Nghị quyết 12/2004/NQ-CP về phiên họp chính phủ thường kỳ Tháng 9 năm 2004 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 12/2004/NQ-CP
Ngày ban hành 04/10/2004
Ngày có hiệu lực 27/10/2004
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2004/NQ-CP

Hà Nội , ngày 04 tháng 10 năm 2004

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 12/2004/NQ-CP NGÀY 04 THÁNG 10 NĂM 2004 VỀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 9 NĂM 2004

Trong 2 ngày 29 và 30 tháng 9 năm 2004, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng các Bộ: Văn hoá - Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Y tế và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao báo cáo các Đề án quy hoạch phát triển xã hội hoá các hoạt động văn hoá, giáo dục và đào tạo, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân và thể dục thể thao đến năm 2010.

Chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá trên các lĩnh vực hoạt động xã hội được Chính phủ quan tâm chỉ đạo đồng thời với việc phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/CP và Nghị định số 73/1999/NĐ-CP, chủ trương khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá - thông tin, thể thao ngày càng phát triển sâu rộng, đã từng bước huy động nguồn lực, khai thác sức mạnh trong dân, cụ thể hoá chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy dân chủ, bảo đảm công bằng xã hội, xây dựng đời sống tinh thần ngày càng phong phú cho các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những quan điểm thiếu thống nhất về chủ trương xã hội hoá; việc triển khai thực hiện xã hội hoá còn chậm, cơ chế chính sách chưa cụ thể, rõ ràng, triển khai thực hiện còn nhiều lúng túng; quản lý nhà nước trên lĩnh vực này còn có sơ hở, lệch lạc. Vì vậy, rất cần thiết phải có sự thống nhất cao trong nhận thức chủ trương, có lộ trình, bước đi, giải pháp phù hợp và cơ chế chính sách cụ thể, đẩy nhanh quá trình xã hội hoá các lĩnh vực trên.

Giao các Bộ: Văn hoá - Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Y tế và Uỷ ban Thể dục Thể thao tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh các Đề án và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Trên cơ sở các Đề án và ý kiến phát biểu tại phiên họp, giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Văn hoá - Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Y tế và Uỷ ban Thể dục Thể thao dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp và cơ chế chính sách đẩy mạnh phát triển xã hội hoá trong các lĩnh vực trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

2. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về tình hình giáo dục.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2004, Chính phủ đã nghe và cho ý kiến chỉ đạo về việc tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo về tình hình giáo dục. Báo cáo lần này đã thể hiện tinh thần kiểm điểm nghiêm túc, khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng mức những thành tựu và những yếu kém, bất cập của nền giáo dục nước nhà; đề ra phương hướng, giải pháp cụ thể; thể hiện quyết tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong giáo dục đồng thời đổi mới tư duy về phát triển giáo dục, đáp ứng lòng mong mỏi của các tầng lớp nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước.

Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh Báo cáo; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Báo cáo này tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XI.

3. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Y tế trình dự thảo Nghị định ban hành Điều lệ Bảo hiểm y tế; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định.

Chính sách bảo hiểm y tế đã được triển khai thực hiện từ năm 1993 trên cả nước, tuy nhiên, đến nay nhận thức của nhân dân về bảo hiểm y tế còn hạn chế, số người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện còn ít. Những quy định để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế chậm được bổ sung, sửa đổi; cơ chế đăng ký khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế và thanh toán, quyết toán bảo hiểm y tế còn một số vướng mắc. Việc ban hành Nghị định về chính sách bảo hiểm y tế mới nhằm khắc phục những tồn tại của chế độ bảo hiểm y tế hiện hành, đồng thời tạo tiền đề để từng bước tiến tới mục tiêu thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2010.

Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp, nhất là các nội dung về đối tượng bảo hiểm y tế bắt buộc và tổ chức quản lý bảo hiểm y tế để hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

4. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình dự án Pháp lệnh Đấu thầu mua sắm công; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về dự án Pháp lệnh.

