HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 06/NQ-HĐND
|
Bình Định, ngày
10 tháng 7 năm 2014
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ QUY NHƠN VÀ VÙNG
PHỤ CẬN ĐẾN NĂM 2035, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12;
Căn cứ Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày
02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động của
Hội đồng nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 1703/QĐ-TTg ngày 23/9/2013
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung
thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050;
Sau khi xem xét Tờ trình số 44/TTr-UBND ngày 19
tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung
xây dựng thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm
2050; Báo cáo thẩm tra số 13/BCTT-KTNS ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Ban Kinh tế
và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các Đại biểu Hội đồng nhân
dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng
thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với các
nội dung chủ yếu sau:
1. Tên đồ án: Điều
chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035,
tầm nhìn đến năm 2050.
2. Phạm vi quy hoạch:
Phạm vi nghiên cứu quy hoạch theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt tại Quyết định số 1703/QĐ-TTg ngày 23/9/2013, bao gồm thành phố Quy Nhơn
hiện hữu, huyện Tuy Phước, xã Canh Vinh và Canh Hiển (huyện Vân Canh), xã Cát
Tiến và một phần xã Cát Chánh, Cát Hải (huyện Phù Cát). Diện tích tự nhiên khoảng
677,88 km2; dân số 499.339 người.
3. Mục tiêu và tính chất quy hoạch:
a. Mục tiêu quy hoạch:
- Đến năm 2025 trở thành một trong các đô thị trung
tâm của vùng duyên hải miền Trung, có nền kinh tế phát triển theo định hướng
công nghiệp - cảng biển - dịch vụ - du lịch.
- Đến năm 2035 là một trong những trung tâm kinh tế
biển của quốc gia; có nền kinh tế phát triển theo định hướng dịch vụ - cảng biển
- công nghiệp - du lịch, trọng tâm là dịch vụ - cảng biển.
- Đến năm 2050: Có vị trí quan trọng trong hệ thống
đô thị quốc gia và khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò là một trong những trung
tâm phát triển lớn của khu vực Trung Bộ; có nền kinh tế phát triển theo định hướng
du lịch - dịch vụ - cảng biển - công nghiệp, trọng tâm là du lịch - dịch vụ - cảng
biển; có sức hút đầu tư lớn và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trong các
lĩnh vực như y tế, giáo dục, du lịch, môi trường, phát triển nguồn nhân lực chất
lượng cao...
b. Tính chất đô thị:
- Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa
học kỹ thuật của tỉnh Bình Định.
- Là một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc
gia, trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại - dịch vụ, dịch vụ vận tải biển,
y tế, giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của vùng Nam
Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
- Là đầu mối giao thông đường thủy, giao thông đường
bộ quan trọng của vùng Nam Trung bộ và là cửa ngõ của vùng Tây Nguyên, Nam Lào,
Đông Bắc Campuchia, Thái Lan ra biển Đông.
- Là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược
quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
4. Dự báo phát triển:
a. Quy mô dân số:
- Quy mô dân số thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận
đến năm 2035 dự báo khoảng 650.000 người.
- Dân số, lao động: Tỷ lệ lao động dự kiến ≥ 55%
trên tổng số dân. Trong đó, tỷ lệ lao động ngành xây dựng- công nghiệp chiếm
khoảng 33-35%, dịch vụ chiếm khoảng 43-45%, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm khoảng
20-25%.
b. Quy mô đất đai xây dựng đô thị:
- Giai đoạn đến năm 2025: khoảng 6.560 ha. Chỉ tiêu
130m2/người.
- Giai đoạn đến năm 2035: Khoảng 9.121 ha. Chỉ tiêu
160m2/người.
5. Định hướng phát triển
không gian và phân vùng phát triển:
a. Định hướng phát triển không gian đô thị:
Thành phố Quy Nhơn chuyển đổi từ mô hình đô thị độc lập sang mô hình đô thị đa
trung tâm. Các trung tâm liên kết chặt chẽ với nhau bằng hệ thống giao thông
và hoạt động kinh tế đa dạng.
