Nghị quyết 169/2018/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do tỉnh Hưng Yên ban hành
Số hiệu | 169/2018/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 12/12/2018 |
Ngày có hiệu lực | 22/12/2018 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hưng Yên |
Người ký | Đỗ Xuân Tuyên |
Lĩnh vực | Thương mại,Văn hóa - Xã hội |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 169/2018/NQ-HĐND |
Hưng Yên, ngày 12 tháng 12 năm 2018 |
VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2019
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ BẢY
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Can cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 24/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019;
Xét Báo cáo số 263/BC-UBND ngày 04/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2019; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; Ý kiến thảo luận và biểu quyết của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
1. Kết quả chủ yếu
- Năm 2018, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đạt được kết quả khá toàn diện.
- Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 9,64%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 55,3 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng 51,56% - dịch vụ 37,86% - nông nghiệp, thủy sản 10,58%. Sản xuất nông nghiệp được mùa, được giá, giá trị sản xuất tăng 3,5%. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 92.523 ha; diện tích trồng lúa 66.399 ha, giảm 5,65%, lúa chất lượng cao chiếm 64,8% diện tích gieo cấy; năng suất lúa bình quân 62,56 tạ/ha, tăng 5,18%; sản lượng lúa ước 415.420 tấn, giảm 0,76%. Sản lượng một số loại cây trồng chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Giá trị thu nhập bình quân 01 ha đất canh tác đạt 192 triệu đồng, tăng 18,5 triệu đồng so với năm 2017. Chăn nuôi từng bước ổn định, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 2,5%, sản lượng thủy sản tăng 5,42%. Công tác phòng, chống bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được triển khai hiệu quả. Công tác thủy lợi, quản lý đê điều và phòng chống lụt bão được thực hiện nghiêm túc. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, dự kiến huyện Văn Giang đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Hưng Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 117/145 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 80,7%, bình quân đạt 18,4 tiêu chí/xã. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,93%. Giá trị sản xuất thương mại và dịch vụ tăng 8,19%%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,49%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4,5%. Năm 2018, thu hút 157 dự án mới (trong đó: có 129 dự án trong nước, 28 dự án đầu tư nước ngoài) với số vốn đăng ký 10.421 tỷ đồng và 387 triệu USD. Đến nay, đưa tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 1.836 dự án (1.414 dự án đầu tư trong nước, 422 dự án đầu tư nước ngoài), tổng vốn đăng ký ước 124.892 tỷ đồng và 4,3 tỷ USD (tương đương 9,7 tỷ USD). Tổng thu ngân sách 12.840 tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa 9.400 tỷ đồng; chi ngân sách 9.623 tỷ đồng, trong đó: Chi đầu tư phát triển 3.121 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 31.547 tỷ đồng. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tiếp tục được tăng cường. Hạ tầng giao thông vận tải được đầu tư mạnh, các công trình giao thông trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tình hình tai nạn giao thông tương đương năm 2017. Công tác giáo dục y tế, văn hóa đạt được nhiều kết quả tích cực: Có thêm 37 trường đạt chuẩn quốc gia, đến nay nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 337 trường, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 86,5%, tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 99%, tỷ lệ làng, khu phố văn hóa 88%, tỷ lệ gia đình văn hóa 91%. Công tác an sinh, xã hội được quan tâm thực hiện hiệu quả, thiết thực, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,75%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, tạo việc làm mới cho 2,39 vạn lao động. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường. Quốc phòng quân sự địa phương được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
2. Tồn tại, hạn chế
Công tác chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình Vietgap chưa được quan tâm nhiều. Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi vẫn diễn biến phức tạp. Chương trình xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Tiến độ triển khai một số dự án đầu tư công, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và cụm công nghiệp còn chậm. Công tác thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia ở giáo dục phổ thông còn khó khăn, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy-học và quản lý giáo dục ở một số đơn vị còn chưa hiệu quả. Kết quả xử lý vi phạm xây dựng công trình, nhà ở trên đất nông nghiệp và hành lang công trình thủy lợi đạt thấp. Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh và sinh con thứ 3 vẫn ở mức cao. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước chưa theo kịp xu thế phát triển chung của xã hội. Tình hình khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương còn diễn biến phức tạp. Hành vi và tính chất của nhiều loại tội phạm ngày càng táo tợn, dã man và phức tạp.
