Nghị quyết số 59/1997/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 1997 của Chính phủ do Chính phủ ban hành

Số hiệu 59/1997/NQ-CP
Ngày ban hành 05/06/1997
Ngày có hiệu lực 05/06/1997
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 59/1997/NQ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 1997

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 59/1997/NQ-CP NGÀY 5 THÁNG 6 NĂM 1997 VỀ PHIÊN HỌP THƯỜNG KỲ THÁNG 5 NĂM 1997 CỦA CHÍNH PHỦ

Ngày 28-29/5/1997, Chính phủ họp phiên họp thường kỳ tháng 5/1997 bàn và quyết định các vấn đề sau đây:

I. Chính phủ đã xem xét báo cáo của Bộ Thương mại về chính sách, biện pháp khuyến khích xuất khẩu. Chính phủ nhất trí với những nhận định, đánh giá của Bộ Thương mại về những thành tựu và tồn tại, khó khăn và thuận lợi trong phát triển xuất khẩu của nước ta.

Để thực hiện chiến lược hướng mạnh về xuất khẩu phục vụ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, cần tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu chiếm lĩnh thị trường. Trong giai đoạn trước mắt, Chính phủ chủ trương:

1. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển thị trường xuất khẩu, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài và xuất khẩu tại chỗ.

Các Bộ quản lý chuyên ngành, các Tổng công ty ngành hàng chịu trách nhiệm chính trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Bộ Thương mại có bộ phận nghiên cứu sâu về thị trường để phục vụ việc hoạch định chính sách, tạo cơ sở pháp lý và chính sách phù hợp cho từng khu vực thị trường; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại. Bộ thương mại chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ hoàn thành trong quý III/1997 việc sắp xếp lại các phận Thương vụ, đại diện Thương mại của nước ta ở nước ngoài theo đúng Nghị định số 183/CP ngày 18/11/1994. Các doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến việc mở Văn phòng đại diện ở nước ngoài theo đúng Nghị định số 40/CP ngày 19/5/1994 để củng cố và phát triển thị trường.

2. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế sản xuất hàng xuất khẩu và tham gia xuất khẩu. Bộ Thương mại chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành trong quý III/1997 Danh mục các mặt hàng khi xuất khẩu, doanh nghiệp phải có giấy phép kinh doanh xuất khẩu mặt hàng đó. Những mặt hàng còn lại, các doanh nghiệp được phép xuất khẩu mà không cần có giấy phép kinh doanh xuất khẩu. Đối với những mặt hàng quản lý bằng hạn ngạch, mặt hàng liên quan đến các cân đối lớn của nền kinh tế, có thể thí điểm cho phép một số doanh nghiệp của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia xuất khẩu nếu đủ điều kiện. Bộ Thương mại và các Bộ quản lý chuyên ngành xây dựng các định chế và biện pháp quản lý cụ thể, rõ ràng và hướng dẫn các tổ chức kinh doanh hoạt động đúng pháp luật.

Bộ Thương mại chủ trì, cùng các Bộ quản lý chuyên ngành, trước hết là Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các quy định hiện hành, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung để xây dựng cơ chế điều hành xuất - nhập khẩu ổn định lâu dài, trình Chính phủ ban hành trong quý III/1997. Thực hiện cơ chế Nhà nước đấu thầu và bán hạn ngạch xuất - nhập khẩu đối với những mặt hàng có hạn ngạch để loại bỏ cơ chế "xin và cho"

3. Thực hiện các chính sách khuyến khích xuất khẩu:

a. Về tín dụng: Giao Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước bàn cụ thể với các Bộ quản lý chuyên ngành các chính sách ưu tiên về tín dụng (hình thức tín dụng, lãi suất, thời hạn và điều kiện vay - trả, xác định rõ mức độ ưu đãi) để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu hiện có và phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu mới, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 6/1997.

b. Về vốn ngân sách: Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/1997 về tình hình triển khai hoạt động của Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia đối với việc hỗ trợ đầu tư chiều sâu, phát triển sản xuất hàng xuất khẩu; nghiên cứu các chính sách, biện pháp huy động nguồn để bảo đảm trong 2 năm 1997 - 1998, giải quyết cấp đủ 30% vốn lưu động cho các doanh nghiệp nhà nước sản xuất và kinh doanh các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu.

c. Về thuế: Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thương mại nghiên cứu, trình Chính phủ trong tháng 6/1997 sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và kinh doanh xuất khẩu, kể cả các doanh nghiệp, các hộ cung ứng nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu (các xí nghiệp vệ tinh) nhằm mở rộng khả năng xuất khẩu, bảo đảm cho người sản xuất hàng xuất khẩu và kinh doanh xuất khẩu có tích luỹ.

d. Đồng ý với đề án của Bộ Thương mại về Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu. Quỹ này được hình thành từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp và hỗ trợ ban đầu của ngân sách Nhà nước, hoạt động trên nguyên tắc bảo toàn và phát triển Quỹ. Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, dự thảo Quy chế hoạt động của Quỹ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 6/1997.

e. Bộ Thương mại sớm nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về hoạt động môi giới và hoa hồng môi giới trong thương mại, phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế.

