Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 do tỉnh Phú Yên ban hành
Số hiệu | 13/2020/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 09/12/2020 |
Ngày có hiệu lực | 19/12/2020 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Phú Yên |
Người ký | Cao Thị Hòa An |
Lĩnh vực | Đầu tư,Thương mại |
HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2020/NQ-HĐND |
Phú Yên, ngày 09 tháng 12 năm 2020 |
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2021-2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 20
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 144/TTr-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
1. Về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020
Thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020, bên cạnh những thuận lợi, tỉnh ta cũng gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 và thiên tai, đã ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội, nhưng nhờ sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân toàn tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và có nhiều mặt phát triển, thực hiện đạt và vượt 12/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra. Nền kinh tế tỉnh ta phát triển ổn định và tăng trưởng khá; quy mô nền kinh tế tăng lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất la giao thông phát triển đáng kể. Bộ mặt nông thôn, miền núi, đô thị có nhiều đổi mới, khởi sắc. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn những mặt hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục. Đáng chú ý có 5/17 chỉ tiêu chủ yếu không đạt kế hoạch đề ra. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy đúng hướng nhưng còn chậm; cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa đạt mục tiêu, yêu cầu; bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều bất cập, yếu kém; kết quả thực hiện một số tiêu chí nông thôn mới thiếu bền vững; quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ, chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp mới, đột phá; cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch tuy phát triển khá nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư còn hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án vẫn là khâu yếu; tiến độ triển khai nhiều dự án ngoài ngân sách chậm trễ, kéo dài; chất lượng doanh nghiệp thành lập mới chưa cao; cơ cấu các nguồn thu ngân sách chưa ổn định, thiếu vững chắc; quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường còn hạn chế lỏng lẻo.
Giáo dục và đào tạo có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển. Trình độ và tiềm lực khoa học công nghệ còn thấp. Quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, thông tin có mặt chưa tốt. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng tốt nhu cầu xã hội. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội có lúc có nơi còn diễn biến phức tạp. Công tác phối hợp điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án chưa chặt chẽ; một số vụ án, vụ việc để kéo dài. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân một số nơi chưa tốt. Kết quả cải cách hành chính đạt thấp; kỷ cương, kỷ luật hành chính có nơi còn chưa nghiêm. Đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả chưa cao; chưa phát hiện, xử lý hiệu quả tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ
2. Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025
2.1. Mục tiêu tổng quát
Nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, tập trung một số ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từng bước phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để tạo sự chuyển biến về chất lượng trong quá trình phát triển. Tiếp tục đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển mạnh mẽ dịch vụ du lịch; khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là phát triển kinh tế biển, gắn với ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh để góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, hiện đại; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, đảm bảo yêu cầu phát triển; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội đưa Phú Yên phát triển nhanh và bền vững; giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; nâng cao vị thế của Phú Yên trong khu vực; GRDP bình quân đầu người bằng mức trung bình của cả nước.
2.2. Các chỉ tiêu chủ yếu
a) Các chỉ tiêu về kinh tế
- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021- 2025 đạt khoảng 8,5%/năm(1) .
- Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP đến năm 2025: ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm khoảng 20,09%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 31,43%, dịch vụ chiếm khoảng 44,09% và thuế sản phẩm chiếm 4,39%.
- GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 88 triệu đồng (3.830USD).
- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2025 đạt khoảng 370 triệu USD.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 là 95 nghìn tỷ đồng.
- Thu ngân sách đến năm 2025 đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng.
b) Các chỉ tiêu về xã hội
- Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến năm 2025 đạt 80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 30%.
- Số lao động được tạo việc làm bình quân 25 nghìn người/năm (trong đó có việc làm mới tăng thêm 4.700 lao động/năm). Đến năm 2025, tỷ lệ thất nghiệp toàn tỉnh dưới 2%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội 21,6%(2).
- Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1,5-2%/năm.
- Đến năm 2025, có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/nạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế chiếm 95% dân số.