Nghị quyết 127/2007/NQ-HĐND về Chương trình nâng cao trình độ công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2015

Số hiệu 127/2007/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/12/2007
Ngày có hiệu lực 17/12/2007
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Ngô Đức Vượng
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 127/2007/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 12 tháng 12 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ CÔNG NGHỆ, TĂNG KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CỦA SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2007 - 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI HAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ; Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 73/2006/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Thủ t­ướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo các vùng lãnh thổ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 2636/TTr-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Chương trình nâng cao trình độ công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và thảo luận.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành và thông qua Chương trình nâng cao trình độ công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2015, với những nội dung chủ yếu sau:

I. Đánh giá thực trạng trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã sớm đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng; quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung, thu hút được một số doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; trình độ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật được nâng lên; năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng có những chuyển biến rõ rệt, từng bước khẳng định và tăng thị phần trên thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp liên tục tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2006 tăng gấp 2,05 lần, tỷ trọng GDP tăng 1,3% so với năm 2001. Sản xuất công nghiệp đã có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Tuy nhiên, trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp của tỉnh còn nhiều hạn chế: Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh nhưng quy mô nhỏ; tốc độ đổi mới công nghệ chậm, trình độ công nghệ của đa số doanh nghiệp ở mức trung bình so với cả nước; ít doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến; chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm, hiệu suất sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu thấp, chi phí trung gian cao, ô nhiễm môi trường diễn ra phức tạp. Công tác thẩm định, giám định công nghệ và chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp còn nhiều bất cập, đầu tư công nghệ thấp, công nghệ lạc hậu còn xảy ra; công tác xác lập, thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa được chú trọng.

II. Chương trình nâng cao trình độ công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2015

1. Quan điểm.

- Đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp; tạo ra những sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, giá thành hạ, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và đạt tiêu chí tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

- Ưu tiên nâng cấp công nghệ, năng lực cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp có lợi thế; thu hút đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao. Lấy nhập và chuyển giao công nghệ tiên tiến là chủ yếu, tập trung thay thế công nghệ thấp và trung bình; chú trọng phát triển công nghệ: Sinh học, tự động hóa, vật liệu mới; gắn đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ với bảo vệ môi trường.

- Kết hợp nâng cao trình độ công nghệ với tổ chức cơ cấu lại ngành công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, có khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ mới, ưu tiên đào tạo ngoại ngữ, quản trị doanh nghiệp và luật pháp quốc tế.

- Huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cao trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh của sản phẩm; thực hiện nâng cấp công nghệ từng bước, từng bộ phận và vững chắc, gắn với tổ chức lại sản xuất, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến. Các doanh nghiệp phải coi nâng cao trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh sản phẩm là nhiệm vụ then chốt trong thời kỳ hội nhập.

2. Mục tiêu.

2.1 Mục tiêu đến năm 2010:

- Tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp công nghiệp đạt từ 20%/năm trở lên, giá trị gia tăng ngành công nghiệp đạt từ 14 đến 15%;

- Tỷ lệ doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao chiếm từ 0,5 đến 01%, doanh nghiệp có trình độ công nghệ khá đạt từ 15 đến 20%, trung bình khá đạt từ 40 đến 45% (so với số doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp);

- 100% doanh nghiệp lớn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của quốc tế và khu vực; các cơ sở công nghiệp xây dựng mới phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị hệ thống xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường (cơ sở công nghiệp lớn phải có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc chứng chỉ chất lượng môi trường ISO-14001);

- Tỷ lệ sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đạt 65%;

- Số sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng: Từ 03 đến 04 sản phẩm;

- Số sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao: Từ 08 đến 10 sản phẩm.

2.2 Mục tiêu đến năm 2015:

- Tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp công nghiệp đạt từ 20 đến 25%/năm;

[...]