HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
11/2017/NQ-HĐND
|
Hậu Giang,
ngày 08 tháng 12 năm 2017
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2017
VÀ MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC
PHÒNG - AN NINH NĂM 2018
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
KHÓA IX KỲ HỌP THỨ BẢY
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Sau khi nghe Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo
tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017 và mục tiêu, chỉ
tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh
năm 2018; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến thảo luận
của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều
1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất đánh giá kết quả thực hiện
nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017, như sau:
Với sự tham
gia của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của UBND tỉnh,
sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng hành của
các doanh nghiệp và sự đồng thuận của
Nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực
và đạt được những kết quả quan trọng.
Các chỉ tiêu
phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017 có 9 chỉ tiêu vượt
kế hoạch, 9 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế ước đạt mục tiêu đề ra
6,7%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa. Tăng
trưởng khu vực I vượt kế hoạch, các mô hình sản xuất hiệu quả có bước phát triển,
lúa chất lượng cao chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu giống, các tiêu chí xây dựng
nông thôn mới được các địa phương tập trung thực hiện theo kế hoạch, công tác
bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được đặc biệt
quan tâm và đạt những kết quả tốt. Khu vực II vượt kế hoạch; giá trị xuất khẩu,
nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ; công tác xúc tiến đầu tư và đối thoại
doanh nghiệp có chuyển biến, phát triển doanh nghiệp tiếp tục tăng khá, đầu tư
công tiếp tục được tái cơ cấu, nợ đọng xây dựng cơ bản được xử lý theo kế hoạch.
Khu vực III gần đạt kế hoạch, hoạt động du lịch có dấu hiệu khởi sắc,
các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, y tế, văn
hóa, giáo dục... đạt những kết quả tốt. Việc ứng dụng công nghệ thông
tin thực hiện chính quyền điện tử có tiến bộ; công tác cải cách hành
chính và đấu tranh phòng, chống tham nhũng được chú trọng. An ninh chính trị và
trật tự xã hội được bảo đảm, số vụ tội phạm giảm so với cùng kỳ...
Bên cạnh những
mặt đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn một số vấn đề tồn tại và khó
khăn đáng chú ý là: việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
còn yếu, thiếu nguồn lực xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu trong
khu vực I còn chậm; chất lượng dịch vụ chưa được cải thiện nhiều,việc ứng dụng
chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất còn yếu, thiếu vốn đầu tư cho
khoa học - công nghệ; sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp nhỏ còn thấp;
chưa có cơ chế đột phá trong thu hút đầu tư. Thu hút đầu tư trực tiếp nước
ngoài còn hạn chế. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và doanh
nghiệp được quan tâm nhưng đôi lúc còn chậm. Thu cân đối ngân sách địa phương
chưa đáp ứng nhu cầu chi; một số công trình, dự án do nhà nước và doanh nghiệp
đầu tư còn chậm tiến độ, do thiếu vốn và vướng mắc trong công tác giải phóng mặt
bằng. Thiên tai diễn biến phức tạp, nguồn lực đầu tư để ứng phó còn hạn chế. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân có bước tiến bộ nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất
là ở tuyến cơ sở trang thiết bị chẩn đoán và
điều trị hiện đại còn ít, một số công trình đưa vào sử dụng nhanh xuống cấp,... Bệnh sốt xuất
huyết đang diễn biến phức tạp. Việc giải quyết các thủ
tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu của
người dân và doanh nghiệp, tinh thần,
thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao. Số đơn thư khiếu nại tăng so cùng kỳ, tai nạn
giao thông tăng trên 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương)...
Điều 2.
Hội đồng
nhân dân tỉnh thống nhất với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát
triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2018 với những nội dung chủ yếu
là:
1. Mục tiêu
“Đẩy mạnh
công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển
kinh tế theo chiều sâu; khai thác tốt tiềm năng; tăng cường công tác đối ngoại;
đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Giữ vững quốc phòng - an ninh, kỷ luật, kỷ cương; phòng chống tham nhũng, lãng
phí”.
2. Các chỉ tiêu chủ
yếu năm 2018
a) Lĩnh vực
kinh tế
(1) Tốc độ tăng
trưởng kinh tế GRDP tăng 6,8 - 7,2%, trong đó, khu vực I tăng 2,2%, khu vực II
tăng 11%, khu vực III tăng 7,8%.
(2) GRDP bình
quân đầu người đạt 36,75 triệu đồng/người, tương đương 1.633 USD, tăng 8,2% so
cùng kỳ.
