Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 179/NQ-HĐND năm 2007 phê chuẩn định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2007 – 2011 và tầm nhìn đến năm 2020

Số hiệu 179/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/12/2007
Ngày có hiệu lực 10/12/2007
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Thào Xuân Sùng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 179/NQ-HĐND

Sơn La, ngày 10 tháng 12 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÂY CAO SU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2007 – 2011 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHOÁ XII, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đất đai, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi);

Căn cứ Chỉ thị số 1339/CT-BNN ngày 17/5/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Phát triển cây cao su trong thời gian tới;

Căn cứ Thông tư số 80/2007/TT-BNN, ngày 24/9/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp gắn với chế biến tiêu thụ nông lâm sản và thủ tục hỗ trợ sản xuất đối với các vùng tái định cư thuỷ điện Sơn La;

Xét Tờ trình số 156/TTr-UBND ngày 30/11/2007 của UBND tỉnh, về việc phê chuẩn định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2007 - 2011 và tầm nhìn đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra số 311/BC-KTNS ngày 03/12/2007 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê chuẩn định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2007 - 2011 và tầm nhìn đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

Phát triển cao su phải có bước đi phù hợp, có giải pháp đồng bộ, trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn, gắn với công nghiệp chế biến tạo ra sản phẩm hàng hoá xuất khẩu có sức cạnh tranh; phát triển cây cao su phải được sự đồng thuận của nhân dân không chủ quan nóng vội phát triển tự phát theo phong trào dễ dẫn đến rủi do thất bại.

2. Mục tiêu

Phát triển vùng cây cao su trở thành cây xoá đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu cho nhân dân các dân tộc vùng nông nghiệp nông thôn gắn với việc xây dựng hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực; chuyển đổi một phần diện tích đất nông lâm nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang trồng, kinh doanh cây cao su; dần chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp trong vùng sang làm công nhân cao su và dịch vụ. Xây dựng mô hình làng công nhân, bản công nhân. Phấn đấu trồng 20 nghìn ha vào năm 2011 và 50 nghìn ha vào năm 2020.

II. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH

Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đất sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh đến năm 2011 để trồng 20.000 ha cây cao su, đến năm 2020 trồng 30.000 ha để đến năm 2020 toàn tỉnh có 50.000 ha, với yêu cầu cơ bản sau:

1. Diện tích quy hoạch trồng cao su phải đảm bảo liền vùng, liền khoảnh có quy mô vùng tập trung từ 50 ha trở lên; đáp ứng được các tiêu chuẩn về độ cao tuyệt đối nhỏ hơn 700 m, độ dốc dưới 300. Trường hợp ngoài các tiêu chuẩn trên phải có ý kiến của Công ty cổ phần cao su Sơn La.

2. Quy hoạch trồng cây cao su trên diện tích các loại đất nông lâm nghiệp đã giao cho cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng, các tổ chức và đất giao cho các Nông lâm trường.

2.1. Đất trồng cây nông lâm nghiệp

- Đất rừng trồng không thành rừng; Đất lâm nghiệp khoanh nuôi tái sinh kém hiệu quả (theo tiêu chuẩn tại Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT);

- Đất trồng cây hàng năm.

- Đất trồng cây lâu năm (cây công nghiệp, cây ăn quả .v.v.) hiệu quả kinh tế thấp.

2.2. Đất trống, đồi núi trọc; đất chưa sử dụng: Rà soát diện tích đất trống đồi núi trọc, đất chưa sử dụng đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn trồng cao su thì quy hoạch trồng cây cao su.

3. Quy hoạch 05 vùng nguyên liệu tập trung gắn với 05 nhà máy chế biến, với tổng diện tích 50.000 ha. Chia làm 2 giai đoạn:

3.1. Giai đoạn 1 (2007-2011): Quy hoạch 03 vùng nguyên liệu với 03 nhà máy chế biến, với tổng diện tích 20.000 ha:

- Vùng I: Huyện Mường La, Mai Sơn và Thị xã Sơn La: 6.700 ha.

- Vùng II: Huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu: 5.000 ha.

[...]