Nghị quyết 210/2021/NQ-HĐND về Chương trình an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 210/2021/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/12/2021
Ngày có hiệu lực 20/12/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đỗ Trọng Hưng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 210/2021/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 10 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 20 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Xét Tờ trình số 294/TTr-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo số 1157/BC-VHXH ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc ban hành Chương trình an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021 - 2025; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành Chương trình an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025 với các nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát

Chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường lao động; ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe người lao động; nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật của người sử dụng lao động và người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

2. Mục tiêu cụ thể

- Trung bình hằng năm giảm 5% tn suất tai nạn lao động chết người.

- 100% người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động ở các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động; 100% người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động ở xã, phường, thị trấn được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động.

- 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

- 100% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sơ cu, cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng.

- 90% trở lên số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

- 100% số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại được hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

- 100% an toàn, vệ sinh viên được huấn luyện, bảo đảm được tiếp cận thông tin về phương pháp kỹ năng hoạt động.

- 60% trở lên người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được cập nhật, phổ biến kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động.

- 100% số làng nghề, hợp tác có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động.

- Trung bình hằng năm hỗ trợ tăng thêm 20 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống an toàn, vệ sinh lao động.

- 100% người lao động làm việc tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

- 100% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động.

- 100% cơ sở lao động có sử dụng amiăng được giám sát, quan trắc môi trường lao động, người lao động tiếp xúc với amiăng được quản lý sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

[...]