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất - nhập khẩu. Bộ Thương mại cần đánh giá lại toàn bộ hoạt động quản lý thương mại và tổ chức bộ máy của Bộ để có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời; mặt khác, cùng các cơ quan liên quan xây dựng Quy chế phối hợp phục vụ tốt việc quản lý, điều hành hoạt động xuất - nhập khẩu theo quy định của Luật Thương mại.

II. Chính phủ đã xem xét báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 1997, những vấn đề cần tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch trong các tháng tiếp theo, Chính phủ yêu cầu:

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện triệt để các Nghị quyết của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 10 và các biện pháp kinh tế cấp bách nêu trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4/1997 của Chính phủ (Nghị quyết số 49/CP-m ngày 6/5/1997); Tiến hành sơ kết 6 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về Giáo dục- Đào tạo và Khoa học - Công nghệ, có biện pháp tích cực, chủ động và sáng tạo để tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết này.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và xã hội, Bộ Nội vụ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đoàn thể nhân dân tiến hành thường xuyên, liên tục các hoạt động chống ma tuý trong học sinh, sinh viên; tăng cường quản lý học sinh trên cơ sở kết hợp giữa nhà trường, đoàn thể và gia đình.

3. Bộ Văn hoá - Thông tin, UBND các cấp phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân baif trừ hủ tục, mê tín, tình trạng đốt vàng mã quá nhiều; xây dựng mô hình văn hoá trong tổ chức đám cưới, đám tang tiết kiệm và văn minh.

III Thông qua Dự án Pháp lệnh du lịch. Giao Tổng cục du lịch phối hợp với Bộ tư pháp và Văn phòng Chính phủ căn cứ kết quả bỏ phiếu và ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, hoàn chỉnh dự án pháp lệnh trình Thủ tướng xem xét trước khi gửi trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội; đồng thời chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thực hiện để trình cùng một lúc với dự án Pháp lệnh.

IV. Chính phủ thảo luận dự án Luật Xây dựng. Đây là một dự án luật quan trọng có phạm vi điều chỉnh rộng và phức tạp, nhưng trong Chính phủ còn có nhiều ý kiến khác nhau. Giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh dự án để Chính phủ xem xét, quyết định trong phiên họp tới. Trong quá trình chỉnh lý cần tập chung làm rõ các vấn đề sau:

- Tăng cường quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, về đầu tư và hoạt động xây dựng để khắc phục những tồn tại, thiếu xót trong thời gian qua.

- Phân định rõ thẩm quyền quản lý Nhà nước giữa Bộ Xây dựng với các cơ quan khác của Chính phủ, tăng cường vai trò của chính quyền các cấp trong quản lý Nhà nước về xây dựng.

- Các quy định trong dự Luật cần cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tránh các thủ tục phiền hà cho nhân dân, cho các tổ chức trong hoạt động xây dựng; Phân loại cách xử lý đối với các công trình xây dựng trái phép để các cấp, các ngành thực hiện thống nhất. Những vấn đề đã có bản dưới luật quy định mà phù hợp thực tiễn thì cần tổng kết, chọn lọc để đưa vào dự luật này.

V. Chính phủ đã thảo luận dự án Luật Hải quan. Vì còn có nhiều vấn đề quan trọng chưa được bàn kỹ và chưa có phương án xử lý thích hợp, nên Chính phủ giao cho Tổng cục Hải quan chủ trì cùng Bộ tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Thanh tra Nhà nước và văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, chỉnh lý dự Luật, trình Chính phủ trong một phiên họp khác.

VI. Về dự án Pháp lệnh Người tàn tật và Nghị định án phí và Lệ phí Toà án: Giao Văn phòng Chính phủ, trên cơ sở ý kiến tham gia bằng văn bản của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Dự án Pháp lệnh và Dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/1997.

VII. Phiên họp thường kỳ tháng 6/1997 của Chính phủ sẽ tiến hành vào ngày 27 - 28/6/1997 để bàn các nội dung sau:

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