Nghị quyết 104/2017/NQ-HĐND Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và những năm tiếp theo

Số hiệu 104/2017/NQ-HĐND
Ngày ban hành 20/07/2017
Ngày có hiệu lực 30/07/2017
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Đặng Tuyết Em
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 104/2017/NQ-HĐND

Kiên Giang, ngày 20 tháng 7 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2020 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Xét Tờ trình số 129/TTr-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Báo cáo thẩm tra số 45/BC-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2017 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Điều 2. Hội đồng nhân dân giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang khoá IX, Kỳ họp thứ tư thông qua ngày 19 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 30 tháng 7 năm 2017./.

 

 

CHỦ TỊCH




Đặng Tuyết Em

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2020 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

Thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU, ngày 08 tháng 3 năm 2016 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 -2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và những năm tiếp theo (sau đây gọi là Đề án), cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2015

1. Về kinh tế, đời sống

Những năm qua kinh tế tỉnh Kiên Giang có tốc độ tăng trưởng khá, GRDP bình quân tăng 10,35%/năm. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.490 USD, gấp 1,85 lần so năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông lâm - thủy sản giảm từ 42,57% năm 2010 còn 35,14% năm 2015, dịch vụ tăng từ 33,04% lên 40,44%, công nghiệp - xây dựng giữ mức 24,42% năm 2015. Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2015 là 2,5%; tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 3,16% năm 2010 xuống còn 2,44% vào năm 2015: Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm lao động làm việc trong khu vực nông lâm thủy sản và tăng lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thay đổi rõ rệt: 100% tuyến đường từ huyện đến trung tâm xã trong đất liền được nhựa hóa; đường liên ấp, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt trên 64%; số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%, tỷ lệ dân số nước hợp vệ sinh đạt 87%.

Tuy nhiên, đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, đến năm 2015 toàn tỉnh còn 14 xã và 9 ấp đặc biệt khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực chuyển biến chưa nhiều; những hạn chế, yếu kém ở lĩnh vực khoa học và công nghệ, văn hóa, y tế, bảo vệ môi trường còn chậm khắc phục mạng lưới trường lớp còn phân tán, trường đạt chuẩn quốc gia, trường trọng điểm, trường chất lượng cao phát triển chậm; trường ngoài công lập còn ít, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu; đội ngũ nhà giáo còn thừa, thiếu cục bộ.

2. Về nguồn nhân lực

Dân số tỉnh Kiên Giang 1.762.281 người (năm 2015), lực lượng lao động có hoạt động kinh tế 1.101.380 người, trong đó lao động đang làm việc 1.074.485 người. Nguồn nhân lực trong doanh nghiệp là 63.642 người([1]), cơ cấu lao động có xu hướng giảm dần trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng dần trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; cụ thể lĩnh vực nông nghiệp chiếm 51,37%, giảm 11,74% so với năm 2010. Lĩnh vực công nghiệp chiếm 13,19%, tăng 1,69% và lĩnh vực dịch vụ chiếm 35,44%, tăng 10,05% so với năm 2010. Lao động đang làm việc qua đào tạo đạt 52%, tăng 22%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 43%, tăng 20,25% so với năm 2010; lao động đang làm việc biết chữ đạt 95,2% tăng 1% so với năm 2010; lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 3,3% trong lao động đang làm việc.

Cơ sở vật chất đào tạo, dạy nghề của tỉnh không ngừng đầu tư xây mới và nâng cấp. Toàn tỉnh hiện có 718 cơ sở ([2]) giáo dục và đào tạo, tăng 20 cơ sở so với năm 2010. Các cơ sở giáo dục và đào tạo, dạy nghề đã góp phần đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nâng cao trình độ, tay nghề, góp phần giải quyết việc làm.

Giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh đã triển khai đào tạo, bồi dưỡng cho 88.583([3]) lượt cán bộ, công chức, viên chức các cấp. Trong đó đào tạo về chuyên môn là 5.003 lượt người, đào tạo về lý luận chính trị là 5.444 lượt người, bồi dưỡng các loại là 78.136 lượt người. Đến năm 2015, toàn tỉnh có trên 36.000 người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, chiếm khoảng 2,04% dân số([4]); cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học là 22.225 người, chiếm 71,22%, trình độ trung cấp là 6.813 người, chiếm 21,83%. Cán bộ cấp xã có trình độ trung cấp trở lên chiếm 75%, tăng 19% so với năm 2010. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng với hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, kiến thức quản lý Nhà nước. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của tỉnh được nâng lên, phát triển về số lượng, chất lượng và cơ cấu, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được chuẩn hóa về trình độ, tiêu chuẩn, nghiệp vụ. Trên 95% cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; trên 98% cán bộ, công chức, viên chức cấp phòng đều đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Trên 80% cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo tiêu chuẩn trình độ chuyên môn; 100% được bồi dưỡng kiến thức kỹ năng lãnh đạo quản lý.

Nhân sự ngành giáo dục hiện có 23.568 người (ngoài công lập là 303 người), trong đó cán bộ quản lý: 1.494 người; giáo viên: 18.488 và nhân viên là 3.586 người; so với năm học 2010 - 2011, tăng 2.026 người (cán bộ quản lý 217, giáo viên 1.263, công nhân viên 546). Tỷ lệ cán bộ, giáo viên trẻ được đào tạo chính quy, đào tạo đạt chuẩn, trên chuẩn ngày càng tăng, bình quân mỗi năm tăng hơn 500 cán bộ, giáo viên các cấp, hiện có trên 99% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó có 01 phó giáo sư, 23 tiến sĩ, 536 thạc sĩ, 71 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ngày càng phát triển cả về chất và về lượng.

[...]