Nghị quyết số 134-HĐBT về phân cấp quản lý lương thực do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 134-HĐBT
Ngày ban hành 16/10/1984
Ngày có hiệu lực 31/10/1984
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 134-HĐBT

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 1984

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 134-HĐBT NGÀY 16-10-1984 VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ LƯƠNG THỰC

I

Lương thực là tư liệu tiêu dùng thiết yếu số 1 của toàn dân, là điều kiện quan trọng nhất để mở mang các ngành và các vùng kinh tế mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm có đủ lương thực cung ứng kịp thời, ổn định cho các nhu cầu xã hội, là một nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu về kinh tế và chính trị.

Để đạt mục tiêu nêu trên, đi đôi với việc ra sức phát triển sản xuất, từng huyện, từng tỉnh và từng vùng cố gắng đến mức cao nhất cân đối lương thực tại chỗ, phải tổ chức và quản lý chặt chẽ việc lưu thông, phân phối lương thực theo các chủ trương sau đây:

1. Nhà nước độc quyền kinh doanh lương thực, nắm tuyệt đại bộ phận lương thực hàng hoá để bảo đảm cung ứng cho mọi nhu cầu xã hội; cấm tư nhân buôn bán lương thực.

2. Trung ương thống nhất việc phân phối và xuất nhập khẩu lương thực.

3. Thống nhất việc kinh doanh lương thực vào ngành lương thực.

4. Phân cấp quản lý một cách hợp lý cho địa phương (tỉnh, huyện) trên nguyên tắc tập trung dân chủ, một mặt, bảo đảm cho Trung ương nắm vững cân đối chung của toàn xã hội, chủ động điều hoà, phân phối trong phạm vi cả nước, thống nhất quản lý việc xuất nhập khẩu, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo về kế hoạch và chính sách, huy động, thu mua, phân phối; mặt khác, đề cao trách nhiệm và mở rộng quyền chủ động của địa phương trong việc cân đối lương thực trên địa bàn lãnh thổ bằng cách ra sức phát triển sản xuất lương thực đi đôi với nắm tuyệt địa bộ phận lương thực hàng hoá.

5. Chấn chỉnh bộ máy quản lý và hệ thống kinh doanh lương thực cho phù hợp với yêu cầu phân cấp quản lý và yêu cầu chuyển từ hành chính bao cấp sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

II

Sau đây là nội dung cụ thể về phân cấp quản lý lương thực.

1. Về huy động.

a) Trung ương thống nhất quy định chính sách huy động, thu mua, giá cả; giao chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh cho từng tỉnh, thành phố, đặc khu (dưới đây gọi tắt là tỉnh) về tổng mức huy động cả năm và từng vụ, kèm theo chỉ tiêu cung ứng vật tư hàng hoá, tiền mặt và các chỉ tiêu khác tương ứng với nhiệm vụ huy động được giao; chỉ đạo các ngành của Trung ương bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu cung ứng nói trên cho tỉnh.

b) Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm cụ thể hoá chủ trương chính sách của Trung ương vào hoàn cảnh của địa phương; giao chỉ tiêu kế hoạch huy động cho các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (dưới đây gọi tắt là huyện), kèm theo chỉ tiêu cung ứng vật tư, hàng hoá (dựa vào nguồn Trung ương cung ứng và nguồn địa phương tự mình khai thác thêm), tiền mặt và các chỉ tiêu khác cho huyện; chỉ đạo các ngành của tỉnh bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu cung ứng nói trên cho huyện; và chỉ đạo các huyện tổ chức thực hiện nhiệm vụ huy động được giao.

c) Uỷ ban nhân dân huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác huy động lương thực trên địa bàn huyện theo đúng các chủ trương chính sách trung ương quy định và kế hoạch tỉnh giao. Ngoài việc thu mua, huy động theo chỉ tiêu kế hoạch, nếu nông dân còn lương thực hàng hoá cần bán thì huyện tổ chức thu mua hết theo giá thoả thuận; mức giá do Trung ương và tỉnh chỉ đạo.

Đối với số lương thực mua vượt chỉ tiêu kế hoạch, huyện được giữ lại 20% cho quỹ dự trữ lương thực của huyện, còn lại giao cho tỉnh 20%, cho Trung ương 60%. Chỉ sau khi hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về tổng mức huy động và giao nộp do tỉnh giao thì huyện mới được trích lập quỹ dự trữ lương thực của huyện. Chỉ sau khi hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về tổng mức huy động và giao nộp do trung ương giao thì tỉnh mới được trích lập quỹ dự trữ lương thực của tỉnh. Huyện được dự trữ tối đa bằng một tháng lương thực chi dùng theo kế hoạch của huyện; tỉnh được dự trữ tối đa bằng một tháng lương thực chi dùng theo kế hoạch của tỉnh (không kể phần đã phân cấp cho các huyện); vượt quá mức đó thì giao nộp cho Trung ương.

2. Về phân phối, điều động.

a) Trung ương quyết định chính sách phân phối và chỉ tiêu phân phối cho các nhu cầu xã hội và các địa phương.

Trung ương trực tiếp bảo đảm cung ứng cho các nhu cầu sau đây:

- Các lực lượng vũ trang

- Các thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung, các vùng làm hàng xuất khẩu hoặc trồng cây công nghiệp quan trọng, các địa phương thiếu lương thực hoặc vì thiên tai, địch hoạ mà thiếu lương thực.

- Lương thực làm nguyên liệu cho các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh Trung ương, làm thức ăn gia súc cho các cơ sở chăn nuôi quốc doanh Trung ương.

- Xuất khẩu.

- Dự trữ Nhà nước.

Việc cung ứng cho các nhu cầu này thực hiện bằng cách giao nhận trực tiếp với các Công ty cấp I hoặc bằng cách Trung ương uỷ thác cho địa phương cung ứng.

b) Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm cân đối lương thực trên địa bàn tỉnh, bảo đảm cung ứng cho mọi nhu cầu và mọi tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh, bao gồm cả những nhu cầu do trung ương phụ trách nhưng giao cho tỉnh cung ứng bằng nguồn lương thực để lại hay điều đến cho tỉnh. Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định những nhu cầu mà tỉnh phải trực tiếp bảo đảm cung ứng (chủ yếu là các thị xã, thành phố thuộc tỉnh), còn lại giao cho huyện đảm nhiệm.

c) Uỷ ban nhân dân huyện có trách nhiệm cân đối lương thực trên địa bàn huyện, theo sự phân cấp quản lý của tỉnh mà bảo đảm cung ứng cho các nhu cầu và các tầng lớp dân cư trên địa bàn huyện.

[...]