(3) Cơ cấu
kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I từ 30,9% còn 29,89%,
tăng tỷ trọng khu vực II từ 22,48% lên 23,41% và khu vực III từ 46,61% lên
46,7%.
(4) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn theo giá hiện hành
17.565 tỷ đồng, tăng 5,5% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so
với GRDP chiếm 61,6%.
(5) Tổng thu
ngân sách nhà nước trên địa bàn 6.433,397 tỷ đồng, bằng 86,72% so cùng kỳ,
trong đó: thu nội địa 2.735 tỷ đồng, bằng 94,64% so cùng kỳ. Tổng chi
6.076,697 tỷ đồng, bằng 89,12% so cùng kỳ, trong đó, chi đầu tư phát triển
2.351,401 tỷ đồng, bằng 93,63% so cùng kỳ.
(6) Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ của các tổ
chức tín dụng là 1.060 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ
thu ngoại tệ đạt 790 triệu USD, tăng 6,7% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập
khẩu 270 triệu USD, bằng 87,1% so cùng kỳ.
(7) Chỉ số giá tiêu
dùng (CPI) bình quân dưới 7% (không vượt quá bình quân cả nước).
b) Lĩnh vực văn hóa - xã hội
(8) Dân số trung bình khoảng 775.632 người;
tỷ lệ tăng dân số trung bình 2,2%o, trong đó tỷ lệ tăng dân số tự
nhiên 10,5 %0.
(9) Giảm tỷ lệ
hộ nghèo trên 2%/năm.
(10) Số lao
động được tạo việc làm là 15.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt
46%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 3,5%; tỷ lệ thiếu việc
làm khu vực nông thôn còn 1,5%.
(11) Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia
chiếm 60 - 65% tổng số trường, số sinh viên trên 10.000 người dân là 172
sinh viên.
(12) Tỷ lệ xã
đạt chuẩn quốc gia về y tế 100%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới
12,3%; số
bác sĩ trên 10.000 người dân là 7,3 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 người
dân là 29,27 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 82,5%, tuổi
thọ trung bình 75 tuổi.
(13) Số thuê bao điện thoại/100 dân là 80
điện thoại; số thuê bao Internet băng thông rộng/100 dân đạt 6,2 thuê bao;
diện tích nhà ở bình quân/người 22 - 23 m2.
(14) Xây dựng công nhận mới 04 xã nông thôn mới, nâng tổng số xã
nông thôn mới lên 25/54 xã, đạt 46,29% tổng số xã, các xã còn lại đạt
trên 10 tiêu chí. Công nhận mới 02 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh
đô thị.
c) Tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững
(15) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 1,92%.
(16) Tỷ lệ dân số nông
thôn được cấp nước hợp vệ sinh 96%; tỷ lệ dân số thành thị được cấp
nước sạch 91%.
(17) Tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở đô thị
83%; tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế đạt tiêu chuẩn 80%; tỷ lệ khu,
cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung
đạt chuẩn 33,3%.
d) Lĩnh vực
quốc phòng - an ninh
(18) Xây dựng
lực lượng quân sự, công an chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng lực
lượng dân quân tự vệ đạt đúng theo quy định của Quân khu. Hoàn thành tốt công
tác huấn luyện, diễn tập, giáo dục bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an
ninh và công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ.
(19) Đảm bảo
an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác cải cách tư
pháp, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm; kéo giảm tai nạn giao thông 5
- 10%.
3. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu
a) Về kinh
tế
- Tập trung triển khai thực hiện Chương trình Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng
trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tích cực
vận dụng các cơ chế, chính sách để huy động hợp lý các nguồn vốn thuộc mọi
thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển. Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp,
doanh nghiệp và triển khai hiệu quả các đề án trong lĩnh vực nông
nghiệp, công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện
tái cơ cấu đầu tư công theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, trong
đó, tập trung vốn cho các công trình kết cấu hạ tầng, các dự án cấp thiết, sớm
hoàn thành và đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả. Đẩy mạnh thu hút và giải
ngân các nguồn vốn FDI, ODA và NGO; nâng cao chất lượng quy hoạch. Phấn đấu
đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,8 - 7,2%.
- Sử dụng
hiệu quả vốn đầu tư công, thực hiện đúng Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách
Nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng; khuyến khích công tác xã hội hóa đầu tư
vào các lĩnh vực: Giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa - thể thao,
chợ…
- Thực hiện tốt các giải pháp cải
thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần
kinh tế phát triển nhanh và ổn định, triển khai nhanh các dự án trong các khu,
cụm công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa dự án vào hoạt động.
