Nghị quyết số 15/2000/NQ-CP về một số chủ trương và giải pháp tiếp tục khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định đời sống nhân dân, xử lý kịp thời những vấn đề mới nẩy sinh nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh và bền vứng về KT-XH vùng đồng bằng sông Cửu Long do Chính phủ ban hành

Số hiệu 15/2000/NQ-CP
Ngày ban hành 06/10/2000
Ngày có hiệu lực 21/10/2000
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/2000/NQ-CP

Hà Nội , ngày 06 tháng 10 năm 2000

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 15/2000/NQ-CP NGÀY 06 THÁNG 10 NĂM 2000VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ LŨ LỤT, SỚM ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN, XỬ LÝ KỊP THỜI NHỮNG VẤN ĐỀ MỚI NẢY SINH NHẰM ĐẢM BẢO YÊU CẦU PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG VỀ KINH TẾ-XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Lũ lụt năm nay ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện sớm, mức độ ngập lụt sâu trên diện rộng, thời gian lũ cao kéo dài, là trận lụt nghiêm trọng nhất trong vòng 70 năm qua, đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước ở các tỉnh vùng lũ, nhất là các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang. Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương và quyết định kịp thời, huy động sức mạnh tổng hợp các ngành Trung ương, địa phương và nhân dân các tỉnh bị lũ lụt và nhân dân cả nước thực hiện các biện pháp khẩn cấp đối phó nhằm hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Tính đến ngày 1/10/2000, lũ lụt đã cướp đi tính mạng của trên 200 người, trong đó phần lớn là trẻ em, làm ảnh hưởng đến đời sống của trên 10 triệu dân, với hơn 700.000 hộ bị ngập, trong đó trên 35.000 hộ đã phải di dời, còn trên 25.000 hộ phải tiếp tục di dời, nửa triệu người phải cứu trợ khẩn cấp, hơn 700.000 học sinh phải nghỉ học, nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng. ước tính thiệt hại do lũ lụt gây ra khoảng trên 2000 tỷ đồng và còn đang tiếp tục tăng thêm.

Chính phủ đánh giá cao và biểu dương sự cố gắng của các Bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt nam, các đoàn thể chính trị, xã hội ở Trung ương, các Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân vùng ngập lũ, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài đã nêu cao tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ kịp thời, có hiệu quả đối với đồng bào vùng bị thiên tai. Chính phủ Việt nam đánh giá cao và cảm ơn chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các nhà hảo tâm các nước đã quan tâm theo dõi, chia sẻ mất mát, tổ chức quyên góp ủng hộ, giúp đỡ đồng bào vùng lũ lụt.

Ngày 2 tháng 10 năm 2000, Chính phủ đã họp bàn về một số chủ trương và giải pháp tiếp tục khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định đời sống nhân dân, xử lý những vấn để mới nảy sinh nhằm phát triển nhanh và bền vững về kinh tế- xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.

1. Những nhiệm vụ cấp bách phải tập trung chỉ đạo

Các cấp chính quyền địa phương phải bám sát dân, tiếp tục di dời các hộ ở vùng ngập sâu, vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng cho nhân dân, đảm bảo các hộ dân tạm di dời đến nơi mới có nhà ở tạm.

Chỉ đạo thật tốt công tác cứu trợ. Cùng với việc vận động nhân dân giúp đỡ lẫn nhau, chính quyền các địa phương phải chỉ đạo và tổ chức cung cấp kịp thời lương thực cho đồng bào, đặc biệt là các gia đình khó khăn, gia đình thuộc diện chính sách, nhất thiết không được để dân đói. Khẩn trương cung cấp xuồng và lưới cho các hộ dân vùng ngập sâu không có xuồng và có khó khăn về đời sống để các hộ này có phương tiện sinh sống.

Ở những nơi có điều kiện, phải tiếp tục bảo vệ bờ bao, bơm tát nước để bảo vệ vườn cây ăn trái.

Đảm bảo đủ cơ số thuốc, cán bộ y tế, chủ động phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.

Bảo vệ tốt kho tàng vật tư, hàng hóa, nhà cửa của nhân dân và của Nhà nước. Tổ chức cung cấp đủ và kịp thời các nhu yếu phẩm như xăng, dầu, muối, vật liệu làm nhà,... đảm bảo ổn định thị trường.

Ở vùng hạ lưu, phải có ngay phương án đối phó với lũ ở mức cao đang dồn về và khả năng còn ngập sâu trong nhiều ngày tới.

Uỷ ban nhân dân các cấp phải chỉ đạo tốt việc phân phối tiền, hàng cứu trợ, đảm bảo tiền, hàng đến tay nhân dân, được phân phối công bằng, không để thất thoát.

Tổ chức chỉ đạo tốt việc giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về khắc phục hậu quả lũ lụt.

2. Những vấn đề phải xử lý ngay sau khi nước rút

Chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục lại nhà ở, phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường... để sớm ổn định cuộc sống bình thường cho nhân dân. Khẩn trương chỉ đạo đảm bảo điều kiện cần thiết để học sinh được sớm vào học trở lại, nhất là học sinh cuối cấp.

Các địa phương chỉ đạo, phối hợp với các ngành có liên quan đảm bảo đủ giống, vật tư nông nghiệp, khôi phục các công trình thuỷ lợi cấp bách, san lấp đồng ruộng, đảm bảo điện, xăng, dầu cho việc bơm nước để gieo cấy hết diện tích, kịp thời vụ đối với vụ lúa đông xuân 2000-2001.

Đảm bảo đủ giống cây, giống con, thức ăn chăn nuôi, vật tư thú y và bảo vệ thực vật để khôi phục và phát triển vườn cây ăn trái, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, phát động phong trào trong nhân dân đóng góp tiền, của và công sức để sửa chữa khôi phục nhanh các công trình hạ tầng cấp thiết như đường xá, cầu cống, các công trình thuỷ lợi, trường học, trạm xá.

Khẩn trương lắp đặt thêm các trạm biến áp, đường dây điện để cung cấp điện cho sản xuất và đời sống, nhất là phục vụ thuỷ lợi, chế biến nông sản, thuỷ sản.

3. Một số chủ trương và chính sách

a. Để xử lý tình hình cấp bách năm nay và bố trí kế hoạch đầu tư cho các năm sau, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ, ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các địa phương rà soát lại các công trình để đầu tư vào cuối năm 2000 và đưa vào kế hoạch năm 2001.

b. Bộ Xây dựng chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh rà soát, điều chỉnhh quy hoạch, xây dựng chính sách đầu tư phát triển khu dân cư và chính sách nhà ở đối với nhân dân vùng ngập lũ trình Chính phủ vào cuối năm 2000.

c. Nhà nước đảm bảo đủ vật tư phục vụ sản xuất, hỗ trợ kinh phí mua xăng dầu cho những nơi cần bơm tát để gieo xạ lúa và hỗ trợ cho các hộ nghèo phần chênh lệch giá mua lúa giống so với lúa thương phẩm để sản xuất vụ đông xuân.

d. Thực hiện việc giãn nợ, khoanh nợ và tiếp tục cho vay mới để nhân dân vùng ngập lụt có điều kiện sớm khôi phục, phát triển sản xuất và ổn định đời sống.

Thực hiện việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và các loại thuế khác đến năm 2001 cho các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh bị thiệt do lũ lụt.

[...]