NGHỊ QUYẾT
ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂY NINH ĐẾN
NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 16
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07
tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11
tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản
lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01
tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật
Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 97/2002/QĐ-TTg ngày 22
tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch
Việt Nam thời kỳ 1995-2010;
Căn cứ Nghị quyết số 26/2006/NQ-HĐND ngày 26
tháng 9 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh về Quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2006-2020;
Sau khi xem
xét Tờ trình số 773/TTr-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân
tỉnh Tây Ninh về Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh
đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và
Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất thông qua điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển
du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, với những nội
dung chính sau:
1. Quan điểm phát triển
a) Phát triển du lịch Tây Ninh đặt trong mối
liên hệ với các tỉnh, thành phố trong khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, khu
vực Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long với thị trường Campuchia và các
nước ASEAN;
b) Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế
mũi nhọn của tỉnh trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế, nét đặc thù, đặc
trưng của tỉnh về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa lịch sử;
đồng thời, chú trọng công tác bảo vệ môi trường tự nhiên sinh thái của tỉnh;
c) Thực hiện xã hội hóa đầu tư, bảo vệ, tôn tạo
các di tích, cảnh quan môi trường, các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các
làng nghề phục vụ phát triển du lịch; huy động tối đa nguồn lực trong nước và
tăng cường, mở rộng mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ quốc tế để phát triển du lịch.
2. Mục tiêu phát triển ngành du lịch tỉnh Tây
Ninh
a) Phát triển du lịch bền vững, khai thác hiệu
quả tiềm năng du lịch của tỉnh, tăng dần tỷ trọng đóng góp của du lịch cho GDP
của tỉnh;
b) Thúc đẩy tiêu dùng và phát triển nhiều loại dịch
vụ để lôi kéo các ngành kinh tế khác phát triển, tạo việc làm, góp phần giảm
nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân;
c) Cải tạo cảnh quan môi trường, nâng cao trình
độ dân trí, tạo điều kiện cho nhân dân đi du lịch trong nước và ngoài nước thuận
lợi.
3. Một số chỉ tiêu chủ yếu
- Tổng doanh thu du lịch: tăng trưởng bình quân
giai đoạn 2010 – 2015 là 18,92%/năm và giai đoạn 2015 – 2020 là 16,42%/năm (đạt
1.292,237 tỷ đồng vào năm 2015 và 2.764,128 tỷ đồng vào năm 2020);
- GDP du lịch: tăng trưởng bình quân giai đoạn
2010 – 2015 là 17,06%/năm và giai đoạn 2015 – 2020 là 12,96%/năm (đạt 22,85 triệu
USD vào năm 2010; đạt 50,24 triệu USD vào năm 2015 và đạt 82,39 triệu USD vào
năm 2020);
- Khách du lịch: Tốc độ tăng trưởng bình quân
giai đoạn 2010-2015 là 3,88%/năm, giai đoạn 2015-2020 là 4,48%/năm (đạt 2,501
triệu lượt khách vào năm 2015 và 3,115 triệu lượt khách vào năm 2020).
4. Định hướng phát triển du lịch
a) Các loại hình sản phẩm du lịch chính
- Du lịch văn hóa, lịch sử, lễ hội;
- Du lịch sinh thái, về nguồn, nghỉ dưỡng;
- Du lịch cửa khẩu, mua sắm, caravan.
b) Không gian du lịch
- Khu vực Núi Bà Đen - Hồ Dầu
Tiếng bao gồm : Núi Bà Đen, Hồ Dầu Tiếng, Tòa
thánh Cao Đài Tây Ninh, Khu du lịch sinh thái Long Điền Sơn, Khu kinh tế cửa khẩu
Mộc Bài và vùng phụ cận;
- Khu vực quần thể di tích lịch sử Cách mạng
Miền Nam, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát bao gồm: Vườn quốc gia Lò Gò - Xa
Mát, Cửa khẩu Xa Mát, Căn cứ Trung ương cục Miền Nam, Căn cứ Ban An ninh Miền,
Căn cứ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Căn cứ Mặt trận
dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, sân bay Thiện Ngôn, tháp Chót Mạt và phụ
cận.
c) Hình thành và phát triển các tuyến du lịch trọng
điểm
- Tuyến du lịch quốc tế tập trung xây dựng
và phát triển các tuyến du lịch qua cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát.
- Tuyến du lịch liên tỉnh:
+ Tuyến Tây Ninh - Miền Đông Nam bộ và duyên hải
Nam Trung bộ;
+ Tuyến Tây Ninh - Đồng bằng sông Cửu Long;
+ Tuyến Tây Ninh – Tây Nguyên.
- Tuyến du lịch nội tỉnh
+ Tuyến du lịch thị xã Tây Ninh – núi Bà Đen - Hồ
Dầu Tiếng;
+ Tuyến du lịch thị xã Tây Ninh - Mộc Bài;
+ Tuyến du lịch phía bắc Tây Ninh;
+ Tuyến du lịch dọc sông Sài Gòn;
+ Tuyến du lịch dọc sông Vàm Cỏ Đông.
d) Xác định thị trường mục tiêu
- Thị trường nước ngoài: tập trung
khai thác và phát triển thị trường du lịch khách quốc tế khu vực ASEAN, Trung
Quốc, Nhật Bản, Pháp và Mỹ; trong đó, chú trọng thị trường Campuchia, Thái Lan,
Malaysia, Myanmar với các sản phẩm du lịch ưu tiên phát triển như: Du lịch caravan
theo đường xuyên Á; du lịch mua sắm; du lịch tín ngưỡng, tôn giáo; du lịch sinh
thái Hồ Dầu Tiếng; du lịch thể thao cao cấp (golf); ngoài ra, khai thác các sản
phẩm bổ trợ để kéo dài thời gian du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Thị trường trong nước: tập trung phát
triển và khai thác các thị trường trong nước của du lịch Tây Ninh: Thành phố Hồ
Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long;
chú trọng thị trường nội tỉnh.