- Chú trọng tổ chức xúc tiến thương mại
để nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh có thêm thị trường tiêu thụ trong và ngoài
nước; thường xuyên theo dõi tình hình phát triển doanh nghiệp, thực hiện chủ
trương lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu
tư, kinh doanh và phát triển; tổ chức đối thoại công khai định kỳ với cộng đồng
doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tăng cường các biện
pháp thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa liên thông ở các sở ngành và địa phương.
Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi
mới sáng tạo, hướng đến mục tiêu có 800 doanh nghiệp thành lập mới trong năm
2018.
- Mở rộng thị
trường xuất khẩu và phát triển thị trường tiêu dùng trong nước. Tăng cường công
tác quản lý thị trường, nhất là quản lý về giá. Xây dựng cải tạo
hệ thống chợ đáp ứng ngày càng
cao nhu cầu đời sống của nhân dân; nâng
cao chất lượng các ngành dịch vụ, mở rộng mạng lưới
dịch vụ trong nông thôn.
- Tiếp tục đẩy
mạnh xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững
trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ,
ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và
thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống Nhân
dân. Tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt, đúng
tiến độ các Chương trình, đề án, dự án trọng điểm về nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu,
hạn mặn, như: Nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2016, định
hướng đến năm 2020; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa
bàn tỉnh; Đề án phát triển giống
cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 -
2020; Đề án phát triển Trạm bơm điện tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020; hoàn thiện các chuỗi giá trị 10 sản phẩm nông
nghiệp chủ lực của tỉnh (lúa, mía, bưởi, cam sành, khóm, xoài, quít, chanh
không hạt, cá thát lác, cá rô đồng). Tổ chức lại sản xuất theo tổ hợp
tác, Hợp tác xã kiểu mới.
- Quản lý chặt
chẽ thu chi ngân sách nhà nước. Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tăng cường
huy động vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế -
xã hội. Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công. Triển khai
nhanh kế hoạch chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần.
- Duy trì
tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với nhu cầu phát triển của địa
phương và định hướng của Trung ương, đưa nợ xấu về dưới mức quy định.
- Trong điều
hành kinh tế - xã hội, thường xuyên lồng ghép nội dung thích ứng với biến đổi
khí hậu và tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành,
địa phương.
b) Về văn
hóa - xã hội, an sinh xã hội
- Tiếp tục
nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chú trọng công tác y tế dự phòng, nâng cao
sức khỏe tầm vóc người Việt Nam, ưu tiên đầu tư để tạo bước chuyển biến toàn diện về
nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ chế hoạt động của y tế cơ sở,
nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu; phát triển đội ngũ
bác sỹ gia đình và lồng ghép mô hình bác sỹ gia đình vào y tế tuyến cơ sở. Chủ động phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục
vụ của cán bộ y tế, lấy người bệnh làm trung tâm và hướng tới sự hài lòng của
người bệnh. Phát triển bảo hiểm y tế toàn dân đạt chỉ tiêu 82,5%;
quan tâm phát triển y tế ở vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ cho người
nghèo, các đối tượng chính sách trong khám chữa bệnh. Tăng cường quản lý nhà nước
về công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm pháp
luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm, ngăn chặn
hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng hóa không bảo đảm chất lượng vệ an
toàn vệ sinh thực phẩm, không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của
người dân và doanh nghiệp.
- Tập
trung triển khai đề án trường đạt chuẩn Quốc gia tỉnh Hậu Giang giai
đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch xây dựng trường học đạt tiêu chí nông thôn
mới giai đoạn 2016 - 2020. Phấn đấu năm 2018, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc
gia 60 - 65%. Đẩy mạnh xã hội hóa việc huy động các nguồn lực
cho phát triển giáo dục và đào tạo. Tiếp tục điều chỉnh mạng lưới trường lớp
phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát triển đội
ngũ nhà giáo, nâng cao năng lực của cán bộ quản lý giáo dục. Đổi mới mạnh mẽ
phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, chất lượng giáo
dục toàn diện.
- Nhân
rộng các mô hình, dự án khoa học - công nghệ, chú trọng vào lĩnh vực
nông nghiệp, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng hàm lượng khoa học - công nghệ,
trí tuệ trong sản phẩm và hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích từ
nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ nông sản với các hình thức hợp tác, liên kết
phù hợp.