Điều 2. Mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019.
1. Mục tiêu tổng quát
Tiếp tục ổn định kinh tế, kiểm soát giá cả, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; huy động mọi nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị, nhất là xây dựng hạ tầng giao thông. Thực hiện tốt các chính sách an sinh, xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
- Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 8,3%. Giá trị sản xuất: Công nghiệp tăng 9,5%; thương mại, dịch vụ tăng 8,2% và nông nghiệp - thủy sản tăng 2,6%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng 52,2% - dịch vụ 37,7% - nông nghiệp, thủy sản 10,1%. GRDP bình quân đầu người 62 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu 4,76 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 34.300 tỷ đồng. Thư ngân sách trên địa bàn 12.865 tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa 9.565 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 3.300 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách 9.171,4 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 2.511 tỷ đồng, chi thường xuyên 6.209,6 tỷ đồng.
- Phấn đấu có thêm 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; từ 15 - 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân toàn tỉnh đạt 18,8 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh chuyển đổi được 2.300 ha - 2.400 ha diện tích lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả, dược liệu, cây hàng năm có hiệu quả cao và kết hợp nuôi trồng thủy sản. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,5%, có thêm 46 trường đạt chuẩn quốc gia; duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 1%; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,2%; tạo thêm việc làm mới cho 2,3 vạn lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 47,5%; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,2%; tỷ lệ làng, khu phố văn hóa 88,5%; tỷ lệ gia đình văn hóa 91,5%.
3. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
3.1. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đảng, Quốc Hội, Chính phủ; Nghị quyết, Chương trình, Đề án của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh và chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh về phát triển toàn diện kinh tế - xã hội năm 2019.
3.2. Tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng và phát triển vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu chọn tạo các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ địa bàn nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản. Phấn đấu giá trị thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 205 triệu đồng/ha. Tăng cường các hoạt động quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các nông sản, duy trì và phát triển các nhãn hiệu hàng hóa tập thể của tỉnh.
3.3. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Tập trung hoàn thành việc bổ sung quy hoạch khu công nghiệp và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt vào quy hoạch phát triển. Phấn đấu trong năm 2019, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 cụm công nghiệp; huyện Ân Thi, Văn Lâm có ít nhất 02 cụm công nghiệp và toàn tỉnh có thêm khoảng 150 ha đất khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng đồng bộ đi vào hoạt động. Cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai hoặc không có khả năng thực hiện và dừng tiếp nhận các dự án sản xuất rời lẻ ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
3.4. Tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại. Tập trung thiết kế bao bì nhãn mác, mở rộng xây dựng thương hiệu hàng hóa. Tăng cường thu hút các dự án đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, nhất là ở khu vực nông thôn. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ triển khai, xây dựng Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hưng Yên. Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ xây dựng các mối quan hệ liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động thanh tra, kiểm soát, quản lý thị trường.
3.5. Tập trung khai thác tốt các nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước, hoàn thành và vượt kế hoạch thu ngân sách năm 2019. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế. Tăng cường quản lý chống thất thoát, gian lận và nợ đọng thuế. Tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp. Đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Nâng cao chất lượng tín dụng. Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
3.6. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình; đảm bảo tiến độ, hiệu quả đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là các công trình giao thông. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tối đa xe chở quá tải trọng tham gia giao thông. Chấn chỉnh công tác cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm xe ô tô. Tích cực kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về giao thông.
3.7. Quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Xác định trách nhiệm của chính quyền các cấp để hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất, để sớm có nhiều dự án đi vào hoạt động. Tiếp tục rà soát, thu hồi đất đối với các dự án chậm triển khai quá thời hạn quy định, không thực hiện đầu tư hoặc không có khả năng đầu tư. Từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tập trung đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện Kế hoạch số 937KH-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh. Tăng cường quản lý tài nguyên nước, cát, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở phát sinh chất thải lớn. Đẩy mạnh các hoạt động phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về môi trường.
3.8. Tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy, hỗ trợ thành lập các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tạo lập, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm mang tính đặc thù, sản phẩm đặc sản có thế mạnh của tỉnh. Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực công nghệ và thị trường công nghệ, an toàn bức xạ hạt nhân, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ.