Nghị quyết số 10/1997/NQ-CP về việc phiên họp thường kỳ tháng 1 năm 1997 của Chính phủ do Chính phủ ban hành
Số hiệu | 10/1997/NQ-CP |
Ngày ban hành | 31/01/1997 |
Ngày có hiệu lực | 15/02/1997 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Tiền tệ - Ngân hàng,Trách nhiệm hình sự,Tài chính nhà nước |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/1997/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 31 tháng 1 năm 1997 |
Trong hai ngày 29 và 30 tháng 1 năm 1997, Chính phủ họp
phiên thường kỳ tháng 1 bàn về các vấn đề:
1. Đề án phòng chống tội phạm;
2. Kế hoạch của Chính phủ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 về khoa học,
công nghệ, giáo dục và đào tạo;
3. Cho ý kiến về các Dự án:
- Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
- Luật Ngân hàng và tổ chức tín dụng;
4. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/1997 và tổ chức Tết Đinh Sửu;
5. Chương trình các phiên họp thường kỳ tháng 2 và tháng 3/1997.
Trên cơ sở xem xét báo cáo của các Chủ Đề án và ý kiến thảo luận tại phiên họp,
Chính phủ
QUYẾT ĐỊNH:
I. Về Đề án phòng chống tội phạm do Bộ trưởng Nội vụ Lê Minh Hương trình bày:
Chính phủ cho rằng phòng chống tội phạm là một nhiệm vụ cấp bách, Chính phủ cần có một Chương trình hành động và chỉ đạo tập trung, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu của toàn dân; nhưng đây là vấn đề rộng lớn liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, do đó cần được nghiên cứu kỹ hơn, làm rõ phạm vi nội dung và phương thức tổ chức thực hiện Chương trình, xác định rõ các đối tượng và địa bàn trọng điểm để tập trung chỉ đạo; cần đề ra các biện pháp rất cụ thể, khả thi cho từng ngành, từng cấp; có kế hoạch phối hợp hành động, trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong toàn dân, toàn quân, tới các cụm dân cư, các gia đình; tăng cường năng lực quản lý của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cấp xã, phường và làm trong sạch bộ máy Nhà nước để phục vụ đắc lực cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh Đề án trình xin ý kiến Bộ Chính trị trong tháng 3 năm 1997; đồng thời, phối hợp với các cơ quan có liên quan soạn thảo các văn bản của Chính phủ và kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, để ngay sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, có thể ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trước mắt, yêu cầu các cơ quan của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp tăng cường chỉ đạo, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ số 05/CP và 06/CP về chống tệ nạn mại dâm, ma tuý; các Nghị định 36/CP, 39/CP, 40/CP về trật tự, an toàn giao thông, Nghị định 47/CP về quản lý vũ khí; Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của Chính phủ tại phiên họp tháng 12/1996 (Nghị quyết 05/CP, ngày 11/1/1997) về cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán và đốt tất cả các loại pháo; Nghị định 87/CP về tăng cường quản lý các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện hai Pháp lệnh về chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí (sau khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua), nhằm tạo được những chuyển biến mạnh mẽ về trật tự, an toàn xã hội và phòng chống tội phạm.
1. Thông qua Kế hoạch của Chính phủ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lại Văn Cử trình bày.
Để thực hiện kế hoạch trên đây, yêu cầu các cơ quan đã được phân công chủ trì và phối hợp chủ động, khẩn trương xây dựng các Đề án cụ thể để trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội; yêu cầu các cơ quan của Chính phủ, UBND các cấp tổ chức thực hiện có kết quả Nghị quyết Trung ương 2 và các văn bản của Nhà nước về khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo ở các ngành, các địa phương.
Ngay từ đầu năm, Thủ tướng chỉ đạo chặt chẽ, hướng dẫn các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành việc điều chỉnh tổ chức bộ máy của Bộ, bố trí và tăng cường cán bộ cho các bộ phận nghiên cứu chính sách, thanh tra và kiểm tra.
Trong quí II/1997, Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Khoa giáo và Ban Tổ chức Trung ương Đảng chuẩn bị để Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập Hội đồng giáo dục Quốc gia.
2. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân báo cáo Chương trình hành động của Bộ thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 và trình bầy một số vấn đề về chính sách, chủ trương trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo.
Yêu cầu hai Bộ tiếp thu ý kiến tại phiên họp để xây dựng các Đề án cụ thể trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ ghi trong Kế hoạch của Chính phủ, khẩn trương hoàn chỉnh Chương trình hành động của Bộ, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, biện pháp đã đề ra trong Chương trình nhằm tạo được chuyển biến tốt ngay trong năm 1997.
Đây là hai Dự luật quan trọng, đòi hỏi phải có sự cân nhắc thận trọng trên cơ sở tổng kết thực tiễn 10 năm đổi mới, 6 năm thực hiện các Pháp lệnh về ngân hàng và kinh nghiệm phong phú của thế giới trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng; vì vậy Chính phủ giao các cơ quan tham gia soạn thảo Dự Luật tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp và căn cứ kết quả bỏ phiếu thăm dò để chỉnh lý các Dự án Luật. Đối với những vấn đề quan trọng, tuy đã được đa số thành viên Chính phủ tán thành, nhưng còn nhiều thành viên khác chưa nhất trí, thì biên tập thành hai phương án trong Dự án Luật để trình các cơ quan lãnh đạo xem xét, quyết định. Trong quá trình chỉnh lý, cần chú ý không để mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành và cần làm rõ thêm các nội dung sau đây:
- Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Chính sách tiền tệ;
- Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạm ứng cho ngân sách Nhà nước trong trường hợp nguồn thu theo dự toán chưa tập trung kịp;
- Thu, chi tài chính, tiền lương, tiền thưởng của Ngân hàng Nhà nước;
- Vai trò giám sát của Bộ Tài chính về ngân quỹ và thu, chi của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại quốc doanh;
- Lập chi nhánh của ngân hàng Nhà nước theo tỉnh hoặc khu vực;
- Địa vị pháp lý của chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam;
- Cơ chế quản lý tài chính, hạch toán, kế toán của ngân hàng và các tổ chức tín dụng;
- Vị trí, quyền hạn của Thanh tra ngân hàng đối với hoạt động của các ngân hàng và tổ chức tín dụng;
- Quan hệ của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại;... Hai Dự án Luật nói trên phải được hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 2 năm 1997.
Tình hình kinh tế trong tháng 1/1997 phát triển thuận lợi, tốc độ tăng trưởng khá; hàng hoá trên trên thị trường phong phú, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trước và trong dịp Tết Nguyên Đán; giá cả tương đối ổn định. Tuy nhiên, sự phát triển trong tháng 1 chưa đủ sức để tạo đà cho các tháng tiếp theo; đáng chú ý là kế hoạch thu ngân sách, xây dựng cơ bản và xuất khẩu gạo đạt thấp, nhập siêu cao.