Nghị quyết 19/NQ-HĐND về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2024 do Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 19/NQ-HĐND
Ngày ban hành 02/07/2024
Ngày có hiệu lực 02/07/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, ĐẢM BẢO AN NINH, QUỐC PHÒNG VÀ THU, CHI NGÂN SÁCH 6 THÁNG CUỐI NĂM 2024

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 17

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Xét các báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Tòa án nhân dân Thành phố, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố; báo cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố; ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và thông qua nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của thành phố Hà Nội như các báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố và các cơ quan trình Hội đồng nhân dân Thành phố.

Hội đồng nhân dân Thành phố nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, các cấp, ngành, doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô phấn đấu cao nhất để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, trọng tâm là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, Hội đồng nhân dân Thành phố nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Bảo đảm tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô; Kiểm soát lạm phát; Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

a) Tập trung khai thác các biện pháp đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế:

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả chính sách của Trung ương về miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; Triển khai công tác đấu giá tại các quận, huyện, thị xã đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch. Thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu. Cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ; chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Kiểm soát tốt giá cả, thị trường; Đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra giám sát, thực hiện quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế thông qua chuyển đổi số đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu. Cung cấp điện an toàn, ổn định cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa cao điểm nắng nóng. Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia (Tổng sơ đồ VIII).

b) Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và kế hoạch trung hạn 2021-2025

Rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công bám sát thực tiễn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm. Thực hiện điều chuyển vốn từ các dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, các dự án chậm triển khai, tỷ lệ giải ngân thấp, không khắc phục được các vướng mắc sang các dự án có khả năng thực hiện, hấp thụ vốn tốt hơn.

Tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.

c) Tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, khai thác thị trường tiềm năng

Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng xuất khẩu; tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh ký kết các hợp đồng xuất khẩu; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 4-5%.

Đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng. Tăng cường tổ chức hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong đó chú trọng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy mạnh lưu thông các sản phẩm hàng hóa của Hà Nội, nhất là sản phẩm OCOP. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án TTTM Aeon Mall quận Hoàng Mai, các thủ tục đầu tư dự án TTTM Aeon Mall quận Bắc Từ Liêm. Phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại hiện đại khu vực ngoại thành. Phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt.

Xây dựng, triển khai đề án phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, hoàn thiện tuyên du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đồng Tử. Phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hoà - Mỹ Đức. Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau. Đẩy mạnh triển khai kế hoạch xúc tiến du lịch tại các thị trường trong nước và quốc tế theo hướng chuyên nghiệp, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Hoàn thành Chương trình chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2030. Đẩy nhanh tiến độ khởi công, đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghiệp để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại các khu, cụm công nghiệp, trong đó ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; tập trung vào các ngành công nghiệp bán dẫn.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nội ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Hoàn thành kế hoạch vụ Mùa và vụ Đông, tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, sản xuất rau theo VietGAP, rau hữu cơ. Triển khai hiệu quả Chương trình OCOP năm 2024, phấn đấu hết năm 2024 đánh giá phân hạng khoảng 400 sản phẩm OCOP. Trình Thủ tướng Chính phủ công nhận ít nhất 04 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; quyết định công nhận ít nhất 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.

Phát triển loại hình kinh tế đêm thông qua các loại hình dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí... Thúc đẩy phát triển kinh tế số, thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ số trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ... Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách thể chế phục vụ cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, ứng dụng phục vụ chuyển đổi số. Ban hành Chiến lược dữ liệu thành phố Hà Nội đến năm 2030; điều chỉnh, bổ sung danh mục cơ sở dữ liệu của Thành phố.

3. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển KTXH

[...]