5. Phân kỳ đầu tư
Ngân sách Nhà nước tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở
các dự án đầu tư trong khu du lịch cấp quốc gia, khu du lịch trọng điểm; đầu tư
đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo
nguồn nhân lực trong giai đoạn đầu hội nhập kinh tế quốc tế, đầu tư các chương
trình quảng bá xúc tiến phát triển du lịch.
Giai đoạn 2009 – 2015: 3.264,632 tỷ đồng (ba
ngàn hai trăm sáu mươi bốn tỷ sáu trăm ba mươi hai triệu đồng)
- Tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở các
khu vực trọng điểm: Khu Du lịch núi Bà Đen, Khu Du lịch Ma Thiên Lãnh, Vườn quốc
gia Lò Gò - Xa Mát, căn cứ Trung ương cục Miền Nam và Khu du lịch Hồ Dầu Tiếng;
- Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nâng cao năng lực
phục vụ, phát triển mở rộng hệ thống cơ sở lưu trú;
- Đầu tư cho hoạt động tuyên truyền quảng bá và
các hoạt động giáo dục cộng đồng và tạo nguồn nhân lực.
Giai đoạn từ sau 2015 – 2020: 2.624,442 tỷ
đồng (hai ngàn sáu trăm hai mươi bốn tỷ bốn trăm bốn mươi hai triệu
đồng)
- Tập trung đầu tư: Khu du lịch sinh thái Mộc
Bài; khu du lịch sinh thái bến Trường Đổi; hệ thống các điểm du lịch sinh thái
trên sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn;
- Đầu tư nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch
mới; mở rộng các cơ sở đào tạo và tiếp tục đầu tư cho công tác xúc tiến tuyên
truyền, quảng bá du lịch.
Cơ cấu nguồn vốn đầu tư
- Vốn ngân sách Nhà nước tối thiểu 20%, trong
đó:
+ Ngân sách Trung ương 10%;
+ Ngân sách địa phương 10%;
- Vốn ngoài ngân sách 80% gồm vốn tích luỹ của
các doanh nghiệp du lịch, vốn vay ngân hàng, vốn đầu tư tư nhân, vốn liên doanh
trong nước, vốn FDI và các nguồn vốn khác.
6. Các giải pháp chủ yếu thực hiện
- Tạo môi trường pháp lý cho việc quản lý hoạt động
du lịch, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển du lịch
phù hợp với tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế của cả nước;
- Cải cách hành chính và đơn giản hóa các thủ tục
liên quan đến khách du lịch và doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Kêu gọi đầu tư
vào các khu du lịch, các dịch vụ du lịch. Khuyến khích và hỗ trợ cho các đơn vị
kinh doanh du lịch của tỉnh thiết lập mạng lưới đại lý kết nối trong tỉnh với
ngoài tỉnh;
- Kết hợp
có hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và các nguồn lực từ các
thành phần kinh tế vào đầu tư phát triển du lịch theo chủ trương xã hội hóa
phát triển du lịch. Chú trọng đầu tư tu bổ, tôn tạo và bảo vệ các di tích văn
hóa, lịch sử và khôi phục phát triển các lễ hội, làng nghề truyền thống phục vụ
du lịch;
- Kết hợp linh hoạt các hình thức tuyên truyền
như hội chợ, hội thảo, triển lãm và các phương tiện thông tin tuyên truyền khác
để xúc tiến quảng bá, thu hút và kêu gọi đầu tư phát triển ngành du lịch phù hợp
với định hướng phát triển thị trường du lịch ở trong và ngoài nước. Hình thành
các văn phòng tiếp thị du lịch tại các thị trường lớn; thông qua các phương tiện
thông tin đại chúng giới thiệu, quảng bá về du lịch Tây Ninh; xây dựng thương
hiệu cho các dịch vụ du lịch;
- Có chính
sách thu hút lao động qua đào tạo, chất lượng cao từ các địa phương và khu vực
khác kể cả lao động nước ngoài để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện tại
đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trong thời kỳ
hội nhập; tập trung khai thác, đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương; chú trọng
đào tạo lao động trực tiếp có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu sử dụng của các nhà
đầu tư du lịch, đảm bảo yêu cầu sử dụng lao động địa phương;
- Hình thành cơ sở dạy nghề, đào tạo trung cấp
nguồn nhân lực du lịch theo chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo tiêu
chuẩn quốc gia cho ngành du lịch, gắn lý thuyết với thực hành nâng cao chất lượng
giảng dạy và ứng dụng. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng các thành quả
khoa học và công nghệ vào hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch;
- Nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ tài nguyên,
môi trường du lịch cho khách du lịch và cộng đồng dân cư thông qua phương tiện
thông tin đại chúng, các phương pháp giáo dục cộng đồng với nhiều hình thức
khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế về đặc điểm kinh tế, xã hội và văn hóa
của cộng đồng dân cư các địa phương.
Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng
nhân dân tỉnh thông qua.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này đảm
bảo đúng quy định.
Điều 4. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban kinh tế và Ngân sách
Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức kiểm tra giám
sát thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh
Tây Ninh Khóa VII, kỳ họp thứ 16 thông qua./.