Nghị quyết 37/NQ-HĐND năm 2022 về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tỉnh Bắc Giang

Số hiệu 37/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2022
Ngày có hiệu lực 09/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Thị Thu Hồng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/NQ-HĐND

Bắc Giang, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 TỈNH BẮC GIANG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
KHÓA XIX, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Trên cơ sở xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2023; Báo cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. HĐND tỉnh thống nhất với nhận định: Năm 2022, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; song nhờ sự vào cuộc quyết liệt, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy; sự chủ động, tích cực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực. Nhiều chỉ tiêu chủ yếu cao hơn bình quân chung của cả nước. Kinh tế phát triển toàn diện đối với các địa phương và hầu hết các ngành kinh tế; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 19,3%, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 2 cả nước. Chất lượng tăng trưởng một số mặt được cải thiện. Công nghiệp phục hồi nhanh và vững chắc. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định. Dịch vụ phát triển sôi động. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khá. Vốn đầu tư được tăng cường quản lý, phát huy hiệu quả; hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện đáng kể. Các nguồn lực tài nguyên được quan tâm, sử dụng hiệu quả hơn; công tác bảo vệ môi trường được chú trọng.

Công tác phát triển văn hóa được quan tâm, chú trọng hơn. Nhiều sự kiện văn hóa thể thao mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức thành công đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của tỉnh. Chất lượng giáo dục, y tế được duy trì; an sinh xã hội được đảm bảo. Công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả; Bắc Giang nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 đạt cao nhất cả nước. Công tác chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính đạt được kết quả tích cực. Hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương được nâng lên; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài được giải quyết; các vụ việc phát sinh được ứng phó kịp thời. Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo được chú trọng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Tăng trưởng kinh tế cao song có xu hướng chậm lại. Một số chỉ tiêu thành phần không đạt kế hoạch đề ra. Một số tồn tại, hạn chế kéo dài chậm được khắc phục, kết quả chưa có chuyển biến rõ nét, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; đầu tư hạ tầng KCN, CCN, hạ tầng dịch vụ, thiếu đất san lấp..... Việc triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Sản xuất công nghiệp phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế FDI. Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp gặp khó khăn. Quỹ đất công nghiệp thiếu; hạ tầng KCN, CCN chậm được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ. Hạ tầng thương mại dịch vụ còn yếu, phân tán và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Công tác bảo vệ rừng có nơi, có lúc chưa đáp ứng yêu cầu. Việc cải thiện môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn nhiều thách thức đặt ra. Chất lượng thu hút đầu tư còn hạn chế. Công tác hậu kiểm sau đầu tư chưa được quan tâm dẫn đến nhiều dự án xảy ra sai phạm. Công tác quản lý thị trường bất động sản còn nhiều bất cập. Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Kết quả xử lý vi phạm đất đai chưa đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra. Việc triển khai xây dựng, thu hút các nhà máy xử lý rác thải còn vướng mắc.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững còn một số mặt hạn chế. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; thu nhập của công nhân lao động giảm. Quy mô, năng lực tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm. Chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo của một số địa phương còn hạn chế; tình trạng công dân tập trung khiếu kiện còn xảy ra. Một số loại tội phạm tăng; vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, nhất là khai thác đất trái phép, ngoài phép xảy ra ở một số địa phương. Trật tự an toàn giao thông còn tiềm ẩn phức tạp.

Điều 2. HĐND tỉnh nhất trí thông qua mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, cụ thể là:

1. Mục tiêu tổng quát:

Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh. Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tăng cường rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển. Đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật, đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội; đẩy mạnh hợp tác đối ngoại, nâng cao uy tín, vị thế của tỉnh.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

* Về kinh tế:

(1) Phấn đấu tốc độ tăng GRDP đạt 14,5%, trong đó Công nghiệp - xây dựng tăng 18,6% (Công nghiệp tăng 20%, xây dựng tăng 7,5%); Dịch vụ tăng 7,5%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1%; Thuế sản phẩm tăng 8%.

Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng 64,4%; Dịch vụ (bao gồm cả Thuế sản phẩm) 22,2%; Nông, lâm nghiệp, thủy sản 13,4%;

(2) GRDP bình quân đầu người đạt 3.850 USD;

(3) Tốc độ tăng năng suất lao động 11,9%;

(4) Thu ngân sách nhà nước đạt 15.043 tỷ đồng;

(5) Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 88,6 nghìn tỷ đồng;

(6) Giá trị sản xuất/01ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 135-140 triệu đồng;

(7) Khách du lịch 1,5 triệu lượt;

(8) Tỷ lệ dân số đô thị đạt 23,7%;

(9) Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 84,6%; huyện đạt chuẩn nông thôn mới: lũy kế 5 huyện.

* Về văn hóa - xã hội:

(10) Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 94,9%, mức độ 2 đạt 24%;

(11) Số giường bệnh/10.000 dân (không tính giường của TYT xã và PKĐKKV) đạt 31,8 giường; tỷ lệ người dân có thẻ BHYT đạt 99,26%; 40% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH;

[...]