HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 10/2005/NQ-HĐND
|
Hà Nội, ngày 9 tháng 12 năm 2005
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH
QUỐC PHÒNG CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2006
HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIII KỲ HỌP THỨ NĂM
(từ ngày 07 đến ngày 09/12/2005)
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;
- Căn cứ các Báo cáo, Tờ trình do Thường trực
HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố trình tại kỳ họp;
- Căn cứ ý kiến của Ủy ban MTTQ Thành phố, ý
kiến cử tri, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND, thảo luận của các đại biểu HĐND
Thành phố,
QUYẾT NGHỊ
Điều 1: HĐND cơ bản tán thành các báo cáo, tờ trình của
UBND Thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, an ninh
quốc phòng năm 2005; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 của Thành
phố; Kế hoạch sử dụng đất năm 2006; Kế hoạch thực hiện Pháp lệnh nghĩa vụ lao động
công ích năm 2006; Danh mục các dự án nhóm A mới năm 2006; các báo cáo công tác
của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố. HĐND nhấn mạnh:
1.
Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố về nhiệm vụ kinh tế
xã hội, an ninh quốc phòng năm 2005
Năm 2005,
vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội Thủ đô tiếp tục phát
triển với những kết quả quan trọng và khá toàn diện: Đảm bảo giữ vững
an ninh chính trị, ổn định trật tự an toàn xã hội. Các chỉ tiêu kinh tế - xã
hội đều đạt và vượt so với kế hoạch. Một số chỉ tiêu tăng cao như: GDP ước tăng
11,16%, thu ngân sách tăng 15,7%, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.847 triệu
USD (tăng 5,3 lần so với năm 2004), kim ngạch xuất khẩu tăng 23,8%, xây dựng
mới 1,35 triệu m2 nhà ở, vận tải hành khách bằng xe buýt đạt
300 triệu lượt người. Khởi công và triển khai đúng tiến độ nhiều dự án hạ tầng
đô thị quan trọng. Văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực; công tác đấu
tranh, triệt phá các đường dây, tụ điểm tội phạm, tệ nạn xã hội được triển khai
quyết liệt và có kết quả. Quan hệ đối ngoại và hợp tác với các địa phương được
tăng cường, hội nhập kinh tế quốc tế có tiến bộ. Đời sống vật chất và tinh thần
của người dân được nâng lên.
Bên cạnh
kết quả đạt được còn một số hạn chế: công tác xã hội hóa đầu tư thực hiện
chậm và chưa mạnh mẽ; xây dựng một số cơ chế, chính sách chậm; cải cách hành
chính chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất còn khó khăn; xây
dựng quy hoạch chưa theo kịp yêu cầu; ùn tắc giao thông chưa giảm; quản lý chất
lượng một số công trình XDCB còn yếu...
2.
Nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2006
Nhiệm vụ và
mục tiêu chủ yếu năm 2006: Phát huy tối đa lợi thế, nguồn lực, đẩy mạnh
thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và sản xuất - kinh doanh, nâng cao chất
lượng và hiệu quả kinh tế để tăng trưởng cao và bền vững; ưu tiên phát triển
các ngành dịch vụ; chủ động thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế; kết
hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội và
bảo vệ môi trường, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tăng cường quản
lý và xây dựng đô thị, quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng khung đô thị; giữ
vững an ninh, quốc phòng, ổn định trật tự an toàn xã hội.
a/
Các chỉ tiêu chủ yếu:
- Tổng sản
phẩm trong nước (GDP) tăng 11,0 - 12,0%
+ Giá trị
tăng thêm công nghiệp mở rộng tăng: 12,5-13,5%
+ Giá trị
tăng thêm dịch vụ tăng: 10,5 - 11,5%
+ Giá trị
tăng thêm ngành nông - lâm - thủy sản tăng: 1,5-2%
- Doanh thu
du lịch tăng: trên 15%
- Kim ngạch
xuất khẩu trên địa bàn tăng: 16,0 - 18,0%
+ Kim ngạch
xuất khẩu địa phương tăng: 18%
- Tổng vốn
đầu tư xã hội tăng: 18-20%
- Thu ngân
sách trên địa bàn tăng: 13,5-14,5%
- Mức giảm
tỷ lệ sinh trong năm 2006: 0,080/00
- Tỷ lệ trẻ
em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: dưới 13,4%
- Tỷ lệ trẻ
em được tiêm chủng mở rộng: 99,5%
- Số lao
động được tạo việc làm mới: 81.000 - 85.000 người
- Số cai
nghiện tập trung cuối năm 2006: 9.200 chỗ
- Tỷ lệ phổ
cập giáo dục bậc THPT và tương đương: 76%
- Tỷ lệ học
sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày: 92%
- Tỷ lệ hộ
nghèo theo chuẩn mới: còn dưới 4,5%
- Tỷ lệ xã,
phường đạt chuẩn quốc gia về y tế: 82%
- Diện tích
nhà ở xây mới: 1.200.000m2
- Lượng
hành khách đi lại bằng xe buýt: 390 triệu lượt người
- Lượng
nước sạch tăng thêm: 70.000m3/ngày đêm
+ Giảm tỷ
lệ thất thu, thất thoát nước sạch: 3% (còn 32%)
b/
Một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu
1. Tập
trung chỉ đạo hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ 2005 chưa hoàn thành, chuyển
sang năm 2006 như: các chỉ tiêu về xã hội hoá, xây dựng cơ chế, chính sách...
Hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt các đề án phát triển thị trường trong 6
tháng đầu năm 2006 để tổ chức thực hiện. Tích cực xây dựng, ban hành các chương
trình, đề án, cơ chế, quy chế... để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội
Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ Thành phố và
các quy định mới của Nhà nước. Xây dựng và ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội 5 năm 2006 - 2010 của Thành phố.
2. Triển
khai xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Thủ đô. Rà soát, điều chỉnh
các quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với định hướng chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch vùng Thủ đô. Khẩn trương hoàn thành
việc phân cấp lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch theo Luật Xây dựng.
Triển khai
đúng tiến độ các dự án trọng điểm; thông xe kỹ thuật cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh
Trì. Kiểm soát chặt chẽ danh mục dự án đầu tư mới, không ghi kế hoạch vốn cho
các dự án không đủ thủ tục. Có biện pháp, cơ chế chống thất thoát, lãng phí,
quản lý chặt chẽ chất lượng các công trình xây dựng, đảm bảo chất lượng nhà ở
cho người có thu nhập thấp, nhà tái định cư phục vụ GPMB. Quan tâm xây dựng
đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho các khu tái định cư, các
khu đô thị, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng cho các quận Hoàng Mai, Long Biên,
huyện Sóc Sơn, Gia Lâm, Thanh Trì. Tập trung giải quyết các vấn đề dân sinh bức
xúc: cấp thoát nước, chiếu sáng ngõ xóm, vệ sinh môi trường... Thí điểm việc
chiếu sáng ngõ xóm rộng dưới 2m ở những nơi có điều kiện.
Thông qua
danh mục dự án nhóm A mới năm 2006 gồm: dự án Phát triển CNTT & truyền
thông Thành phố Hà Nội, Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội (Nhổn
- Ga Hà Nội), Thoát nước Hà Nội giai đoạn II và Phát triển giao thông đô thị Hà
Nội.
3. Tạo
chuyển biến mạnh mẽ trong huy động nguồn lực cho phát triển; Khuyến khích mọi
thành phần kinh tế, mọi người dân mở rộng sản xuất kinh doanh. Thành lập Trung
tâm xúc tiến đầu tư Thành phố. Công bố công khai danh mục, quy mô và địa điểm
các dự án đầu tư thuộc tất cả các lĩnh vực. áp dụng rộng rãi hình thức đấu thầu
dự án và đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ, nhất là các dịch vụ công cộng.
Hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới DNNN. Hoàn thành bàn giao toàn bộ lưới
điện nông thôn cho ngành điện quản lý và bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng.
Tiếp tục mở
rộng xã hội hoá, tập trung vào các dịch vụ đô thị, y tế, văn hóa, giáo dục -
đào tạo, TDTT... Vận hành, khai thác tốt 09 tuyến xe buýt đã đấu thầu năm 2004
và năm 2005, tiếp tục đấu thầu 02 tuyến xe buýt mới và 05 bãi đỗ xe. Thực hiện
xã hội hóa vệ sinh môi trường theo phương thức đấu thầu, đặt hàng tại 4 quận, 5
huyện. Đấu thầu quản lý, duy tu hệ thống đường giao thông tại quận Hoàn Kiếm,
huyện Từ Liêm, Sóc Sơn. Chuyển 14 trường mầm non công lập sang sự nghiệp có thu
toàn phần. Xây dựng 1 trường dạy nghề ngoài công lập, 2 bệnh viện tư nhân.
Thực hiện
kế hoạch huy động 2.450.000 ngày công lao động công ích và giao quận, huyện,
xã, phường, thị trấn điều hành 100% quỹ ngày công nghĩa vụ lao động công ích.
4. Tăng
cường quản lý thị trường bất động sản, nhất là công sản. Tiếp tục chỉ đạo quyết
liệt việc thu hồi đất sử dụng sai mục đích hoặc không sử dụng, bỏ hoang hoá.
Hoàn thành dứt điểm việc kê khai quỹ tài sản công là nhà, đất tại các cơ quan hành
chính sự nghiệp và DNNN; thu hồi các diện tích dư dôi, sử dụng không hiệu quả
hoặc không sử dụng.
Thông qua
kế hoạch sử dụng đất Thành phố Hà Nội năm 2006 do UBND trình như sau; kế hoạch
sử dụng đất là 1.626 ha, trong đó: đất nông thôn 30 ha, đất đô thị và đấu giá
quyền sử dụng đất 628 ha, đất chuyên dùng 913 ha.
5. Tiếp tục
thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tính
công khai, minh bạch của các cơ quan quản lý Nhà nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ,
công chức tâm huyết với Thủ đô, thực sự công tâm, có trình độ, phẩm chất, năng
lực, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy quản lý những cán bộ thoái hoá, biến chất.
