Nghị quyết 14/NQ-HĐND năm 2017 về phê chuẩn dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2018

Số hiệu 14/NQ-HĐND
Ngày ban hành 20/12/2017
Ngày có hiệu lực 01/01/2018
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Xuân Sơn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/NQ-HĐND

Nghệ An, ngày 20 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

PHÊ CHUẨN DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN, CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG VÀ PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2018

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHOÁ XVII, KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước;

Xét Tờ trình số 243/TTr-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê chuẩn dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2018 như sau:

1. Tổng số thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn: 12.691 tỷ đồng (Mười hai nghìn, sáu trăm chín mươi mốt tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa 11.431 tỷ đồng (Mười một nghìn, bốn trăm ba mươi mốt tỷ đồng), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.260 tỷ đồng (Một nghìn, hai trăm sáu mươi tỷ đồng).

(Có phụ lục số 1 kèm theo)

2. Tổng số chi ngân sách địa phương (NSĐP): 23.779.800 triệu đồng (Hai mươi ba nghìn, bảy trăm bảy mươi chín tỷ, tám trăm triệu đồng).

3. Bội thu NSĐP: 365.600 triệu đồng (Ba trăm sáu mươi lăm tỷ, sáu trăm triệu đồng).

4. Chi trả nợ vay: 420.700 triệu đồng (Bốn trăm hai mươi tỷ, bảy trăm triệu đồng).

(Có phụ lục số 2, số 3, số 4, số 5 và số 6 kèm theo)

5. Kế hoạch hoạt động các Quỹ tài chính ngoài ngân sách.

(Có phụ lục số 7 kèm theo)

Điều 2. Giải pháp thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

1. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

a) Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - NSNN, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN. Hạn chế tối đa việc đề xuất ứng trước dự toán. Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn theo đúng quy định của pháp luật.

b) Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm bảo cạnh tranh bình đẳng. Thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, dịch vụ nhằm thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc.

c) Tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể các đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là khu vực nông nghiệp nông thôn.

d) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế, hải quan,... theo hướng thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm công khai, minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức.

đ) Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN theo hướng khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động; Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn tại những doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ vốn hoặc không cần nắm giữ cổ phần chi phối theo quy định của Chính phủ.

2. Tăng cường quản lý các nguồn thu ngân sách, chống thất thu.

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các ngành chỉ đạo thường xuyên công tác thu ngân sách, quan tâm bồi dưỡng khai thác nguồn thu trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu chi. Thực hiện tốt các Luật thuế sửa đổi, bổ sung và các nhiệm vụ thu NSNN theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai của cá nhân không đúng, không đủ số thuế phải nộp; chỉ đạo quyết liệt chống thất thu, thu hồi số thuế nợ đọng từ các năm trước, các khoản thu được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán,...; tăng cường giám sát đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu. Rà soát, xác minh cụ thể các đối tượng đang được nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn, nhất là các dự án hết thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định để xác định nghĩa vụ tài chính và đôn đốc thu nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước.

b) Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về thu, chi NSNN, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thu, chi ngân sách theo dự toán được giao; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách để tạo nguồn xử lý các nhiệm vụ cấp thiết, phấn đấu tăng chi trả nợ.

[...]