Nghị quyết số 109-CP về một số chính sách cụ thể đối với đồng bào các dân tộc và cán bộ vùng cao do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 109-CP
Ngày ban hành 19/06/1973
Ngày có hiệu lực 04/07/1973
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 109-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 06 năm 1973

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CỤ THỂ ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC VÀ CÁN BỘ VÙNG CAO

Vùng cao nằm trên một diện tích tương đối lớn ở miền Bắc nước ta, có vị trí quan trọng về chính trị, quốc phòng, kinh tế và có nhiều đặc điểm khác biệt so với các vùng khác.

Trong những năm qua trình độ mọi mặt của nhân dân các dân tộc vùng cao đã có tiến bộ hơn trước. Tuy nhiên, đến nay sản xuất của nhân dân ở nhiều nơi chưa ổn định, tệ phá rừng còn nghiêm trọng, đời sống vật chất và văn hóa chưa được nâng cao đúng mức, đội ngũ cán bộ dân tộc thiếu và yếu, nhất là ở cơ sở.

Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng chung trong giai đoạn mới, các ngành ở trung ương và Ủy ban hành chính các khu, tỉnh miền núi phải có kế hoạch và biện pháp đẩy mạnh mọi mặt công tác ở vùng cao khai thác và sử dụng một cách hợp lý các khả năng đất đai và tài nguyên, phát huy khả năng lao động sáng tạo của nhân dân vùng cao, ngăn chặn tệ phá rừng nhằm phát triển kinh tế nhất là phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.

Để bảo đảm yêu cầu nói trên, công tác lớn và rất cơ bản là phải tập trung sức giúp đỡ và tạo điều kiện để nhân dân xác định được phương hướng sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng và đi vào làm ăn theo phương hướng mới. Ủy ban hành chính các khu tự trị và các tỉnh có vùng cao phải căn cứ vào điều kiện đất đai, khí hậu ở từng nơi và căn cứ vào quy hoạch chung mà hướng dẫn, giúp đỡ và chỉ đạo từng vùng chuyển từ sản xuất bằng cách phá rừng làm nương rẫy, sản xuất lương thực tự túc, sang trồng rừng, cải tạo bảo vệ rừng, trồng cây công nghiệp, cây đặc sản, thâm canh cây lương thực, phát triển chăn nuôi, thực hiện định canh định cư. Ủy ban Nông nghiệp trung ương, Tổng cục Lâm nghiệp và các ngành có liên quan khác phải ra sức giúp đỡ các khu tự trị, các tỉnh có vùng cao trong việc quy hoạch các vùng lớn, xác định phương hướng sản xuất cho từng vùng, xây dựng những cơ sở vật chất và kỹ thuật cần thiết để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, mở rộng ngành nghề theo hướng mới.

Ủy ban Dân tộc trung ương phải phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan và các Ủy ban hành chính các khu tự trị, các tỉnh miền núi để nghiên cứu kịp thời, toàn diện các chính sách đối với vùng cao và trình Thường vụ Hội đồng Chính Phủ xét.

Trước mắt, để giải quyết khó khăn cho vùng cao và tạo thêm điều kiện cho vùng cao đẩy mạnh phát triển kinh tế văn hóa, Thường vụ Hội đồng Chính Phủ quyết định ban hành một số chính sách cụ thể sau đây đối với đồng bào các dân tộc và cán bộ vùng cao.

1. Về chính sách đầu tư vốn góp giúp các vùng cao xây dựng cơ sở ban đầu cho sản xuất, đời sống và văn hóa.

 Để giúp nhân dân các vùng cao xây dựng cơ sở sản xuất lâu dài và tổ chức việc ăn ở ổn định, cần phát huy sức lao động to lớn, cần cù và dũng cảm của nhân dân tự lực cánh sinh, đồng thời Nhà nước cũng ra sức giúp đỡ vốn đầu tư xây dựng những công trường khó thu hồi vốn, hoặc lâu năm mới thu hồi được vốn như: khai hoang mở rộng diện tích và xây dựng đồng ruộng làm giao thông và xây dựng những cơ sở cần thiết phục vụ cho việc học hành, chữa bệnh,v.v...

Đối với các loại vốn đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng có thể thu hồi tương đối nhanh, thì Ngân hàng Nhà nước cho vay với lãi suất nhẹ.

Vốn Nhà nước trợ cấp hay Ngân hàng cho vay phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng tập trung và dứt điểm từng vùng, nhằm giúp đỡ thiết thực cho đồng bào các dân tộc vùng cao xây dựng được cơ sở sản xuất lâu dài, đời sống và văn hóa một cách ổn định, chú trọng các vùng trọng điểm cần được định canh định cư và phát triển sản xuất nhanh, sau đó sẽ lần lượt làm ở các vùng khác.

Hàng năm, khi xây dựng kế hoạch, các địa phương phải có kế hoạch xây dựng những cơ sở ban đầu về sản xuất, đời sống và văn hóa cho các vùng cao, bao gồm kế hoạch tiền vốn, lương thực, vật tư…mà Nhà nước phải đầu tư.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các ngành có trách nhiệm để hướng dẫn cụ thể việc giúp đỡ vốn và cho vay vốn nói trên.

2. Chính sách thuế nông nghiệp và chính sách lương thực, thực phẩm đối với vùng cao.

a) Để tạo điều kiện cho các dân tộc vùng cao đi vào làm ăn theo phương hướng sản xuất mới, từ nay Nhà nước miễn thu thuế nông nghiệp ở các vùng cao. Ở những nơi diện tích ruộng đất ít, sản xuất lương thực không ổn định, phải phá rừng làm nương rẫy, nay chuyển sang nghề rừng, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi... đều được miễn không phải làm nghĩa vụ bán lương thực cho Nhà nước. Nhà nước cũng không thu mua lương thực theo giá cao ở những nơi này. Thay vào các nghĩa vụ trên, đồng bào các đân tộc sẽ bán các sản phẩm khác cho Nhà nước, tham gia lao động xây dựng những cơ sở vật chất và kỹ thuật để phục vụ lợi ích chung trong vùng.

Khi thi hành chính sách miễn thuế nông nghiệp và chính sách nghĩa vụ lương thực trên đây, tỉnh nào bị hụt mức ổn định nghĩa vụ lương thực sẽ được điều chỉnh lại.

b) Việc bán thịt lợn cho Nhà nước theo nghĩa vụ và bán thịt lợn theo giá khuyến khích cũng không đặt ra đối với các vùng cao chưa có cơ sở sản xuất ổn định. Ủy ban hành chính các huyện vùng cao phải có kế hoạch tổ chức chăn nuôi quốc doanh và hướng dẫn giúp đỡ nhân dân các thị trấn phát triển chăn nuôi mà không được phá rừng, để bảo đảm có thịt cho cán bộ, công nhân viên và nhân dân.

c) Tăng thêm tiêu chuẩn cung cấp lương thực cho mỗi cán bộ, công nhân, viên chức thường xuyên công tác ở vùng cao lên 21 kilôgam mỗi tháng (kể cả ăn sáng).

d) Tất cả các học sinh cấp II và cấp III ở nội trú được mua lương thực ăn theo tiêu chuẩn hàng tháng đã quy định cho từng lứa tuổi; những học sinh ở với gia đình cũng được mua theo tiêu chuẩn quy định (nếu Nhà nước điều hòa cung cấp lương thực chung rồi thì được mua thêm phần chênh lệch cho bản thân học sinh). Học sinh các trường thanh niên dân tộc có nhiệm vụ vừa học, vừa làm nếu không trồng lương thực hoặc không tự túc đủ lương thực cũng được cung cấp lương thực theo nhu cần thực tế của từng trường.

e) Mỗi xã vùng cao mỗi tháng được mua cung cấp số lương thực bằng khoảng 3 suất ăn thường xuyên tiêu chuẩn Nhà nước đã quy định để cán bộ chủ chốt của xã trong những ngày phải thường trực làm việc tại trụ sở xã. Ngoài ra mỗi xã, mỗi năm được mua một số lương thực dùng cho các hội nghị chung của xã. Cán bộ, công nhân, viên chức người dân tộc bận công tác, có gia đình ở vùng cao, không đủ lương thực ăn thì được xét cho mua một số lương thực gia đình.

3. Về chính sách giá cả đối với mọt số mặt hàng thiết yếu cho đời sống các dân tộc miền núi.

a) Muối: giá muối ở miền núi nói chung đều giảm xuống 0đ40 một kilôgam. Nơi nào đã bán giá muối dưới 0đ40/kg nay vẫn giữ nguyên.

b) Dầu hỏa: nói chung đều giảm giá xuống theo khu vực IV (1đ56/kg).

c) Vải: giá vải trước đây đã bán theo khu vực IV nay được hạ xuống khu vực III.

4. Bổ sung và sửa đổi một số tiêu chuẩn dưới đây:

a) Tất cả nhân dân, cán bộ, công nhân, viên chức công tác thường xuyên ở vùng cao mỗi người hàng năm được mua 6 mét vải (kể cả tiêu chuẩn 1 mét vải theo thị hiếu dân tộc đã quy định trước đây). Nơi nào đã được phân phối theo tiêu chuẩn cao hơn vẫn được giữ nguyên.

b) Mỗi cán bộ, công nhân, viên chức thường xuyên công tác ở vùng cao, hàng tháng được mua đường gấp đôi tiêu chuẩn bình thường và cứ 3 năm được mua 1 áo bông, 5 năm dược mua một chăn bông, (không thu phiếu vải mua vỏ chăn). Những người thuộc diện được phát không áo bông, chăn bông theo quy định trước đây vẫn được giữ nguyên. Giáo viên người vùng cao cũng được cấp chăn bông theo tinh thần chỉ thị số 20-TTg ngày 10/3/1969 của Thủ tướng Chính Phủ.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