Nghị quyết số 13/2008/QH12 về việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006 do Quốc hội ban hành
Số hiệu | 13/2008/QH12 |
Ngày ban hành | 20/05/2008 |
Ngày có hiệu lực | 22/06/2008 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Quốc hội |
Người ký | Nguyễn Phú Trọng |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
QUỐC HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2008/QH12 |
Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2008 |
QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ BA
PHÊ CHUẨN QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2006
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn
cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992
đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm
2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ mười;
Căn cứ vào Luật ngân sách nhà nước năm 2002;
Căn cứ vào Nghị quyết số 47/2005/QH11 ngày 01 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội về
dự toán ngân sách nhà nước năm 2006 và Nghị quyết số 48/2005/QH11 ngày 03 tháng
11 năm 2005 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2006;
Sau khi xem xét Báo cáo số 56/BC-CP ngày 28 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ, Báo
cáo thẩm tra số 284/UBTCNS12 ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban Tài chính –
Ngân sách của Quốc hội, Báo cáo kiểm toán số 74/BC-KTNN ngày 29 tháng 4 năm
2008 của Kiểm toán Nhà nước, ý kiến của các đại biểu Quốc hội và Báo cáo tiếp
thu, giải trình số 120/BC-UBTVQH12 ngày 19 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006,
QUYẾT NGHỊ:
1. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006:
a) Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 350.842 tỷ đồng (ba trăm năm mươi nghìn tám trăm bốn mươi hai tỷ đồng), bao gồm cả số kinh phí đã xuất quỹ ngân sách và số thu chuyển nguồn từ năm 2005 sang năm 2006 là 50.739 tỷ đồng; số thu từ quỹ dự trữ tài chính là 126 tỷ đồng; số thu từ việc huy động vốn đầu tư của ngân sách địa phương theo khoản 3 Điều 8 của Luật ngân sách nhà nước là 9.572 tỷ đồng; số thu kết dư của ngân sách địa phương là 10.934 tỷ đồng;
b) Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 385.666 tỷ đồng (ba trăm tám mươi lăm nghìn sáu trăm sáu mươi sáu tỷ đồng), bao gồm cả số kinh phí đã xuất quỹ ngân sách và số chi chuyển nguồn từ năm 2006 sang năm 2007 là 77.608 tỷ đồng;
c) Mức bội chi ngân sách nhà nước (không bao gồm 13.789 tỷ đồng chênh lệch thu lớn hơn chi của ngân sách địa phương) là 48.613 tỷ đồng (bốn mươi tám nghìn sáu trăm mười ba tỷ đồng), bằng 5% tổng sản phẩm trong nước (GDP);
d) Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước:
- Vay trong nước: 35.864 tỷ đồng (ba mươi lăm nghìn tám trăm sáu mươi tư tỷ đồng);
- Vay ngoài nước: 12.749 tỷ đồng (mười hai nghìn bảy trăm bốn mươi chín tỷ đồng).
(Theo các phụ lục số 1, 2, 3, 4 và 5 đính kèm).
a) Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương và địa phương tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời cho ngân sách nhà nước; phân loại, xử lý các khoản nợ đọng thuế; truy thu số thuế ẩn lậu do các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trốn lậu thuế, nợ đọng thuế;
b) Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương và địa phương chấn chỉnh việc quản lý ngân sách nhà nước, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục rõ rệt tình trạng đầu tư dàn trải, tập trung vốn cho các dự án, công trình cấp bách, có hiệu quả, sớm đưa vào sử dụng; chấm dứt việc bố trí vốn khi không đủ thủ tục; chấn chỉnh việc bố trí chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, dự phòng ngân sách không đúng quy định;
c) Quản lý chặt chẽ cho ngân sách nhà nước, nhất là các khoản chi chuyển nguồn sang năm sau, chấm dứt tình trạng phân bổ, giao dự toán chậm, chi sai quy định, giảm số chi chuyển nguồn sang năm sau. Kiểm tra chặt chẽ các khoản chi chưa đủ thủ tục quyết toán và thu hồi vào ngân sách nhà nước những khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức, các khoản vay, tạm ứng sai quy định, các khoản tạm thu, tạm giữ đã quá hạn; rà soát, phản ánh đầy đủ, kịp thời các khoản thu, chi quản lý qua ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện kiểm tra, thanh tra, hoặc yêu cầu kiểm toán đối với hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước của một số Bộ, ngành, địa phương, đơn vị xét thấy cần thiết và báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán với Ủy ban thường vụ Quốc hội;
d) Quản lý chặt chẽ các khoản huy động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các địa phương, bảo đảm mức dư nợ của ngân sách địa phương theo quy định; chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương rà soát, xác định đúng số nợ đọng xây dựng cơ bản, sử dụng vốn xây dựng cơ bản và một phần vượt thu ngân sách hàng năm để thanh toán số nợ đọng này; không để phát sinh nợ đọng mới. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới cơ chế chính sách, cải cách hành chính về quản lý đầu tư và xây dựng nhằm từng bước khắc phục những yếu kém trong lĩnh vực này;
đ) Đối với khoản kinh phí đã bố trí trong dự toán ngân sách năm 2006 chưa sử dụng (859,7 tỷ đồng), thực hiện chuyển nguồn sang năm sau. Chính phủ xây dựng phương án sử dụng số kinh phí này để xử lý những vấn đề cấp bách phát sinh theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện;
e) Tổng kết việc thực hiện và nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật ngân sách nhà nước trình Quốc hội vào năm 2009. Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan khác ở Trung ương và địa phương rà soát, bãi bỏ các quy định không còn phù hợp; ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn và định mức đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính – ngân sách trong tình hình mới;
g) Chỉ đạo việc tiếp thu và xử lý những kiến nghị xác đáng của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội trong Báo cáo thẩm tra số 284/UBTCNS12 ngày 29 tháng 4 năm 2008 và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực tài chính – ngân sách đã được các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo kết quả xử lý với Quốc hội khi trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 20 tháng 5 năm 2008./.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |