Nghị quyết 171/NQ-HĐND năm 2022 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do tỉnh Gia Lai ban hành

Số hiệu 171/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2022
Ngày có hiệu lực 09/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Hồ Văn Niên
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 171/NQ-ND

Gia Lai, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
KHÓA XII - KỲ HỌP THỨ CHÍN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Trên cơ sở xem xét các báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh; thông báo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; báo cáo của Viện Kim sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh; Cục Thi hành án dân sự tỉnh; Báo cáo thm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành Báo cáo số 74/BC-HĐND ngày 01/12/2022 của Thường trực HĐND tỉnh “về tình hình hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2023”; Báo cáo số 164/BC- UBND ngày 21/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh “về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023”.

1. Về tình hình thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm 2022

Trong năm 2022, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lạm phát tăng cao, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, lãi suất cho vay, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực, đời sống người dân; tình hình khu vực và thế giới có những biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường; nhưng được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; sự lãnh đạo của Tỉnh ủy; sự giám sát, đồng hành của Hội đồng nhân dân tỉnh; sự phối hợp tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo, điều hành thống nhất, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nên đã cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm năm 2022.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP đạt 9,27%; các chỉ tiêu về giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu... đều tăng so với cùng kỳ; du lịch tiếp tục khởi sắc. Các hoạt động văn hóa - xã hội và an sinh được quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh và ngày càng đạt hiệu quả hơn. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được triển khai kịp thời, đúng đối tượng; đời sống đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Có 02 chỉ tiêu chính không đạt so với nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra[1] và 02 chỉ tiêu phụ không đạt[2]; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; việc triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết một số khu vực chậm; lập Quy hoạch sử dụng đất, Kế hoạch sử dụng đất toàn tỉnh và một số địa phương chậm phê duyệt; số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đưa vào hoạt động còn ít; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; tình trạng vi phạm lâm luật, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra; tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, công chức chưa cao đối với nhiệm vụ được giao; sự vào cuộc trong chỉ đạo, điều hành của một số sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện chưa thường xuyên, liên tục, chưa sát với tình hình thực tế; sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều, tăng cả ba tiêu chí,...

2. Mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2023

2.1. Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 8,62%. Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu, khơi dậy nội lực trong tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư. Tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển lâm nghiệp bền vững. Mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, các dự án trọng điểm; phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, hướng tới mô hình đô thị xanh, thông minh và bền vững. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh cải cách hành chính. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước. Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Quan tâm đến công tác an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2.2. Các chỉ tiêu chủ yếu

Phấn đấu năm 2023 đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội như sau:

(1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP): 8,62% (các chỉ tiêu về GRDP tính trên cơ sở số liệu do Tổng cục Thống kê công bố).

+ Ngành nông lâm nghiệp - thủy sản tăng 5,15%.

+ Ngành công nghiệp - xây dựng tăng 13,96%.

+ Ngành dịch vụ tăng 7,51%.

+ Thuế sản phẩm tăng 5,16%.

(2) Cơ cấu kinh tế:

+ Ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản: 26,87%.

+ Ngành công nghiệp - Xây dựng: 28,7%.

+ Ngành dịch vụ: 40,62%.

+ Thuế sản phẩm: 3,81%.

(3) GRDP bình quân đầu người: 66,9 triệu đồng/người[3].

(4) Số xã đạt chuẩn nông thôn mới: 09 xã.

[...]