Nghị quyết số 06/2006/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2006 do Chính phủ ban hành
Số hiệu | 06/2006/NQ-CP |
Ngày ban hành | 04/05/2006 |
Ngày có hiệu lực | 30/05/2006 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2006/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 04 tháng 05 năm 2006 |
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 4 NĂM 2006
Trong cácngày 26, 27 và 28 tháng 4 năm 2006, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4, bàn và quyết nghị các vấn đề sau đây:
1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 được xác định là: đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được chuyển biến quan trọng về nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển; tăng tích luỹ, tạo nền tảng đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần của nhân dân; sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; giữ vững ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia; nâng cao vị thế nước ta trong khu vực và trên trường quốc tế.
Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 được xây dựng trên cơ sở tiếp tục phát huy những thuận lợi rất cơ bản và những bài học rút ra từ những thành tựu của 20 năm đổi mới đất nước, nhất là những bài học về giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, huy độngmọi tiềm năng, nguồn lực của đất nước, kết hợp với đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, giữ vững ổn định về chính trị và tận dụng thời cơ, xu thế hoà bình, hợp tác phát triển của thế giới và khu vực; quan tâm giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, đẩy mạnh giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, trong đó đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lao động, duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội Kế hoạch trên.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, trình Chính phủ tại phiên họp tháng 6 năm 2006, sau khi Kế hoạch này được Quốc hội thông qua.
Căn cứ vào Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 được Quốc hội thông qua, các Bộ, ngành và địa phương cụ thể hoá thành kế hoạch 5 năm của ngành và địa phương phù hợp với mục tiêu và định hướng của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
2. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006 - 2010.
Trong giai đoạn 5 năm 2001 - 2005, nước ta đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu về kế hoạch sử dụng đất đã được Quốc hội thông qua. Chuyển sang giai đoạn 2006 - 2010, trước yêu cầu về công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, việc khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai ngày càng có vai trò quan trọng. Trong khi đó, hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của nước ta vẫn chưa hoàn chỉnh, chất lượng quy hoạch thấp; phương án quy hoạch chưa bám sát tính hiệu quả về kinh tế, xã hội và tác động môi trường; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở một số địa phương còn tuỳ tiện.
Để thực hiện có hiệu quả việc huy động nguồn lực đất đai cho yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 5 năm 2006 - 2010 phải được tăng cường chỉ đạo chặt chẽ trên phạm vi cả nước và từng cấpđịa phương. Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006 - 2010 phải quán triệt quan điểm tiết kiệm và hiệu quả; có chính sách hạn chế việc sử dụng diện tích đất trồng lúa nước đã hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi ở vùng đồng bằng cho việc xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị; dành quỹ đất phù hợp cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, công trình văn hoá, thể thao; khuyến khích và hỗ trợ việc đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất ngập nước, đất hoang hoá vào sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp địa phương và của cả nước; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy hoạch sử dụng đất, gắn với công tác giáo dục pháp luật về đất đai; tiếp tục đổi mới chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư để bảo đảm tiến độ thu hồi đất phục vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế; có chính sách bảo vệ lợi ích chính đáng, ổn định đời sống, việc làm của người bị thu hồi đất.
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006 - 2010; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội Kế hoạch này.
3. Chính phủ nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Đề án chính sách tín dụng đối với khu vực 2, khu vực 3 miền núi, hải đảo, vùng đồng bào Khơ me sinh sống tập trung, thương nhân miền núi và các xã thuộc Chương trình 135 (gọi chung là vùng khó khăn).
Chủ trương hỗ trợ đối với vùng khó khăn là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Giai đoạn 2006 - 2010, chính sách hỗ trợ cần phải tiếp tục cả về các lĩnh vực xã hội, phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy các vùng này phát triển.
Để tiếp tục tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại nhà nước chuyển sang kinh doanh theo cơ chế thị trường, Chính phủ nhất trí chuyển nhiệm vụ cho vay ưu đãi đối với các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc vùng khó khăn từ các ngân hàng thương mại nhà nước sang để Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện (không bàn giao dư nợ cũ).
Giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét, bổ sung các chương trình, dự án, ngành nghề của các tổ chức kinh tế cần ưu đãi tại vùng khó khăn vào danh mục các dự án quy định trong Nghị định của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển; đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế cho vay đối với các hộ sản xuất, kinh doanh (không thuộc hộ nghèo) tại các vùng khó khăn để Ngân hàng Chính sách xã hội có cơ sở thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn để Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với các vùng khó khăn.
4. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Đề án tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu và việc thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Giao Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến tại phiên họp; tham khảo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Đoàn đàm phán của Chính phủ về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các cơ quan liên quan khác về Danh mục các dự án, mặt hàng vay vốn tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của nhà nước; bảo đảm cụ thể, công khai minh bạch, dễ thực hiện, phù hợp với các quy định của WTO và cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế; dự thảo Nghị định về tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu, trình Thủ tướng Chính phủ.
Đồng ý thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại Quỹ Hỗ trợ phát triển để thực hiện cả hai nhiệm vụ tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu. Các nhiệm vụ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam về huy động vốn, thanh toán, quản lý và xử lý nợ xấu, rủi ro tín dụng,... cũng như tổ chức, bộ máy cần được quy định phù hợp với yêu cầu và phạm vi hoạt động của ngân hàng.
5. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Báo cáo về công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước.
Giai đoạn 2001 - 2005, nhờ đổi mới cơ chế chính sách và hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nền kinh tế nước ta đã huy động được nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội đã đề ra. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước có vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường để thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần thực hiện các mục tiêu xã hội hoá, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước đang tồn tại nhiều yếu kém. Công tác lập quy hoạch, phê duyệt kế hoạch, thẩm định đầu tư, kiểm tra, quản lý vốn ngân sách, vốn hỗ trợ phát triển (ODA), cơ chế đấu thầu... thiếu đồng bộ, không rõ trách nhiệm và thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, thậm chí còn bị buông lỏng dẫn đến tình trạng đầu tư kém hiệu quả, lãng phí và thất thoát.
Nhằm sớm khắc phục những tồn tại về quản lý và sử dụng vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước, cần tăng cường công tác xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành; ban hành các chế tài đủ mạnh để nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư và xây dựng; tiếp tục cải cách hành chính trong đầu tư xây dựng và đấu thầu, chống hiện tượng "khép kín" trong đầu tư xây dựng; đồng thời, tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý và sử dụng vốn.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh Báo cáo về công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, trình Chính phủ ban hành Nghị định về công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện các biện pháp cần thiết để chấn chỉnh tồn tại, quản lý hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước gắn với Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng.
6. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Công nghiệp trình Báo cáo về di dân, tái định cư thuỷ điện Tuyên Quang.
Công trình thuỷ điện Tuyên Quang hoàn thành sẽ mang lại lợi ích quan trọng,cùng với các nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La, Thác Bà điều hoà nguồn nước khu vực Tuyên Quang, đồng bằng Sông Hồng vào mùa lũ cũng như mùa kiệt và bổ sung nguồn điện lớn cho nền kinh tế. Thuỷ điện Tuyên Quang thuộc công trình trọng điểm quốc gia, có số dân di chuyển tái định cư lớn, cần phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua về chủ trương trước khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể về di dân tái định cư.