Nghị quyết 06/2006/NQ-HĐND về Chương trình Dạy nghề -Giải quyết việc làm và Giảm nghèo tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2006 - 2010

Số hiệu 06/2006/NQ-HĐND
Ngày ban hành 30/03/2006
Ngày có hiệu lực 09/04/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Mai Trực
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2006/NQ-HĐND

Nha Trang, ngày 30 tháng 3 năm 2006

NGHỊ QUYẾT

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
KHOÁ IV, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 1304/TTr-UBND, ngày 21/3/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà, Báo cáo thẩm tra số 05/VH-XH, ngày 24/3/2006 của Ban Văn hoá - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh

Điều 1. Thông qua “Chương trình Dạy nghề - Giải quyết việc làm và Giảm nghèo tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2006-2010”, gồm các nội dung chính sau đây:

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

Nhằm tạo bước phát triển nhanh, bền vững trên lĩnh vực lao động – xã hội; từng bước hội nhập quốc tế; đào tạo và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, đi đôi với tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế của địa phương; khuyến khích làm giàu hợp pháp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập, mức sống cho hộ nghèo, phát triển các hoạt động bảo trợ, an sinh xã hội.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

- Triển khai thực hiện Luật Giáo dục và phát triển hệ thống dạy nghề theo 3 cấp trình độ, tăng qui mô, nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo thuận lợi cho phát triển các hình thức dạy nghề, đa dạng hóa và xã hội hoá để mọi người dân tiếp cận với dạy nghề; thực hiện công bằng xã hội trong học nghề.

- Tạo nhiều việc làm, giảm thất nghiệp khu vực thành thị, tăng tỷ lệ thời gian lao động ở nông thôn; chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động sang khu vực công nghiệp, dịch vụ, nâng cao năng suất, chất lượng lao động đồng thời tăng thu nhập, cải thiện điều kiện, môi trường lao động. Thúc đẩy, tạo điều kiện xây dựng quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động hài hòa, đồng thuận và tuân theo pháp luật. Thực hiện thắng lợi chương trình xuất khẩu lao động, tăng tỷ lệ xuất khẩu lao động có nghề.

- Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo về thu nhập và mức sống giữa nhóm giàu với nhóm nghèo, giữa thành thị với nông thôn, giữa các vùng kinh tế.

III. CÁC NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA CHƯƠNG TRÌNH

A. Dạy nghề

1. Mục tiêu chủ yếu:

- Tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu lao động, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong xu thế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

- Triển khai hệ thống đào tạo kỹ thuật thực hành với 3 cấp độ: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề. Phát triển mạng lưới đào tạo nghề, tổ chức sắp xếp, điều chỉnh các cơ sở hiện có theo quy hoạch hệ thống dạy nghề đã được phê duyệt. Phấn đấu đến năm 2010 có 01 trường cao đẳng nghề; mỗi huyện đồng bằng có 01 trường dạy nghề và các trung tâm dạy nghề cụm xã; các huyện miền núi có trung tâm dạy nghề cụm xã.

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và thu hút đội ngũ giáo viên dạy nghề. Đến cuối năm 2006 phải chuẩn hoá toàn bộ giáo viên dạy nghề hiện có và đảm bảo tỷ lệ 15 học viên/1 giáo viên dạy nghề vào cuối năm 2010.

2. Mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2006-2010:

Tăng cường đầu tư, phát triển quy mô đào tạo, đặc biệt tăng nhanh quy mô đào tạo nghề dài hạn, phấn đấu giai đoạn 2006-2010 đạt tổng chỉ tiêu tuyển mới là 97.730 người (trong đó chỉ tiêu dài hạn là 24.150 người, đạt 24,7% tổng chỉ tiêu đào tạo), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 35% vào cuối năm 2010.

3. Các giải pháp thực hiện:

3.1. Đầu tư phát triển các cơ sở dạy nghề.

3.2. Phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân.

3.3. Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.

3.4. Giải pháp xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề.

3.5. Giải pháp kết hợp các chương trình khuyến công, khuyến nông và phát triển các làng nghề truyền thống.

3.6. Giải pháp dạy nghề cho lao động bị mất đất canh tác do quá trình đô thị hóa, chuyển đổi đất nông nghiệp sang khu công nghiệp, khu chế xuất.

3.7. Giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa đào tạo nghề.

3.8. Giải pháp liên kết đào tạo.

[...]