Trong nền kinh tế thị trường, việc tạo lập cơ sở pháp lý đối với hoạt động đấu thầu mua sắm công là nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sử dụng nguồn vốn nhà nước, bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng và minh bạch, ngăn ngừa có hiệu quả các hành vi tiêu cực của các tổ chức và cá nhân trong lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hoá và xây lắp; đồng thời tạo sự thống nhất và thuận tiện trong quá trình thực hiện, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, việc ban hành Pháp lệnh Đấu thầu mua sắm công là rất cần thiết.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, làm rõ nội dung về đấu thầu xây dựng, tiếp tục hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh, trong đó chú ý bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa nội dung của Pháp lệnh này với các Luật khác, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình dự án Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Pháp lệnh.

Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí qua 6 năm thực hiện đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và ban hành một hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước làm căn cứ kiểm tra, giám sát thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thu, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả. Vấn đề công khai tài chính và vai trò giám sát của cộng đồng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, trong thực tế tình trạng lãng phí còn lớn, một số quy định của Pháp lệnh đã không còn phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn; nhiều định mức, tiêu chuẩn, chế độ sử dụng vốn và tài sản Nhà nước chậm đổi mới hoặc không kịp thời; các biện pháp kinh tế, quy định trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm còn thiếu cụ thể, cần được tiếp tục bổ sung.

Chính phủ nhất trí thông qua dự án Pháp lệnh và giao Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh này.

6. Chính phủ đã xem xét báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2004, các giải pháp chủ yếu trong những tháng cuối năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình; báo cáo về tình hình thị trường trong nước và xuất nhập khẩu do Bộ Thương mại trình; nghe Bộ trưởng Bộ Ngoại giao báo cáo về tình hình chuẩn bị tổ chức Hội nghị Cấp cao á - Âu lần thứ 5 (ASEM 5).

Mặc dù 9 tháng đầu năm 2004 có nhiều yếu tố tác động không thuận đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta như dịch cúm gia cầm, thiên tai xảy ra ở nhiều nơi, giá cả một số mặt hàng trên thị trường thế giới tăng cao nhưng tốc độ phát triển kinh tế vẫn tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng: sản xuất công nghiệp tăng khá, giá trị xuất khẩu và thực hiện vốn đầu tư phát triển tăng, nhập siêu giảm, thu ngân sách đạt cao, thu nhập của nông dân được cải thiện rõ rệt, đời sống nhân dân được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn nhiều khó khăn, tồn tại như: tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp so với mục tiêu đề ra, giá trị tăng thêm của sản xuất, dịch vụ chưa cao, giá cả hàng hoá và dịch vụ tăng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng và vốn ODA chậm, tai nạn giao thông nghiêm trọng, tệ nạn xã hội vẫn có chiều hướng gia tăng...

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2004, trong quý IV năm 2004 phải phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng cao hơn quý III. Các Bộ, ngành và địa phương cần tổ chức thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP, Quyết định số 51/2004/QĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung huy động tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhất là giải ngân cho các công trình có hiệu quả và sớm phát huy tác dụng, các công trình có nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ; chủ động thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng, thi hành nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế tăng giá, kiềm chế lạm phát ở mức kiểm soát được; đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường phát triển dịch vụ; triển khai mạnh các giải pháp kiềm chế, xử lý các vấn đề xã hội bức xúc như tai nạn giao thông, tội phạm, ma tuý, mại dâm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh tiến độ soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật.

Trong tháng 10 năm 2004, Việt Nam là nước chủ nhà tổ chức ASEM 5, đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa rất quan trọng trong quan hệ đối tác giữa 2 châu lục và với nước ta trong tiến trình hội nhập quốc tế. Việc tổ chức ASEM 5 lần này là đóng góp tích cực nhất của chúng ta đối với ASEM từ trước tới nay, là sự khẳng định chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương có liên quan tập trung nỗ lực tối đa, bảo đảm tổ chức ASEM 5 thành công tốt đẹp, tuyệt đối an toàn, chu đáo về nội dung và lễ tân, thể hiện truyền thống hiếu khách và dấu ấn Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

17
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