Nghị quyết 187/NQ-HĐND năm 2015 thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 187/NQ-HĐND
Ngày ban hành 07/07/2015
Ngày có hiệu lực 07/07/2015
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Vương Mí Vàng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 187/NQ-HĐND

Hà Giang, ngày 07 tháng 07 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Sau khi xem xét Tờ trình số 59/TTr-UBND ngày 18/6/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Nghị quyết thông qua “Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020 định hướng đến năm 2030” và Báo cáo thẩm tra số 142/BC-KTNS ngày 05/7/2015 của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh;

Hội đồng nhân dân tỉnh đã thảo luận và nhất trí,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (có các nội dung chủ yếu của Quy hoạch kèm theo Nghị quyết này).

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07 tháng 7 năm 2015.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang khóa XVI - Kỳ họp thứ 15 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu - UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- TTr. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI;
- Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh;
- TTr. HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Báo Hà Giang; Đài PTTH tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh; TT Công báo - Tin học tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Vương Mí Vàng

 

QUY HOẠCH

BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Nghị quyết số 187/NQ-HĐND ngày 07/7/2015 của HĐND tỉnh Hà Giang)

Nội dung chính của Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 bao gồm:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn các nguồn gen tự nhiên nguy cấp quý hiếm, các nguồn gen cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học một cách hợp lý, khoa học,... duy trì và phát triển dịch vụ chi trả môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng. Bảo tồn đa dạng sinh học có sự tham gia của cộng đồng và người dân địa phương cùng chia sẻ lợi ích trong việc bảo tồn, gắn quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển du lịch và phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức công dân nhất là thế hệ trẻ về tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đến năm 2020

- Thành lập hệ thống Khu bảo tồn bao gồm chuyển tiếp 01 khu dự trữ thiên nhiên; mở rộng 01 khu dự trữ thiên nhiên; thành lập mới 01 vườn Quốc gia; thành lập mới 02 khu bảo tồn loài - sinh cảnh.

- Bảo vệ và phát triển bền vững diện tích các hệ sinh thái rừng tự nhiên, bao gồm hệ sinh thái rừng kín thường xanh ôn đới trên núi cao (trên 1.600m), hệ sinh thái rừng kín thường xanh hỗn giao lá rộng - lá kim á nhiệt đới trên núi trung bình (độ cao 600-1600m); hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới cây lá rộng trên núi thấp (ở độ cao dưới 600m); hệ sinh thái rừng tre nứa thuần loại và hỗn giao; hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi.

[...]