Thông báo 304/TB-VPCP kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Phiên họp thứ năm ngày 19 tháng 7 năm 2023 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 304/TB-VPCP
Ngày ban hành 02/08/2023
Ngày có hiệu lực 02/08/2023
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Trần Văn Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 304/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ TẠI PHIÊN HỌP THỨ NĂM NGÀY 19 THÁNG 7 NĂM 2023

Ngày 19 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã chủ trì Phiên họp thứ năm của Ban Chỉ đạo, trực tuyến với 63 địa phương (sau đây gọi tắt là Phiên họp). Tham dự Phiên họp có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban thường trực; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Phó Trưởng ban; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện các thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ; Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC cấp tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 63 điểm cầu.

Sau khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban thường trực trình bày báo cáo công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Ban Chỉ đạo, các đại biểu tham dự Phiên họp phát biểu ý kiến, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ thống nhất kết luận như sau:

Đánh giá cao Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ đã chuẩn bị chu đáo các tài liệu phục vụ Phiên họp; các đại biểu đã có nhiều ý kiến minh họa thêm cho báo cáo trung tâm, đóng góp nhiều giải pháp xuất phát từ thực tiễn và các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. Cơ bản nhất trí với các báo cáo, kiến nghị, phát biểu của các đại biểu.

I. Một số kết quả nổi bật

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác CCHC; chính quyền địa phương các cấp đã hưởng ứng, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, bám sát thực tiễn để thực hiện với những kết quả cụ thể như sau:

1. Công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật luôn được Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo: Chính phủ đã tổ chức 05 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, đề xuất các vấn đề liên quan đến luật pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội; Chính phủ ban hành 44 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 18 Quyết định quy phạm tập trung tháo gỡ rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách.

2. Công tác cải cách TTHC có cải thiện, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh; các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 210 quy định kinh doanh; 10/22 Bộ đã công bố danh mục TTHC nội bộ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hoặc trước hạn của bộ, ngành tăng 10%, địa phương tăng 8% so với 2022.

3. Cải cách tổ chức bộ máy đạt kết quả tích cực, đến nay, Chính phủ ban hành 26 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan. 18 bộ, cơ quan đã ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý.

4. Thể chế về quản lý công chức, viên chức tiếp tục được hoàn thiện: đã có 07/20 bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và 05/15 bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.

5. Cải cách tài chính công được thực hiện tích cực, tập trung vào vấn đề tăng thu, giảm chi, tăng cường thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, giảm, miễn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, cơ cấu lại nhóm nợ, giãn, hoãn nợ...

6. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt: Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); 36/63 địa phương đã triển khai trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến được cải thiện: Gần 69% TTHC đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 21 triệu hồ sơ trực tuyến; hơn 5,5 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với 6,5 nghìn tỉ đồng... Việc triển khai thực hiện Đề án 06 được đẩy mạnh: Đã tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu và 10/28 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hàng năm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước trên 2.500 tỉ đồng; 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC...

II. Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm

1. Tồn tại, hạn chế

- Việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có nơi, có lúc chưa quyết liệt, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa sát với tình hình thực tiễn.

- Vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo đòi hỏi của tình hình thực tế hiện nay.

- Cải cách TTHC còn chậm, còn 676 quy định kinh doanh, gần 800 TTHC, giấy tờ công dân chưa được cắt giảm, đơn giản hóa; hơn 600 TTHC chưa được phân cấp; TTHC trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản (xuất nhập khẩu, các loại giấy phép trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...), quy định chồng chéo; công khai, minh bạch TTHC của một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm[1];

- Kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi, có lúc chưa nghiêm, còn xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; một bộ phận công chức, viên chức thiếu động lực trong thực hiện nhiệm vụ.

- Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập cần thực chất và hiệu quả hơn.

- Cơ chế tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn bất cập. Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ở một số bộ, ngành và địa phương còn chậm so với mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Việc xây dựng Chính phủ điện tử, nhất là ở các địa phương hiệu quả chưa cao, thậm chí có nơi còn hình thức; an ninh, an toàn thông tin còn chưa được quan tâm đúng mức...

2. Nguyên nhân, có cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chính là do người đứng đầu, cán bộ, công chức làm công tác CCHC chưa quyết tâm; việc nắm bắt diễn biến, tình hình chưa nhanh dẫn đến phản ứng chính sách còn chậm. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ vướng mắc về cơ chế, pháp lý, kinh phí, nguồn nhân lực...

3. Bài học kinh nghiệm

a) Bám sát tình hình thực tiễn, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để xử lý các vấn đề cụ thể; lấy thực tiễn làm thước đo để phản ứng chính sách; linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong cách tiếp cận, cách tư duy, xử lý.

b) Phân cấp, phân quyền mạnh hơn, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới.

c) Tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương các cấp, các ngành; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

d) Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của những cán bộ, công chức trực tiếp xử lý công việc của người dân, doanh nghiệp.

[...]