Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong tháng 10, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; xung đột quân sự tiếp tục leo thang ở một số khu vực; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, không đồng đều, thiếu vững chắc; thiên tai, biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia. Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lụt gây ra ở nhiều địa phương.

Trước bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, sự đồng hành của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và giúp đỡ của bạn bè quốc tế; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, nhất là Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII; chủ động xử lý những nhiệm vụ, công việc thường xuyên ngày càng nhiều, tích cực giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp với những vấn đề phát sinh. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, tính chung 10 tháng đạt những kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ năm trước trên hầu hết các lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,78% trong bối cảnh đã điều chỉnh giá điện, học phí. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước 10 tháng tăng mạnh, ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ; chi ngân sách nhà nước đạt 66% dự toán năm, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ trong giới hạn cho phép, nợ nước ngoài giảm nhanh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 69,2 tỷ đô la Mỹ (USD), tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng tăng 15,8%, xuất siêu ước đạt 23,31 tỷ USD.

Cả ba khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ duy trì đà tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 đạt 51,2 điểm, cho thấy sản xuất công nghiệp đã phục hồi nhanh sau bão số 3. Nông nghiệp phát triển ổn định; xuất khẩu gạo trong 10 tháng đạt 7,8 triệu tấn với kim ngạch hơn 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về sản lượng và 23,5% về giá trị so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 7,1% so với cùng kỳ, tính chung 10 tháng tăng 8,5%. Du lịch phục hồi mạnh; khách quốc tế đến nước ta 10 tháng đạt khoảng 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3% so với cùng kỳ. Trong tháng 10, có 22,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tính chung 10 tháng là 202,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 10 tháng đạt gần 27,3 tỷ USD, tăng 1,9%, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 19,6 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ, cao nhất trong 05 năm qua. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 03 đột phá chiến lược; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia ngành năng lượng, giao thông. Quyết liệt xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả; thực hiện chuyển giao bắt buộc đối với 02 ngân hàng kiểm soát đặc biệt... Tập trung thực hiện các giải pháp giúp khơi thông nguồn lực, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Công tác an sinh xã hội được tăng cường. Chủ động, kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã xuất cấp gần 21,8 nghìn tấn gạo cứu đói, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tích cực giải ngân gói tín dụng 60 nghìn tỷ đồng cho vay lâm sản, thủy sản, 140 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội; triển khai cho vay mới, hạ lãi suất cho vay với tổng quy mô đăng ký khoảng 405 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả bão số 3, hỗ trợ vay vốn cho hơn 1,9 triệu đối tượng, tạo việc làm cho gần 584 nghìn lao động; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất khoảng 149,1 nghìn tỷ đồng. Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước được triển khai mạnh mẽ.

Lĩnh vực văn hóa được chú trọng. Ngành giáo dục kịp thời động viên, hỗ trợ học sinh trở lại trường, lớp sau thiên tai, bão lũ. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm; bảo đảm cung ứng đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình tiêm chủng mở rộng...

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được chú trọng; đã thành lập các tổ công tác để chỉ đạo giải quyết những vấn đề mới, phức tạp, nhạy cảm; tích cực, chủ động chuẩn bị, bảo đảm tiến độ, chất lượng các báo cáo, đề án, dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 để tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển. Tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh; kỷ luật, kỷ cương hành chính và hoạt động công vụ tiếp tục được chấn chỉnh. Cơ bản hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. An ninh chính trị được bảo đảm; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai chủ động, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, mở ra các cơ hội hợp tác, hướng phát triển mới và tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nền kinh tế nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro và chịu nhiều áp lực lớn; tiếp cận tín dụng còn khó khăn, nợ xấu tăng; giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ. Thị trường bất động sản đã có chuyển biến nhưng chưa rõ nét; áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn. Sản xuất nông nghiệp, du lịch tại một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, bão lũ. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; sức ép cạnh tranh gia tăng. Xuất khẩu dự báo khó khăn hơn trong thời gian tới do yếu tố bên ngoài. Nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý nhưng chưa được kịp thời tháo gỡ. Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật chưa được khắc phục triệt để; còn những quy định pháp luật chồng chéo. Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn trên một số lĩnh vực còn rườm rà. Thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, sụt lún... diễn biến phức tạp, gây thiệt hại về người và tài sản. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên biên giới, lừa đảo qua mạng... còn diễn biến phức tạp.

Qua thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, nhất là: (1) Nắm chắc tình hình trong nước, quốc tế, có phản ứng chính sách kịp thời, tích cực, hiệu quả ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, địa phương, đơn vị. (2) Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành những nhiệm vụ mới, khó, nhạy cảm phải có bản lĩnh với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, sản phẩm đi đôi với kiểm tra, giám sát, đánh giá, xử lý kịp thời các vướng mắc. (3) Xác định tháo gỡ vướng mắc về thể chế là “đột phá của đột phá” trong quá trình phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phát huy sự chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp, ngành, địa phương; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. (4) Coi trọng thời gian, coi trọng trí tuệ, coi trọng tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược và hành động quyết liệt, hiệu quả. (5) Làm tốt công tác thông tin, truyền thông để truyền cảm hứng, tạo động lực, khí thế mới, niềm tin và đồng thuận xã hội.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó đoán định, tiếp tục xu hướng phân tách, phân mảnh và cạnh tranh chiến lược; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại; rủi ro về tài chính, tiền tệ, bất động sản, thách thức về an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, nhất là trước tác động lớn từ bên ngoài; thiên tai, bão lũ, sạt lở đất tiềm ẩn diễn biến bất ngờ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân.

Trước tình hình đó, trong tháng 11 và thời gian còn lại của năm 2024, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt nghiêm, thực hiện toàn diện, hiệu quả hơn nữa các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, nhất là Kết luận số 97-KL/TW ngày 05 tháng 10 năm 2024 của Hội nghị Trung ương 10 và tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, khơi thông nguồn lực để phát triển, chống lãng phí và các định hướng chiến lược để đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, phát triển toàn diện, bứt phá và cất cánh; tranh thủ các yếu tố thuận lợi, kịp thời giải quyết khó khăn, hóa giải thách thức thành thời cơ, kiên trì các mục tiêu đề ra, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt khoảng 7,4 - 7,6%, cả năm đạt trên 7% và hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024; trong đó chú trọng các nội dung sau:

1. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

a) Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao:

(1) Theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc thay đổi và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn để phân tích, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn để phục vụ chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện. Phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác, thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

(2) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước. Thực hiện quyết liệt các biện pháp thu ngân sách nhà nước năm 2024, phấn đấu vượt ít nhất thêm 15% dự toán Quốc hội giao; thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá trốn thuế, đặc biệt trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh ăn uống... bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu. Triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu.

(3) Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá cả theo quy định của pháp luật và phù hợp thị trường để kiểm soát, bình ổn giá cả, thị trường. Triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết, công khai thông tin về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

(1) Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2024.

(2) Sớm tổng kết, đánh giá và tham mưu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất trong năm 2025 để có thể triển khai ngay từ đầu năm, nhất là việc tiếp tục gia hạn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025 để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo xử lý, bảo đảm thời hạn yêu cầu.

[...]