b. Phân vùng phát triển:
- Đô thị trung tâm Quy Nhơn hiện hữu tiếp tục là
trung tâm vùng, là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ
du lịch, đào tạo, cảng biển; từng bước phát triển mạnh về thương mại và dịch vụ
du lịch chất lượng cao. Định hướng chuyển đổi các khu đất quốc phòng, an ninh dọc
biển Quy Nhơn sang đất dịch vụ - du lịch; di chuyển Trường Cao đẳng nghề Bình Định
ra khu vực ngoại thành và chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại đây sang đất dịch
vụ - du lịch; định hướng xây dựng cơ sở 2 của Trường Đại học Quy Nhơn ở khu vực
ngoại thành, cơ sở hiện tại của Trường Đại học Quy Nhơn chuyển sang phục vụ đào
tạo nguồn nhân lực cao; di chuyển Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương và khu
dân cư trong khuôn viên bệnh viện ra khỏi khu vực Quy Hòa, chuyển đổi mục đích
sử dụng đất khu vực này sang dịch vụ - du lịch; chuyển đổi chức năng sử dụng đất
cụm công nghiệp Nhơn Bình, Quang Trung và các kho bãi, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm
môi trường sang đất dân dụng để khai thác hiệu quả sử dụng đất và tăng cường chất
lượng sống của dân cư đô thị…
- Khu vực phía Tây - Bắc trung tâm thành phố Quy
Nhơn (phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu) phát triển các
chức năng hỗ trợ đô thị trung tâm Quy Nhơn, như: công nghiệp, kho tàng, nhà ở,
công trình hạ tầng xã hội, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật.
- Khu kinh tế Nhơn Hội: Phát triển theo quy hoạch
đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Khu vực phụ cận: Phát triển thương mại - dịch vụ,
nông lâm, ngư nghiệp; hỗ trợ thành phố Quy Nhơn về các công trình đầu mối hạ tầng
đô thị, đặc biệt là công trình đầu mối giao thông nhà ga bến bãi, kho tiền cảng;
các trung tâm giao thương, dịch vụ đô thị, nhà ở xã hội…
6. Định hướng phát triển hạ tầng
kỹ thuật và môi trường:
a. Giao thông:
- Giao thông đối ngoại:
+ Đường bộ: Tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua khu vực
xã Canh Vinh, Canh Hiển. Nâng cấp Quốc lộ 1A và 1D theo các dự án được duyệt;
xây mới tuyến Quốc lộ 19 kết nối với cầu Thị Nại đi Quốc lộ 1A; nâng cấp Quốc lộ
19B từ Khu kinh tế Nhơn Hội đi sân bay Phù Cát; nâng cấp mở rộng các tuyến ĐT
638, ĐT 639, ĐT 640 đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
+ Đường sắt: Dành quỹ đất tạo hành lang dự trữ cho
tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam song song với tuyến đường sắt quốc gia. Bỏ tuyến
đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn và ga Quy Nhơn. Cải tạo, nâng cấp ga Diêu Trì
thành ga tổng hợp Quy Nhơn. Xây mới ga tàu hàng tại Phước Lộc - Cầu Gành là ga
chính phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa cho cảng Quy Nhơn, Khu kinh tế Nhơn Hội
đi các khu vực khác.
+ Đường không: Sân bay Phù Cát sẽ là sân bay chính,
định hướng đến trước năm 2035 nâng cấp thành sân bay quốc tế. Xây dựng sân bay
trực thăng gần khu vực phi thuế quan phục vụ khách VIP và các hoạt động cứu hộ,
cứu nạn trên biển.
+ Đường thủy: Cải tạo, nâng cấp cảng Quy Nhơn có
công suất đạt 30 triệu tấn/năm. Xây mới cảng Nhơn Hội đạt 12 triệu tấn/năm. Di
dời cảng cá Thị Nại ra khu vực Đề Gi kết hợp với nơi tránh trú bão cho tàu cá.
Xây dựng hệ thống đường thủy nội địa, hình thành các bến thuyền du lịch ven đầm
Thị Nại, phát triển các tuyến du lịch nội địa và quốc tế.
+ Các đầu mối phát triển khu vực hậu cần: Xây dựng
2 khu vực hậu cần gắn với các đầu mối giao thông quan trọng. Khu vực thứ 1 là
khu vực nút giao Tỉnh lộ 638 (đến năm 2050) với đường bộ cao tốc Bắc Nam tại xã
Canh Vinh, huyện Vân Canh. Khu vực thứ 2 là đầu mối giao Quốc lộ 1A và Quốc lộ
19 tại khu vực Phước Lộc - Cầu Gành, thuộc huyện Tuy Phước.
- Giao thông đô thị:
+ Khu kinh tế Nhơn Hội: Giữ nguyên cấu trúc hệ thống
giao thông đã quy hoạch. Không xây dựng tuyến cầu qua giữa đầm Thị Nại theo
quy hoạch xây dựng được duyệt năm 2004. Đầu tư mở rộng cầu Thị Nại hiện có để
đáp ứng đủ nhu cầu giao thông - vận tải.
+ Khu vực nội thành Quy Nhơn: Tiếp tục triển khai
theo đồ án quy hoạch chung được duyệt năm 2004. Đầu tư xây dựng tuyến đường Điện
Biên Phủ nối dài đi khu đô thị Long Vân - Long Mỹ, qua núi Vũng Chua, qua Long
Mỹ đến Canh Vinh, đấu nối vào đường cao tốc Bắc Nam. Xây mới các tuyến
chính khu vực kết nối các khu chức năng trong thành phố với các tuyến trục
chính đô thị. Xây dựng tuyến vành đai, đường từ kho xăng dầu Phú Hòa đi Quốc lộ
19 mới.