Thi hành nghiêm túc có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng. Nâng cao trách nhiệm của thủ
trưởng đơn vị; tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị của
Thành phố. Triển khai trong 6 tháng đầu năm việc thí điểm quy chế một cửa liên
thông toàn Thành phố về tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến
đất đai và đầu tư; nghiên cứu tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Tiến hành
rà soát, đánh giá tình hình phân cấp quản lý Nhà nước, phân cấp ngân sách của
Thành phố, xây dựng phương án phân cấp quản lý kinh - xã hội gắn với phân cấp
ngân sách cho thời kỳ ổn định từ năm 2007. Triển khai tích cực dự án “Xây dựng
Chính phủ điện tử”; đẩy mạnh việc áp dụng tiêu chuẩn ISO và ứng dụng công nghệ
thông tin trong quản lý hành chính Nhà nước.
Thí điểm
phân cấp cho quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng quản lý sử dụng, duy tu, duy trì hè
phố trên địa bàn quận. UBND Thành phố chuyển kinh phí duy tu, duy trì về ngân
sách các quận để thực hiện từ đầu năm 2006.
6. Xây dựng
và tuyên truyền rộng rãi về tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Triển
khai sâu rộng chương trình xây dựng “Văn hóa người Hà Nội” gắn với đẩy mạnh
cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Chủ
động triển khai các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đảm bảo
thủ tục, vốn, chất lượng, phấn đấu hoàn thành sớm so với kế hoạch.
Đảm bảo quy
mô và giữ vững chất lượng giáo dục - đào tạo trên địa bàn. Hoàn thành cơ bản
việc tách cấp và di dời các hộ dân ra khỏi khuôn viên các trường học. Gắn kết
chặt chẽ công tác đào tạo với sử dụng lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo
lên 46 - 48%. Chú trọng đào tạo chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm
cho người dân vùng ngoại thành thiếu đất sản xuất và người dân sau khi thu hồi
đất. Hoàn thành Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin. Tích cực triển khai dự
án trường đào tạo công nhân kỹ thuật cao, trường dạy nghề, khu công nghệ cao Hà
Nội.
7. Thực
hiện các mục tiêu phát triển bền vững về môi trường, xã hội và giảm nghèo.
Triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Thành phố về tăng cường công
tác bảo vệ môi trường. Quản lý có hiệu quả chất thải rắn và chất thải nguy hại,
đảm bảo xử lý 100% chất thải rắn y tế, 85% chất thải công nghiệp độc hại. Chỉ
đạo thường xuyên, hiệu quả công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch
cúm ở người, sẵn sàng đối phó nếu đại dịch xảy ra. Quan tâm các biện pháp hỗ
trợ, giảm bớt khó khăn, thiệt hại và tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người
chăn nuôi. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu về y tế và phòng chống
HIV/AIDS. Thực hiện giảm nghèo có hiệu quả, nâng cao chất lượng dân số. Phấn
đấu tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,05-1,1% và khống chế tỷ lệ sinh con từ thứ 3
trở lên dưới 5,27%. Xây mới 1.200 chỗ cai nghiện tập trung.
8. Chủ động
hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác phát triển trong và ngoài
nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp của Thành phố xây dựng thương hiệu, ứng dụng công
nghệ mới, CNTT. Tổ chức phục vụ tốt Hội nghị cấp cao APEC kết hợp với đẩy mạnh
quảng bá, giới thiệu về Thủ đô, quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại và đầu
tư. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và hợp tác với các tỉnh
thành phố trong nước bằng các chương trình, đề án, dự án cụ thể. Tích cực thực
hiện Chương trình hành động phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Quy
hoạch vùng Thủ đô, xây dựng mạng thông tin trong vùng.
9. Đảm bảo
an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao tiềm lực quốc phòng và an
ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai các chương trình, kế
hoạch đấu tranh phòng chống khủng bố, phá hoại, tội phạm và tệ nạn xã hội, chủ
động chống tội phạm có tổ chức, tội phạm công nghệ cao và tội phạm có tính quốc
tế. Hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân năm 2006.
Điều 2. Giao UBND ngay sau kỳ họp hoàn thành đánh giá
việc thực hiện giải pháp thí điểm tạm dừng đăng ký xe máy trong các quận nội
thành, nếu hiệu quả thấp thì thống nhất với Thường trực HĐND Thành phố quyết
định thôi thí điểm tạm dừng đăng ký xe máy và báo cáo HĐND tại kỳ họp thứ 6.
Điều 3. Năm 2006 có vị trí và nhiệm vụ rất quan trọng
trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. HĐND Thành phố kêu gọi các tầng lớp nhân dân,
các lực lượng vũ trang, các cấp, các ngành và các đoàn thể Thủ đô nỗ lực phấn
đấu thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng
năm 2006, tạo đà phát triển nhanh và bền vững hướng tới 1.000 năm Thăng Long -
Hà Nội.
Nghị quyết
này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội Khóa XIII kỳ họp thứ 5 thông
qua./.