Nghị quyết 17/2008/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 do tỉnh Bến Tre ban hành

Số hiệu 17/2008/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2008
Ngày có hiệu lực 19/12/2008
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Huỳnh Văn Be
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2008/NQ-HĐND

Bến Tre, ngày 09 tháng 12 năm 2008

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Sau khi nghe báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, báo cáo của các ngành chức năng, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí thông qua nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 với những nội dung sau:

Điều 1. Phương hướng và chỉ tiêu phát triển

Năm 2009 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010. Đây là năm dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy phải huy động tối đa các nguồn lực của Nhà nước, của các thành phần kinh tế trong, ngoài nước và động viên mọi tiềm lực trong dân để đẩy mạnh phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội và chú trọng đến chất lượng tăng trưởng. Cần phải tập trung phát triển mạnh công nghiệp, làm khâu đột phá để thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đồng thời chú trọng công tác quản lý, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định về chính trị; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kéo giảm số vụ tai nạn giao thông và các loại tội phạm.

Năm 2009, phải phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản như sau:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) tăng 13%;

- Giá trị sản xuất nông lâm-ngư nghiệp tăng 9,37%;

- Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 27,3%;

- Giá trị các ngành dịch vụ tăng 15,7%;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 210 triệu USD tăng 14%

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9.250 tỷ đồng tăng 16,1%;

- Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 715,5 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương 1.870,1 tỷ đồng;

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 38%. Tạo việc làm cho 30.000 lao động (trong đó xuất khẩu lao động 700 người);

- Giảm tỷ suất sinh 0,05%o.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 9%;

- Đạt 17,5 giường bệnh/vạn dân; 5,5 bác sĩ/vạn dân;

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 17,5%;

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 95%;

- Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh họat hợp vệ sinh đạt 83%; trong đó 28% hộ được sử dụng nước sạch.

- Kéo giảm tội phạm hình sự 10%; kéo giảm tai nạn giao thông 10%; khám phá án đạt 70%.

Điều 2. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu

- Nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân và các ngành chức năng, nhằm tạo ra sự chuyển biến đồng bộ trong tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm, bảo đảm đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Tiếp tục đẩy mạnh vận động các nguồn đầu tư và các hình thức đầu tư, đồng thời phải có kế hoạch và giải pháp sát hợp trên từng lĩnh vực:

+ Về nông nghiệp và thuỷ sản: phải áp dụng toàn diện các giải pháp kỹ thuật về mùa vụ, giống, thuỷ lợi, môi trường; chủ động công tác phòng chống dịch bệnh… để đạt năng suất và hiệu quả cao. Cần đầu tư cao hơn nữa công tác khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn nông dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và áp dụng các biện pháp thâm canh theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất; mở rộng nhanh các mô hình xen canh cây ca cao và nuôi thuỷ sản trong vườn dừa. Có biện pháp để tạo mối liên kết hữu cơ “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tăng cường quản lý chặt chẽ các mặt để tiếp tục phát triển nuôi các loại thuỷ sản trên cả ba vùng ngọt, lợ, mặn theo đúng quy hoạch và hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

+ Về công nghiệp - xây dựng: tiếp tục tập trung nguồn lực xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng Khu Công nghiệp Giao Long, An Hiệp, thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư và thu hút thêm đầu tư mới. Tiến hành lập dự án đầu tư Khu Công nghiệp Giao Long giai đoạn 2, đồng thời tìm nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuẩn bị cho bước phát triển đột phá cao hơn về công nghiệp ở giai đoạn sau. Cần có các giải pháp thiết thực giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, trong đó cần nâng cao năng lực chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông thuỷ sản; cần đảm bảo thực hiện tốt tiến độ bàn giao mặt bằng và tăng cường các hoạt động hỗ trợ sau giấy phép để doanh nghiệp sớm triển khai xây dựng và đi vào hoạt động ổn định. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút thêm nhiều dự án đầu tư mới.

- Thực hiện nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung vốn cho các công trình trọng điểm để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng; trong việc bồi hoàn, giải toả mặt bằng, bảo đảm có mặt bằng sạch” để thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án, nhất là những dự án công trình trọng điểm có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

[...]