Nghị quyết 172/2024/QH15 chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do Quốc hội ban hành

Số hiệu 172/2024/QH15
Ngày ban hành 30/11/2024
Ngày có hiệu lực 14/01/2025
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Trần Thanh Mẫn
Lĩnh vực Đầu tư,Giao thông - Vận tải

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 172/2024/QH15

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO TRÊN TRỤC BẮC - NAM

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 16/2023/QH15;

Căn cứ Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2020/QH14, Luật số 72/2020/QH14 và Luật số 03/2022/QH15;

Căn cứ Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025;

Sau khi xem xét Tờ trình số 767/TTr-CP ngày 10 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra số 3339/BC-UBKT15 ngày 12 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Báo cáo số 1112/BC-UBTVQH15 ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các tài liệu liên quan và ý kiến của các đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1

Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (sau đây gọi là Dự án).

Điều 2

1. Mục tiêu:

Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông - Tây và các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng.

2. Phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư:

a) Phạm vi: Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh;

b) Quy mô: đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 05 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết;

c) Hình thức đầu tư: đầu tư công.

3. Công nghệ: áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.

4. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất và số dân tái định cư:

a) Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 10,827 ha, gồm: đất trồng lúa khoảng 3.655 ha, đất lâm nghiệp khoảng 2.567 ha và các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605 ha. Trong đó: đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 3.102 ha; rừng đặc dụng khoảng 243 ha, rừng phòng hộ khoảng 653 ha, rừng sản xuất khoảng 1.671 ha;

b) Sơ bộ số dân tái định cư khoảng 120.836 người.

5. Sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn:

a) Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 1.713.548 tỷ đồng (một triệu, bảy trăm mười ba nghìn, năm trăm bốn mươi tám tỷ đồng);

b) Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.

6. Tiến độ thực hiện: lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành Dự án năm 2035.

Điều 3

Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt sau đây:

[...]