Nghị quyết 175/NQ-HĐND năm 2022 về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do tỉnh Bắc Ninh ban hành

Số hiệu 175/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2022
Ngày có hiệu lực 09/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Quốc Chung
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 175/NQ-HĐND

Bắc Ninh, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
KHÓA XIX, KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Xét Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí với đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022; Kế hoạch phát triển năm 2023 được nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh trình tại kỳ họp; đồng thời khẳng định nhiều kết quả nổi bật đạt được cũng như một số hạn chế, tồn tại, nguyên nhân của năm 2022; xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2023, cụ thể như sau:

I. Đánh giá khái quát

1. Kết quả đạt được

Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2022, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương; với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của Hội đồng nhân dân và chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân, sự nỗ lực cố gắng của cộng đng doanh nghiệp và nhân dân, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, chủ động, tích cực, sáng tạo; quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả Chủ đề công tác năm: “Tiếp tục đoàn kết - sáng tạo - kỷ cương - trách nhiệm; Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19; Phát triển kinh tế - xã hội bền vững; Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị” và các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

(1) Tích cực thực hiện tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Kinh tế tăng trưởng khá, vượt kế hoạch đề ra, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,39% so với năm 2021; sản xuất công nghiệp tăng 9,5%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 28%; dư nợ tín dụng tăng 14%; năng suất lúa tăng 0,3 tạ/ha; xây dựng nông thôn mới nâng cao và sản phẩm OCOP được đẩy mạnh.

(2) Bắc Ninh vinh dự được đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng về thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh. Tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng như Lễ kỷ niệm “190 năm thành lập, 25 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất”; 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ; Hội nghị Văn hóa tỉnh Bắc Ninh; đăng cai 4 môn thi đấu SEA Games 31.

(3). Tăng cường hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch công tác quản lý vốn đầu tư công. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị theo chủ đề công tác năm. Đẩy nhanh thủ tục, tiến độ xây dựng các dự án lớn, các công trình trọng điểm và các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Bệnh viện Sản - Nhi mở rộng; Đường ĐT 295C, ĐT 277...).

(4) Quyết tâm thực hiện hiệu quả chủ đề công tác của năm về nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đã hoàn thiện, trình thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045. Phê duyệt điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030. Hoàn thành đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du và chương trình hỗ trợ về nhà ở cho 684 hộ người có công với cách mạng và 195 hộ nghèo.

(5) Phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn đều được nâng cao, điểm trung bình tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 đứng thứ 6 toàn quốc, tăng 13 bậc so với năm 2021; đứng thứ Nhất cả nước về số giải Nhất và tỷ lệ đạt giải tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm 2022; lần đầu tiên có học sinh tham dự và đạt Huy chương Bạc Olympic Vật lý Quốc tế (IPhO); 1 học sinh đạt Huy chương Bạc Olympic Vật lý châu Âu...

(6) Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả; hoàn thành 100% kế hoạch hỗ trợ tiền thuê nhà cho 163.619 người lao động đủ điều kiện, đã giải ngân trên 199 tỷ đồng. Đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Nâng cao chất lượng công tác y tế dự phòng, quyết tâm kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 theo chủ đề công tác năm và các bệnh truyền nhiễm khác.

(7) Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xử lý phản ánh kiến nghị trên thiết bị di động; chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) đứng thứ 4 toàn quốc.

(8) Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 đứng thứ 7 toàn quốc, tầng 03 bậc; Chsố hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đứng thứ 7, tăng 2 bậc; chỉ số thành phần về cải cách thủ tục hành chính trong chỉ số Par Index vượt lên đứng thứ nhất cả nước.

(9) Công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; đôn đốc thực hiện Kết luận, Quyết định sau thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả cao. Công tác tiếp công dân được duy trì nề nếp, linh hoạt; thường xuyên rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài, tập trung cao công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

(10) Quân sự, quốc phòng địa phương được đảm bảo, chuẩn bị tốt nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định; kiềm chế sự gia tăng tội phạm. Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

2.1. Tồn tại, hạn chế

- Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch đề ra (6/15 chỉ tiêu).

- Việc thực hiện một số dự án, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm so với yêu cầu, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

- Việc triển khai thành lập và đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp theo quy hoạch được duyệt còn còn chậm.

- Sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước có hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ chưa cao.

- Các chính sách phát triển hạ tầng thương mại mang tính khuyến khích, định hướng, chưa giá trị thực thi bắt buộc, thiếu nguồn lực để thực hiện đầu tư.

- Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán, kinh doanh diễn ra phổ biến và có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy mất an ninh, trật tự, an toàn giao thông nhất là ở các trung tâm đô thị, khu vực có nhiều công nhân và đông dân cư.

[...]