- Tiếp tục
củng cố, nâng chất và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch, thông
tin và truyền thông gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã văn hóa nông
thôn mới và phường, thị trấn văn minh đô thị. Chú trọng và nâng cao chất
lượng các chương trình nghệ thuật, tác phẩm, sản phẩm văn hóa nghệ thuật. Tiếp
tục đào tạo vận động viên năng khiếu, đảm bảo lực lượng kế thừa, nâng cao chất
lượng các đội tuyển tham gia các giải khu vực, toàn quốc đạt kết quả tốt ở các
môn chủ lực của tỉnh. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao
khả năng khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh.
- Nâng cao
chất lượng công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị; cung cấp thông tin
và dịch vụ hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp trên cơ sở đẩy mạnh
ứng dụng công nghệ thông tin.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách bảo đảm
an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo
trợ xã hội và “Đền ơn đáp nghĩa”. Tăng nhanh tỷ lệ dân số được tham gia các loại
hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp. Tổ chức chu đáo các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa
trong dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, thăm hỏi các gia đình chính sách, người có
công, người nghèo và quan tâm các đối tượng bảo trợ xã hội.
- Thực hiện
hiệu quả các chương trình dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là cho thanh
niên, lao động nông thôn và sinh viên mới tốt nghiệp.
- Triển khai các nội dung thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo theo
chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Tăng cường đối
thoại với hộ nghèo, có chính sách để giảm nghèo nhanh đối với đồng bào dân tộc
thiểu số. Phát động sâu rộng phong
trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn xã hội.
- Tiếp tục
triển khai các chương trình hỗ trợ, giải quyết nhà ở cho các nhóm đối tượng gặp
khó khăn về nhà ở, hoàn thành Đề án Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
- Thực hiện tốt việc quản lý chất thải
rắn trên địa bàn, nhất là rác thải y tế. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự
án nước sạch, trạm xử lý nước thải, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, khu
dân cư. Đẩy mạnh xã hội hoá và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác bảo
vệ môi trường. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại khu vực
nông thôn, các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, lưu vực sông, cơ sở sản xuất có
nguy cơ gây ô nhiễm nặng. Thực hiện nhất quán chủ trương không đánh đổi môi trường
vì lợi ích kinh tế. Chủ động nâng cao khả năng phòng tránh, hạn chế tác động xấu
của thiên tai, của biến đổi khí hậu, sạt lở....
c) Về xây dựng
hệ thống chính quyền
- Xây dựng bộ
máy chính quyền tinh gọn, trong sạch, vững mạnh. Chấn chỉnh phong cách lề lối làm việc của cán bộ, công chức.
Nâng cao chất lượng hội nghị, chất lượng ban hành văn bản, đặc biệt là văn bản
quy phạm pháp luật. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo
dục pháp luật.
- Đề cao
trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện
chấn chỉnh, xử lý kịp thời các thiếu sót, vi phạm trong hoạt động quản lý nhà
nước, quản lý kinh tế - xã hội và việc chấp hành chính sách, pháp luật của các
tổ chức, cá nhân, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố
cáo và những bức xúc của Nhân dân. Tích cực điều tra làm rõ các phản ánh, tố
cáo của Nhân dân, kịp thời khen thưởng người có tố cáo đúng và có biện pháp bảo
vệ những người tố cáo.
- Tiếp tục thực
hiện biên chế công chức và biên chế viên chức tỉnh Hậu Giang năm 2018 theo Nghị
quyết số 18/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh về điều chỉnh biên chế công
chức và biên chế viên chức tỉnh Hậu Giang năm 2017, khi có Quyết định của Trung
ương phân bổ biên chế năm 2018 cho tỉnh, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh theo quy định.
d) Về
quốc phòng, an ninh
- Tăng cường
quốc phòng, an ninh, đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội; đấu
tranh, phòng, chống tội phạm, kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông; đẩy
mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.
- Tăng cường công tác xây dựng lực lượng vũ trang trong sạch,
vững mạnh, từng bước xây dựng hoàn chỉnh cơ quan Công an, Quân sự cấp huyện,
xã; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho lực lượng vũ trang, chủ động xử lý
các tình huống, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Gắn kết phát triển kinh tế với quốc phòng, an
ninh.
Điều 3.
Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức
thực hiện nghị quyết.
Hội đồng
nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ
đại biểu Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát quá
trình thực hiện nghị quyết.
Nghị quyết
này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang Khóa IX kỳ họp thứ Bảy thông qua
ngày 08 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 18 tháng 12 năm 2017./.
Nơi
nhận:
- Văn
phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN và các Đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- HĐND, UBND, UBMTTQVN cấp huyện;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu VT.
|
CHỦ TỊCH
Huỳnh Thanh Tạo
|