Nghị quyết 20/NQ-HĐND năm 2023 kết quả giám sát thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 20/NQ-HĐND
Ngày ban hành 25/04/2023
Ngày có hiệu lực 25/04/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Dương Văn Trang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/NQ-HĐND

Kon Tum, ngày 25 tháng 4 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

KẾT QUẢ GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH TRỒNG RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA XII KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về bổ sung Chương trình giám sát 6 tháng cuối năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 12/7/2021 của HĐND tỉnh về thành lập Đoàn giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

Xét Báo cáo số 52/BC-ĐGS ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu trồng rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung báo cáo của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum tại báo cáo số 52/BC-ĐGS ngày 29/12/2022, với các nội dung sau:

1. Kết quả đạt được

Công tác trồng và phát triển rừng đã được cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, đã bám sát mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề để tổ chức thực hiện.

Đến hết tháng 9/2022, diện tích rừng trồng tập trung trong 02 năm 2021 và 2022 đạt 9.495,4ha1; trồng rừng phân tán đạt 1.643,337 ha2; bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc trồng và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội; ý thức bảo vệ, gìn giữ rừng được nâng lên rõ rệt, giảm thiểu lối suy nghĩ tự do khai thác rừng cũng như các hành vi xâm hại rừng.

Một số chủ rừng là tổ chức nhà nước đã chủ động kêu gọi xã hội hóa trồng rừng trong nội bộ đơn vị, liên doanh liên kết với người dân địa phương để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, góp phần thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, tạo sinh kế bền vững cho người lao động, người dân sống gần rừng.

2. Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân

2.1. Những hạn chế, bất cập

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa được thường xuyên, quyết liệt. Tình trạng chồng lấn đất canh tác, xâm lấn rừng để lấy đất sản xuất ở một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm. Một số nơi báo cáo người dân trồng rừng trên đất trống nhưng khi giám sát, đối chiếu với kết quả kiểm kê rừng năm 2014 và bản đồ theo dõi kết quả diễn biến hiện trạng rừng (có tích hợp bản đồ quy hoạch 3 loại rừng) thì đó lại là diện tích rừng tự nhiên (hiện trạng không còn rừng) hoặc đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng3.

- Việc rà soát quỹ đất trồng rừng ở một số địa phương còn chậm và chưa sát thực tế4. Một số địa phương chưa quan tâm triển khai phương án xử lý đất chồng lấn, đất lấn chiếm trong lâm phần các đơn vị chủ rừng giao về cho địa phương sử dụng5.

- Công tác lập hồ sơ, thực hiện quy trình triển khai dự án lâm nghiệp có nơi còn chậm6. Việc phối hợp giữa cấp xã với người dân có lúc, có nơi chưa đồng bộ, chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật trồng rừng; có nơi cấp cây giống không đúng thời vụ trồng rừng, hỗ trợ cây giống nhưng không hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật kèm theo hoặc trồng xong mới hỗ trợ phân bón, thuốc BVTV,... dẫn đến diện tích rừng trồng và cây phân tán có tỷ lệ cây sống đạt thấp7.

- Hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình trồng rừng, chất lượng giống cây trồng và xuống giống tại một số địa phương, đơn vị chưa kịp thời, chặt chẽ8; có địa phương để người dân trồng rừng trên đất đang trồng cây nông nghiệp9 dẫn đến khi thu hoạch sản phẩm nông nghiệp làm giảm chất lượng, diện tích rừng trồng.

- Công tác nghiệm thu, thanh quyết toán và lưu trữ hồ sơ có nơi chưa đảm bảo quy định10.

2.2. Nguyên nhân

a) Nguyên nhân khách quan:

- Rừng trồng có chu kỳ kinh doanh dài, tiêu thụ sản phẩm có lúc gặp khó khăn, giá tiêu thụ không ổn định nên chưa thật sự khuyến khích người dân tham gia phát triển rừng, tích lũy vốn đầu tư dài hạn vào trồng rừng.

- Một số chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp không còn phù hợp hoặc đã hết hiệu lực nhưng chưa được sửa đổi, điều chỉnh kịp thời.

- Đến nay, tỉnh chưa có chính sách ưu tiên cho sản xuất lâm nghiệp, kinh phí trồng rừng chủ yếu từ ngân sách trung ương, huy động nguồn vốn xã hội hóa rất hạn chế.

- Định mức thuê tư vấn theo quy định tại Quyết định 38/2016/QĐ-TTg thấp (chỉ 300.000 đồng/ha) nên việc hợp đồng với đơn vị tư vấn để lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán trồng rừng và số hóa bản đồ hoàn công gặp nhiều khó khăn.

- Chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, lực lượng trực tiếp làm công tác quản lý bảo vệ rừng ở cơ sở chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao11.

b) Nguyên nhân chủ quan:

- Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Năng lực của một số chủ dự án trồng rừng cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong việc lập và triển khai dự án trồng rừng.

[...]