Thông báo 468/TB-VPCP năm 2024 kết luận Phiên họp lần thứ năm của Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 468/TB-VPCP
Ngày ban hành 15/10/2024
Ngày có hiệu lực 15/10/2024
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sỹ Hiệp
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 468/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN PHIÊN HỌP LẦN THỨ NĂM CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CAM KẾT CỦA VIỆT NAM TẠI HỘI NGHỊ LẦN THỨ 26 CÁC BÊN THAM GIA CÔNG ƯỚC KHUNG CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Ngày 02 tháng 10 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp lần thứ năm của Ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các Bộ trưởng: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày báo cáo tổng hợp kết quả triển khai thực hiện các công việc của Ban Chỉ đạo trong thời gian qua, những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; việc triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và thực hiện Sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC); báo cáo của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ; ý kiến phát biểu tham luận của các Bộ, cơ quan có liên quan và ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Ban Chỉ đạo kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan, hậu quả ngày càng lớn; chống biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách, không thể thực hiện bởi một quốc gia thực hiện mà cần tiếp cận công bằng, toàn cầu và toàn dân. Kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng thời gian qua là rất đáng trân trọng, khá toàn diện trên các mặt, cả về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; thu hút nguồn lực; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; triển khai các dự án, hành động cụ thể, được cộng đồng quốc tế và nhân dân cả nước đánh giá cao. Trong thành quả chung của đất nước về phát triển kinh tế - xã hội, có sự đóng góp của công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.

Các nội dung cam kết tại Hội nghị COP26 đã được nhanh chóng thể chế, cụ thể hoá bằng các văn bản quy phạm pháp luật, được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch và các đề án cụ thể. Chính phủ, các Bộ, cơ quan đã xây dựng và triển khai đồng bộ, toàn diện các chương trình, kế hoạch hành động từ Trung ương đến địa phương theo hướng phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng.

Nhận thức về nguy cơ, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt, từ đó đã chủ động, tích cực tham gia một cách trách nhiệm, hiệu quả vào các hoạt động bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng được đẩy mạnh. Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu với tiềm lực kinh tế mạnh, công nghệ cao, công nghệ ít phát thải khí nhà kính đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo; phát triển nguồn và lưới điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; phát triển giao thông xanh, xây dựng xanh, nông nghiệp xanh. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút hơn 20 tỷ USD vốn FDI giúp chuyển dịch theo hướng xanh hóa, tỷ lệ giải ngân cũng cao hơn năm trước.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã vào cuộc tích cực cùng với sự tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong nỗ lực chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ còn có những tồn tại, hạn chế. Việc tham gia thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng còn chưa đồng đều, toàn diện, việc triển khai ở một số nơi còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Việc triển khai các nhiệm vụ được giao của các Nhóm công tác hỗ trợ thực hiện JETP còn chậm. Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP đã được công bố tại Hội nghị COP28 nhưng việc xây dựng, đàm phán và triển khai các dự án cụ thể vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Việc xây dựng cơ chế, chính sách, quy định ưu tiên cho chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng đã được quan tâm hơn nhưng tiến độ còn chậm. Việc xây dựng mới, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành của pháp luật nhằm đón dòng vốn tín dụng, khuyến khích đầu tư vào các dự án, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng chưa đạt tiến độ đề ra và chưa được thực hiện với tư duy mới.

Trong thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành cần tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế; cần đổi mới tư duy, phương pháp luận xây dựng chính sách và đề xuất điều chỉnh khi chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, tạo sự thông thoáng, mở rộng không gian cho phát triển.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc xu thế toàn cầu này, phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng sạch vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Cần kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để thực hiện cho được các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân. Huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế là rất quan trọng.

1. Về quan điểm chỉ đạo

Trong chỉ đạo, điều hành triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết tại COP26, cần thống nhất một số quan điểm cơ bản sau đây:

a) Chống (ứng phó) với biến đổi khí hậu là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược; để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đặt ra nhằm thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26, phải có sự quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

b) Cần phải đa dạng hoá nguồn lực thực hiện. Ngoài việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước, cần khẩn trương xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân, từ các đối tác phát triển, nhà đầu tư nước ngoài; cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công tư.

c) Chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế với cách tiếp cận toàn diện, toàn dân, toàn cầu, phải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Mọi chính sách đều phải hướng đến người dân, lấy người dân là chủ thể, là trung tâm; người dân phải được tham gia, hưởng thụ thành quả của sự phát triển.

2. Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới

Trong thời gian tới cần tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

a) Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế các-bon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn bảo đảm kịp thời và tạo sự thông thoáng.

b) Hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn lực, nhất là nguồn lực hợp tác công - tư, nguồn lực ngoài nhà nước cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế các-bon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

c) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ở nước ta, trong đó có phát triển công nghiệp phụ trợ, trang thiết bị để sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, hydrogen xanh, amoniac xanh và các công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ các-bon (CCUS).

d) Xây dựng các phương thức quản trị mới, quản trị thông minh, quản lý chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực để triển khai thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26 và chuyển đổi năng lượng công bằng; học hỏi kinh nghiệm quốc tế về xây dựng thể chế, chuyển giao công nghệ.

đ) Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm bắt những công nghệ mới để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng công bằng.

3. Một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể

[...]