+ Hệ thống bến xe, bãi đỗ xe: Duy trì quy mô bến xe
cũ của thành phố có diện tích 4,3 ha. Xây mới hai bến xe khách tại khu vực ga
Diêu Trì và tại Khu kinh tế Nhơn Hội, quy mô từ 3-5ha mỗi bến.
+ Hình thành 5 bến xe tải: Bến thứ 01 tại khu vực
Canh Vinh, bến thứ 2 tại khu công nghiệp Phú Tài, bến thứ 3 dùng chung với bến
xe khách gần ga Diêu Trì, bến thứ 4 tại khu vực Cầu Gành - Phước Lộc, bến thứ 5
dùng chung với bến xe khách tại khu kinh tế Nhơn Hội. Quy mô mỗi bến 3-5 ha.
+ Giao thông công cộng: Phát triển hệ thống giao
thông xe buýt hiện có kết hợp xây mới hệ thống tuyến xe buýt nhanh kết nối các
sân bay Phù Cát - Khu kinh tế Nhơn Hội, Quy Nhơn.
b. Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật:
- Giải pháp phòng chống lũ: Tuân thủ
các quy hoạch, dự án phòng chống lũ đã được phê duyệt.
- Quy hoạch cao độ: Lựa chọn các quỹ
đất nông nghiệp, đồi núi và đất phong hóa, kém hiệu quả kinh tế để
xây dựng phát triển đô thị; hạn chế xây dựng đô thị tại khu vực vùng
trũng thấp và nằm trong vùng ngập lũ, vùng có nguy cơ sạt lở cao.
- Quy hoạch mạng lưới thoát nước mưa:
Lựa chọn hệ thống thoát nước cho các khu vực như sau: Thành phố Quy
Nhơn sử dụng hệ thống thoát nước nửa riêng; thị trấn Tuy Phước và Diêu
Trì sử dụng thoát nước nửa riêng hoặc riêng; khu vực tiền cảng, trung chuyển
hàng hóa sử dụng hệ thống thoát nước mưa riêng với nước thải; các khu vực
nông thôn, sử dụng hệ thống thoát nước chung; Khu kinh tế Nhơn Hội sử
dụng hệ thống thoát nước mưa riêng.
c. Quy hoạch cấp nước: Tiếp tục sử dụng nguồn
nước ngầm hiện đang khai thác ven sông Hà Thanh, sông Tân An. Bổ sung nguồn nước
từ hồ Định Bình và hồ Núi Một để cung cấp thành phố Quy Nhơn và vùng phụ
cận.
d. Quy hoạch cấp điện: Theo đồ án quy hoạch,
khuyến khích xây dựng nhà máy nhiệt điện nằm trong dự án tổ hợp lọc hóa dầu.
đ. Thoát nước thải, nghĩa trang, xử lý chất thải
rắn:
- Các chỉ tiêu cơ bản: Lượng nước thải sinh hoạt bằng
95% nước cấp. Nước thải công nghiệp bằng 100% nước cấp công nghiệp. Chất thải rắn
khu trung tâm thành phố, Khu kinh tế Nhơn Hội khoảng 1,3 kg/người/ngày; thị trấn
Diêu trì, Tuy Phước 1,0kg/người/ngày; khu vực nông thôn 0,8 kg/người/ngày; chất
thải rắn công nghiệp 0,3-0,5 tấn/ha/ngày. Đất phục vụ nghĩa trang nhân dân:
0,06ha/1000 dân.
- Quản lý chất thải rắn: Nâng cấp khu xử lý Long Mỹ
phục vụ cho trung tâm thành phố, thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước. Xây dựng khu xử
lý chất thải rắn Phù Cát, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp nguy hại
cho Khu kinh tế Nhơn Hội và vùng lân cận.
- Công nghiệp dầu khí: Đây là loại hình công nghiệp
đặc thù nên xây dựng các trạm xử lý riêng cho các cụm, nhà máy phù hợp với nhu
cầu xử lý nước thải. Chất lượng nước sau khi xử lý phải đạt các tiêu chuẩn hiện
hành mới được phép xả ra môi trường.
- Nghĩa trang: Thành phố Quy Nhơn sử dụng nghĩa
trang tại phường Bùi Thị Xuân, quy hoạch xây dựng mới nghĩa trang phục vụ khu vực
phía Tây huyện Tuy Phước; mở rộng nghĩa trang ở núi Bà (huyện Phù Cát) để phục
vụ khu đô thị mới Khu kinh tế Nhơn Hội và các vùng lân cận.
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm lập hồ sơ quy hoạch
trình các Bộ, ngành trung ương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ
án quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng
nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực
hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa
XI, kỳ họp thứ 8 thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm
2014./.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Tùng
|